Phụ huynh đánh giáo viên thực tập suýt sảy thai sẽ bị xử lý thế nào?

Luật sư cho rằng, nếu kết quả giám định tổn hại sức khỏe của cô giáo dưới 11% thì vị phụ huynh bắt cô giáo quỳ có thể bị xử lý Tội 'cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác' hoặc Tội 'làm nhục người khác'.

Liên quan đến vụ việc giáo viên thực tập bị ép quỳ, đánh suýt sảy thai, ngày 27/3, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết cần đợi kết quả điều tra, xác minh của cơ quan cảnh sát điều tra.

Tuy nhiên, nếu nữ giáo viên được giám định mà tỷ lệ tổn hại sức khỏe mà kết quả dưới 11% thì vị phụ huynh hành hung nữ giáo viên đó vẫn có thể bị xử lý hình sự về Tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” quy định Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.

Cụ thể, vị phụ huynh này phạm tội đối với phụ nữ mà biết có thai sẽ bị xử lý theo điểm c, khoản 1, Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.

Đồng thời, nếu xác định được vị phụ huynh bắt cô giáo quỳ trước mặt người khác, người này thì có thể xử lý bị xử lý về Tội “làm nhục người khác” quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015.

 Cô P.T.N đang được điều trị ở một cơ sở y tế trên địa bàn TP Vinh.

Cô P.T.N đang được điều trị ở một cơ sở y tế trên địa bàn TP Vinh.

“Trong trường hợp không xử lý được về mặt hình sự thì vẫn có thể xử phạt hành chính. Còn nếu vị phụ huynh đó là cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước thì có thể bị xử lý kỷ luật theo luật cán bộ, công chức” – luật sư Ứng cho hay.

Theo luật sư Ứng, hiện nay liên tục xảy ra tình trạng giáo viên bị phụ huynh làm nhục, đánh đập. Đây không chỉ là hồi chuông cảnh báo, mà đã đến lúc các cơ quan chức năng cần hành động để chấn chỉnh từ tận gốc của vấn đề.

Đây còn là vấn đề về giáo dục đạo đức, nhân cách ứng xử giữa người với người.

Bài liên quan

Phụ huynh đánh giáo sinh suýt sảy thai: Công an đang hoàn tất hồ sơ để xử lý

Bên cạnh đó, khẩu hiệu “Tôn sư, trọng đạo” cần phải treo, dán ở khắp mọi nơi để không chỉ giáo dục học sinh mà còn nhắc nhở, giáo dục những bậc làm cha mẹ để biết cách ứng xử cho đúng với những người thầy, người cô.

“Chưa bao giờ nhà giáo bị tổn thương như hiện nay. Nhớ lại thời bao cấp, cuộc sống người giáo viên rất khó khăn nhưng họ vẫn làm thêm đủ nghề để kiếm sống và quyết bám trụ với nghề giáo. Đối với họ, chỉ cần sống để yêu lấy cái nghề thì dù có khó khăn thì họ vẫn phấn khởi, yêu đời…

Ngày đó, học sinh mắc lỗi bị cô phạt nhưng về nhà còn bị bố mẹ phạt thêm. Thậm chí có bậc phụ huynh còn xin lỗi cô giáo về việc mắc lỗi của con mình và đề nghị cô giáo phạt nặng hơn nếu lần sao còn tái diễn. Nhưng thời nay, con hư bị cô giáo phạt thì ngay lập tức cô giáo “ăn đòn”" – luật sư Ứng chia sẻ.

Luật sư Ứng cho rằng, nếu cô giáo sai thì phụ huynh nên phản ánh, kiến nghị đến nhà trường để có hướng giải quyết chứ không được quyền hành xử đánh đập cô giáo.

“Hành động đánh cô giáo dạy bảo con mình là hành động của "kẻ vô học". Cần phải trừng phạt thích đáng hành vi của kẻ đã đánh đập cô giáo để răn đe về sau” - luật sư Ứng nói.

DIỄN BIẾN VỤ VIỆC:

Trường Mầm non Việt - Lào nơi xảy ra sự việc.

Trước đó, một giáo viên thực tập tại trường mầm non Việt Lào, thành phố Vinh, Nghệ An bị phụ huynh hành hung khi phát hiện con có vết thâm ở chân (do bé chạy vấp ngã trước đó). Giáo viên thực tập bị phụ huynh này đánh phải nhập viện, có nguy cơ sảy thai.

Bài liên quan

Giáo sinh bị đánh suýt sảy thai: Công đoàn Giáo dục VN đề nghị điều tra, khởi tố

Sau khi nắm bắt thông tin, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT đã có công văn và điện thoại trực tiếp yêu cầu Sở GD-ĐT Nghệ An khẩn trương nắm bắt tình hình, chỉ đạo, xử lý kịp thời và báo cáo nhanh về Bộ GD-ĐT.

Đại diện Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, đã chỉ đạo phòng GD-ĐT TP Vinh phối hợp với công an xác minh làm rõ, xử lý nghiêm hành vi của phụ huynh.

Công an TP Vinh đã triệu tập và tạm giữ phụ huynh học sinh này phục vụ điều tra. Thông tin phụ huynh học sinh bắt cô giáo quỳ xin lỗi không có trong báo cáo của nhà trường.

Sở GD-ĐT Nghệ An và Phòng GD-ĐT thành phố Vinh đã thăm hỏi, động viên cô giáo, ổn định tình hình. Hiện tại, sức khỏe của cô giáo dần ổn định. Vụ việc vẫn đang được cơ quan điều tra làm rõ.

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục yêu cầu Sở GD-ĐT Nghệ An tiếp tục báo cáo sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, đồng thời cũng nhắc nhở các địa phương khác trong công tác đảm bảo an toàn trường học cho các thầy cô giáo và học sinh.

Đề nghị khởi tố nếu đủ dấu hiệu phạm tội

Ngày 26/3, Công đoàn Giáo dục Việt Nam có công văn đề nghị Công an TP Vinh, Công an phường Trung Đô, Nghệ An điều tra, xác minh vụ việc phụ huynh đánh giáo viên tại Trường mầm non Việt - Lào. Nếu có đủ dấu hiệu phạm tội, đề nghị khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật.

Công đoàn giáo dục Việt Nam cũng đề nghị các đơn vị sớm có giải pháp xử lý và biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn học đường để các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác.

Video: Đề nghị kỉ luật nam phụ huynh trong vụ cô giáo quỳ gối ở Long An

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 2 người trở lên;

b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

d) Phạm tội 2 lần trở lên;

đ) Phạm tội đối với 2 người trở lên;

e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;

h) Có tổ chức;

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;

m) Có tính chất côn đồ;

n) Tái phạm nguy hiểm;

o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

a) Phạm tội 2 lần trở lên;

b) Đối với 2 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tùng Lâm

Nguồn VTC: https://vtc.vn/phu-huynh-danh-giao-vien-thuc-tap-suyt-say-thai-se-bi-xu-ly-the-nao-d389142.html