Phụ huynh giám sát an toàn thực phẩm bếp ăn trường học: Tránh mang tính hình thức

Việc Ban phụ huynh học sinh tham gia vào giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) đã được Hà Nội thực hiện từ nhiều năm nay, song chỉ là giám sát dưới hình thức phối hợp cùng Ban giám hiệu nhà trường. Tại buổi họp trực tuyến với các sở ngành, quận, huyện về công tác phòng chống dịch bệnh ngày 19/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề nghị, các trường học phải thành lập Ban giám sát ATTP cả về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng cũng như giá cả thực phẩm đưa vào trường.

Chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Thanh Hải

Chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Thanh Hải

Quyền lợi giám sát đột xuất chưa được phát huy
Việc huy động đại diện Ban phụ huynh cha mẹ học sinh tham gia giám sát ATTP đầu vào đã được Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ khuyến khích các trường trên địa bàn thực hiện. Theo đó, vào giờ giao nhận thực phẩm buổi sáng phải có sự chứng kiến của đại diện 3 bên: Nhà cung cấp thực phẩm, Ban giám hiệu nhà trường và cha mẹ học sinh, có biên bản ghi nhận. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ, Ban phụ huynh không tham gia giám sát được thường xuyên. Trong Ban phụ huynh sẽ có sự phân công các cá nhân tham gia đến trường giám sát khâu giao nhận thực phẩm, nhưng nếu phụ huynh bận công việc riêng thì việc giao nhận chỉ là giữa nhà trường và bên cung cấp. Qua theo dõi, phần lớn phụ huynh chỉ tham gia giám sát được 3 – 4 buổi/tuần. Ông Vũ cũng thừa nhận, thực tế việc giám sát của phụ huynh cũng chỉ là một phần, bởi những cái không an toàn ở thực phẩm chưa chắc nhận thấy được bằng mắt thường mà phải qua kiểm nghiệm. Đặc biệt, quyền lợi được giám sát, kiểm tra đột xuất của Ban phụ huynh với bếp ăn tập thể nhà trường chưa được phát huy.

Không ít trường học cho phụ huynh được giám sát nhưng lại yêu cầu phải báo trước nhà trường. Như vậy, việc kiểm tra sẽ chỉ mang tính hình thức, thiếu tính khách quan. Tôi kiến nghị, cơ quan chức năng cần có những quy định cụ thể về việc tham gia giám sát ATTP của Ban phụ huynh. Đồng thời, cho phép Ban phụ huynh tham gia việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thực phẩm cho trường, tránh tình trạng nhà trường buộc phải chọn đơn vị theo danh sách UBND quận, huyện đưa ra.
Chị Đỗ Ngọc T. - Phụ huynh học sinh trường Tiểu học Thị trấn Văn Điển

Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai Trương Thu Hà cho biết, không ai dám khẳng định 100% thực phẩm đưa vào trường học là an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, việc giám sát, kiểm soát chất lượng thực phẩm vẫn phải tiến hành thường xuyên. Tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn quận Hoàng Mai, việc phối hợp với Ban phụ huynh kiểm sát thực phẩm được tiến hành hàng ngày. Mọi thắc mắc của phụ huynh về các vấn đề liên quan đến bếp ăn bán trú đều được giải đáp kịp thời.Hiệu trưởng trường THCS - THPT Ban Mai (quận Hà Đông) Nguyễn Khánh Chung cho biết, Ban phụ huynh trong trường đã thành lập riêng tổ ATTP có quy chế hoạt động riêng. Việc giám sát được thực hiện thường xuyên theo nguyên tắc không ảnh hưởng đến các hoạt động của nhà trường. “Tận mắt được thấy các món ăn được chế biến từ nguồn thực phẩm tươi, sạch, lại được nấu thơm ngon, phụ huynh sẽ cảm thấy yên tâm hơn phần nào với bữa ăn hàng ngày của các con tại trường” – ông Chung chia sẻ.Tăng kiểm tra đột xuấtPhó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khuyến khích, phụ huynh cần chủ động hơn trong việc tham gia giám sát bếp ăn trường học. Đặc biệt, phụ huynh cần tăng cường kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện ra những nghi ngờ liên quan đến thực phẩm hàng ngày. Thông tin kiểm tra giám sát hàng ngày phải công khai, minh bạch để các phụ huynh khác cùng nắm được, tránh mang tính hình thức. Tuy nhiên, theo ông Tiến, việc đảm bảo ATTP bếp ăn trường học trách nhiệm chính vẫn là nhà trường, chịu trách nhiệm cao nhất là Hiệu trưởng. Bên cạnh đó, lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm cho bếp ăn trường học phải là các DN lớn, có uy tín, có thẩm định từ phía các cơ quan chức năng. "Nhà trường và Ban phụ huynh có thể kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các đơn vị cung cấp thực phẩm. Nếu có nghi ngờ cần dừng hợp đồng và thông báo đến các cơ quan chức năng” – ông Tiến cho hay.Về phía ngành y tế, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ bày tỏ, việc tham gia giám sát ATTP của phụ huynh là điều cần thiết. Bằng mắt thường, phụ huynh có thể quan sát thực phẩm có còn tươi hay không, có bị dập nát, đổi màu hoặc có mùi vị lạ hay không, đơn vị cung cấp có đúng với hợp đồng hay không. Với các sản phẩm đóng hộp nên kiểm tra kỹ về niêm phong, hạn sử dụng, đơn vị sản xuất. Bất kỳ sản phẩm nào mà Ban phụ huynh hay nhà trường nghi ngờ đều có thể lưu lại, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ hỗ trợ xét nghiệm kiểm tra. Bên cạnh đó, ông Tụ cũng lưu ý các trường nghiêm túc thực hiện lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực ba bước theo đúng quy định.

Trần Nga

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phu-huynh-giam-sat-an-toan-thuc-pham-bep-an-truong-hoc-tranh-mang-tinh-hinh-thuc-339022.html