Phụ huynh đồng thuận khi thấy được hiệu quả

Năm học 2017-2018, hệ giáo dục phổ thông của TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm 8 trường học triển khai mô hình trường tiên tiến hội nhập khu vực và quốc tế, nâng tổng số trường theo mô hình này lên 34 trường từ hệ mầm non tới THPT.

Sự tăng thêm số lượng sau 2 năm (từ 20 trường) cho thấy, đây là những tín hiệu vui của năm học mới, phần nào chứng tỏ hướng đi đúng đắn của ngành Giáo dục thành phố. Tuy nhiên, để nhận được sự đồng thuận từ người dân thì mô hình tiên tiến trong trường công phải vượt qua được khá nhiều rào cản, cái chính là phải thực sự chứng minh được hiệu quả với người dân.

Thầy Dương Trần Bình- Hiệu trưởng Tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, là một trong 2 trường của quận (cùng với THCS Phan Văn Trị-Gò Vấp) đã và đang thực hiện mô hình tiên tiến này, chia sẻ: "Năm nay là năm thứ 2 trường đi vào hoạt động theo mô hình mới. Chúng tôi rất phấn khởi khi đã nhận được sự ủng hộ từ phía PHHS, với việc số hồ sơ xin nhập học cho con vào trường năm nay vượt quá chỉ tiêu. Theo qui chế tuyển sinh của quận, năm nay, trường tuyển 120 HS khối lớp 1 với điều kiện có hộ khẩu thường trú tại khu phố 1, 2- phường 15. Trong đó, Nhà trường cân nhắc chỉ nhận đúng 30 HS vào lớp Tích hợp tiếng Anh khối Tiểu học, và 3 lớp tiếng Anh tăng cường".

Học sinh Tiểu học Lê Đức Thọ - Gò Vấp trong cuộc thi "Kỹ sư Robot nhí 2016".

Học sinh Tiểu học Lê Đức Thọ - Gò Vấp trong cuộc thi "Kỹ sư Robot nhí 2016".

Theo phân tích của thầy Bình, mô hình tiên tiến ra đời với kì vọng của ngành là đáp ứng được nhu cầu của người học, theo xu hướng hội nhập. Thứ nữa, thời gian vừa qua sự xuất hiện của hàng loạt trường phổ thông Quốc tế nhưng không thể quản lý được chất lượng, nội dung. Do vậy mô hình tiên tiến ra đời để khắc phục việc này, đồng thời HS vẫn được thụ hưởng một nền giáo dục theo mục tiêu toàn diện, chú trọng nâng cao năng lực, thể chất. Tuy nhiên lúc đầu, đã "vấp" phải khá nhiều rào cản. Trước hết là quan niệm "cào bằng" trong dịch vụ giáo dục. Đó là, Trường công thì HS phải được đối xử như nhau về nội dung học, về mức thu.

Trong khi, giáo dục theo xu hướng hội nhập trước hết là phục vụ theo nhu cầu. Mô hình tiên tiến với khung thu học phí (thỏa thuận) là 1,5 triệu/tháng, nhưng Sở Giáo dục TPHCM cũng qui định rõ, phải cân đối theo điều kiện của từng phường, quận; trong thu phí học buổi thứ 2, tiền học tiếng Anh theo chuẩn Quốc tế, HS phát triển năng khiếu âm nhạc, thể thao; Tin học quốc tế, các phòng học chức năng đặc biệt,...

Thầy Bình cho biết, Ban giám hiệu nhà trường Tiểu học Lê Đức Thọ đã hết sức cẩn trọng trong từng bước đi, và may mắn là PHHS của 2 năm vừa qua đã chung tay, để có được 100% phòng học có máy lạnh như hiện tại. Đây là một việc rất khó với mặt bằng mức sống của người dân ở một khu vực vùng ven như quận Gò Vấp.

Cụ thể: Nhà trường phải chứng minh được hiệu quả, sự phù hợp trong việc đầu tư. Như việc đầu tư máy lạnh, nhà trường phải thực hiện theo dõi, ghi chép số tiền chi phí vận hành. Từ đó, duy trì nghiêm túc: trước 9h sáng, các phòng 100% mở cửa sổ, dùng quạt. Từ sau giờ ra chơi, khoảng 9h30 tới trưa nóng mới dùng máy lạnh. Mọi việc đầu tư khác cũng phải minh bạch như vậy.

Thầy Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận 12 cũng cho biết, năm học 2017-2018, quận sẽ có 3 trường thực hiện mô hình trường tiên tiến, gồm Mầm non Hoa Đào, Tiểu học Võ Thị Sáu và THCS Nguyễn Chí Thanh. Các trường đều có CSVC đáp ứng về trường chuẩn quốc gia theo từng cấp học. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho mô hình này, các trường đã đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị dạy học từ nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2017, với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng. Riêng Trường THCS Nguyễn Chí Thanh đang tiến hành lắp đặt, trang bị thêm “Thư viện thông minh” từ nguồn xã hội hóa.

Theo thừa nhận của thầy Trần Bình, thực tế tuyển sinh năm nay, Tiểu học Lê Đức Thọ cũng có một số PHHS e ngại trước các khoản phí đóng của trường tiên tiến nên đã từ chối quyền thụ hưởng, Phòng GD và Nhà trường tạo điều kiện cho các PHHS cho con nhập học tại Trường phù hợp trên địa bàn.

Theo tiêu chuẩn của mô hình này, 100% các HS trong trường được học 2 buổi/ ngày. Việc giảng dạy ưu tiên phương pháp cá thể hóa trên từng đối tượng HS. Đặc biệt chú trọng hoạt động ngoại khóa, cho HS tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tiễn, sáng tạo. Các hoạt động phát triển năng lực HS về các lĩnh vực giáo dục, giao lưu tìm hiểu... nhưng trên cơ sở tự nguyện của PH và HS. Phải chứng minh để PHHS thấu hiểu, không thắc mắc khi cho con tham gia học Chương trình tích hợp tiếng Anh là 3,6 triệu/tháng (lớp tiếng Anh tăng cường là 3,3 triệu/tháng), cộng thêm 1,5 triệu đồng/tháng học phí mô hình tiên tiến, tổng số tiền tăng lên trên 6 triệu đồng ngay khi nhập học.

Ngoài ra, một áp lực nữa mà trường phải vượt qua, đó là vấn đề nhân sự. Giáo viên (GV) lớp tiếng Anh Tích hợp trước hết phải đáp ứng trình độ Tiếng Anh B2, sĩ số HS là 30 em. Với những trường thường, sĩ số từ 45-50 HS, tất yếu sẽ có nguồn thu cao hơn với lớp có sĩ số 30, mức thu học phí 1,5 triệu/tháng của mô hình tiên tiến nhưng đời sống GV do vậy cũng ngang bằng các trường công khác. Nhưng áp lực GV phải chịu rất cao để đáp ứng cho đúng với "đồng tiền bát gạo" PHHS bỏ ra. Nên nhà trường cũng phải có chiến lược mới giữ chân được GV.

Tại hội nghị đóng góp ý kiến với ngành GD&ĐT TP HCM nhân năm học mới 2017-2018, GS Trần Đông A, nguyên Phó GĐ Bệnh viện Nhi Đồng 2 phát biểu: "Cái khó nhất của thực hiện mô hình tiên tiến trong trường công là khu vực dân cư mức sống không đồng đều.

Tuy nhiên, qua khảo sát năm học vừa qua, trong mô hình trường tiên tiến thấy nổi bật vấn đề, trẻ đã thực sự yêu thích với cách dạy, phương pháp tự học. Mô hình Thư viện trong trường tiên tiến với việc dạy HS kĩ năng tìm sách trong thư viện; hay có tiết học ngoại khóa. HS sẽ ứng xử như thế nào khi được phát cho số tiền nhất định khi vào siêu thị, khi đi công viên chơi. Sau tiết học ngoài nhà trường này, các em về phải có bài viết thu hoạch.

Ngoài ý nghĩa cho HS tiếp cận môi trường học "mở", còn mang ý nghĩa đổi mới học tập và phương pháp đánh giá. Không gây áp lực mà tạo sự thích thú trong học tập. Yếu tố kĩ năng của HS đã được chú trọng. Theo tôi, đây là những điểm rất mới, trong hoạt động, nỗ lực đổi mới giảng dạy học tập của ngành GD&ĐT TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, các trường theo mô hình tiên tiến phải tự giới thiệu trên trang website. Công khai minh bạch mọi hoạt động để người dân đánh giá. Đó là cách tốt nhất để nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của PHHS để mục tiêu đúng đắn của mô hình này ngày càng gần hơn với người dân.

Huyền Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/phu-huynh-dong-thuan-khi-thay-duoc-hieu-qua-457966/