Phụ huynh đánh giáo viên: Khi tư tưởng trả tiền phải có món hàng ưng ý

Theo nghiên cứu sinh Nguyễn Quốc Vương, tư duy kiểu 'tôi trả tiền phải có món hàng như ý' làm hỏng quan hệ giữa phụ huynh với giáo viên và nhà trường.

Chỉ trong một tháng, 3 sự việc liên quan giáo viên gây xôn xao dư luận. Đó là trường hợp cô giáo ở Long An bị phụ huynh ép quỳ vì cô này từng phạt học sinh quỳ gối, khiến các em sợ phải nghỉ học. Thầy giáo tại trường THCS Tân Thành, Nghệ An, bị anh trai của học sinh đánh dập mũi để “trả thù”. Giáo viên thực tập tại trường Mầm non Việt - Lào, Nghệ An, bị phụ huynh đánh, bắt quỳ, dù đang mang thai.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Quốc Vương - nghiên cứu sinh về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa, Nhật Bản - cho rằng ở Việt Nam, hiện tượng mâu thuẫn trong giáo dục ngày một nhiều do nhiều yếu tố: Ý thức về xã hội tiêu dùng, tác hại của hành chính giáo dục quan liêu, trường học thiếu ứng phó, sự yếu kém của cải cách giáo dục.

Nguyên nhân mâu thuẫn trong trường học

- Trước hàng loạt mâu thuẫn phụ huynh - giáo viên, giáo viên - học sinh trong thời gian gần đây, suy nghĩ của ông như thế nào?

- Việc xảy ra các sự việc trên liên tiếp trên nhiều địa bàn, cấp học và có tính lặp đi lặp lại đặt ra cho chúng ta câu hỏi rằng đó có phải các sự việc đơn lẻ và vấn đề nằm ở nhân cách - hành vi của giáo viên, phụ huynh cụ thể cá biệt hay không? Tôi cho là không.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Quốc Vương có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục.

Nếu nghiên cứu sẽ thấy hiện tượng này đã diễn ra rất dài ở trường học Việt Nam. Có khác chăng là giờ đây bức tường bao quanh trường học đang dần trở nên trong suốt, xã hội mới nhìn rõ hơn mà thôi.

Ký ức thời học sinh của tôi cũng chứng kiến rất nhiều cảnh giáo viên đánh, chửi học sinh, đặc biệt ở cấp tiểu học. Cảnh phụ huynh đến trường hành hung giáo viên tôi cũng từng chứng kiến.

- Ông cho rằng nguyên nhân trực tiếp đến từ đâu?

- Cần có các nghiên cứu tiếp cận vấn đề từ nhiều lĩnh vực để làm rõ hơn nhưng tôi cho rằng một trong những nguyên nhân sâu xa và cũng là trực tiếp dẫn đến tình trạng hành xử mất chuẩn mực và phi văn hóa giữa giáo viên - học sinh, phụ huynh - giáo viên và thậm chí là cả học sinh - phụ huynh là do giáo dục trường học hiện nay đang oằn lưng dưới sức ép của hệ thống hành chính giáo dục lạc hậu mang nặng tính quan liêu.

Việt Nam đã tiến hành 3 cuộc cải cách giáo dục lớn (tính từ 1945 đến nay) và đang làm cuộc cải cách lớn lần thứ tư. Tuy nhiên, hệ thống hành chính giáo dục hầu như không thay đổi, cơ chế vận hành của nó vẫn như vậy, thậm chí nó còn trở nên quyền lực hơn, cồng kềnh hơn.

Một trong những nguyên lý vàng của cải cách giáo dục thời hiện đại là phải dân chủ hóa bộ máy giáo dục và tiến hành phân quyền hành chính giáo dục cho địa phương, gia tăng quyền tự trị của trường học và giáo viên. Ở Việt Nam, xu hướng này yếu hoặc mờ nhạt.

Trong khi đó, ý chí cải cách của Bộ GD&ĐT rất lớn, nhu cầu đòi cải cách của nhân dân rất mạnh. Giáo dục trở thành tâm điểm của dư luận và bị công kích hàng ngày. Giáo dục trường học hàng ngày hàng giờ vẫn phải đáp ứng nhu cầu thiết thân của thực tiễn như việc làm cho học sinh, sinh viên… Kết quả là chủ nghĩa thành tích và chủ nghĩa quan liêu sinh sôi nảy nở.

Hai thứ đó kết hợp với nhau một cách phức tạp, tinh vi tạo ra sức mạnh cộng hưởng khiến cho những người đứng ở dưới cùng của bậc thang quyền lực hành chính giáo dục là giáo viên “lĩnh đủ”.

Khi bị dồn ép mà không có lối thoát rõ ràng trong chuyên môn và vận hành lớp học, họ sẽ chuyển hóa sự căng thẳng đó vào học sinh bằng đủ cách. Học sinh hay phụ huynh cũng tương tự.

Nhìn vào lịch sử giáo dục trên thế giới hay Nhật Bản sẽ thấy nhiều căn cứ củng cố cho nhận định trên. Ở nước Nhật, trong những năm 80-90, bạo lực học đường được cho là đạt mức cực đại. Đó cũng chính là thời kỳ cả nước Nhật chạy theo chủ nghĩa bằng cấp và hành chính giáo dục có vấn đề.

- Cụ thể trong những trường hợp này, lỗi ở đây là giáo viên không làm “đúng ý” phụ huynh? Một số phụ huynh ngày nay hành xử thái quá hay do những đứa trẻ - được ví như “ông vua con” - giáo viên mắng hay phạt, đánh sẽ bị người nhà trả thù?

- Hiện tượng phụ huynh can thiệp thô bạo vào trường học hay tấn công giáo viên từng xảy ra ở Nhật Bản. Người ta gọi các phụ huynh đó là “Monster Parents” - những người đưa ra yêu cầu vô lý hoặc ích kỷ đối với giáo viên, trường học.

Ở Việt Nam, từ giờ về sau, hiện tượng này sẽ ngày một nổi lên do nhiều yếu tố: Ý thức về xã hội tiêu dùng, tác hại của hành chính giáo dục quan liêu, trường học thiếu ứng phó, sự yếu kém của cải cách giáo dục.

Mỗi gia đình có từ 1-2 đứa trẻ đồng nghĩa việc vai trò trung tâm của đứa trẻ sẽ lớn lên, cha mẹ có xu hướng bảo hộ quá mức.

Kết cấu xã hội truyền thống, nơi việc nuôi dạy trẻ, huấn luyện bố mẹ được trao cho xã hội - cộng đồng địa phương và các thế hệ đi trước cùng chung sống (ông bà) bị phá vỡ dần, thay thế bằng kết cấu xã hội đô thị được tạo nên bởi các gia đình hạt nhân.

Trở thành bố mẹ trong khi không đủ điều kiện là một thực tế ở Việt Nam. Với nền tảng như thế, khi đối mặt với các “vấn đề” của trường học và giáo viên, bạo lực được các phụ huynh đó lựa chọn .

Ý thức của xã hội tiêu dùng kiểu “tôi trả tiền tphải có món hàng như ý” cũng là lối tư duy làm hỏng quan hệ giữa phụ huynh với giáo viên và nhà trường. Trường học là thiết chế - không gian đặc biệt và sự trưởng thành của trẻ, sản phẩm của giáo dục là thứ đặc biệt không thể đong đếm dễ dàng.

Lấy gì để đảm bảo tuyệt đối một đứa trẻ có điểm số tốt 12 năm rồi sau này sẽ trở thành công dân tốt và ngược lại? Phụ huynh và xã hội nếu hành động nông nổi trong sự chi phối vô thức của yếu tố tiêu dùng nói trên thì sẽ càng làm cho giáo dục rối loạn.

Tất nhiên, ở góc độ luật pháp và đạo đức nghề nghiệp, chuyện giáo viên bạo hành hoc sinh đương nhiên là không thể chấp nhận và ngành giáo dục cần có biện pháp thích hợp để ngăn chặn. Cải cách giáo dục thực sự bắt đầu từ hệ thống hành chính giáo dục là một công việc không thể né tránh.

Học cách giáo dục lại cho người lớn

- Ông từng nói đến việc giáo dục xã hội dành cho người trưởng thành ở Việt Nam hầu như không có, cụ thể giáo dục xã hội được hiểu như thế nào?

- Giáo dục xã hội nằm ngoài trường học với đối tượng chính là người trưởng thành. Phụ huynh suy cho cùng cũng là sản phẩm của một nền giáo dục đang cần cải cách. Cần phải có không gian, cơ hội để họ học lại và học liên tục.

Nói ra có vẻ mâu thuẫn nhưng chỉ khi nào giáo viên, phụ huynh thay đổi theo hướng tích cực, học sinh mới tiến bộ. Cơ chế tác động của giáo dục là gián tiếp (thông qua sức ảnh hưởng hữu hình và vô hình của thầy, nhà trường, chương trình và các yếu tố khác liên quan…) và chuyển hóa tự thân. Giáo dục không đơn giản là nhét tư tưởng, kiến thức vào đầu ai đó.

Điều gì sẽ xảy ra khi ở trường, các em học điều mới, tiến bộ nhưng khi ra khỏi cổng trường lại phải đối mặt định kiến cũ được bao phủ bởi bầu không khí quyền lực kiểu Nho giáo?

“Giáo dục lại” quốc dân là nhu cầu tất yếu cho các quốc gia trong giai đoạn cần cải cách giáo dục. Nhật Bản sau 1945 là một ví dụ tiêu biểu.

- Ở Nhật Bản, họ đã thực hiện "giáo dục lại" như thế nào thưa ông?

- Ở Nhật Bản, giáo dục xã hội trong thời Minh Trị được gọi là “giáo dục thông tục” và nó được sử dụng như một phương tiện để “giáo hóa quốc dân”. Tuy nhiên, đến năm 1921, cái tên “giáo dục xã hội” chính thức được dùng rộng rãi.

Gần đây, người Nhật còn dùng thuật ngữ “học tập suốt đời” như một từ đồng nghĩa với “giáo dục xã hội”.

Trong cơ cấu tổ chức của Bộ giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ của Nhật Bản có hẳn một vụ phụ trách “giáo dục xã hội”. Đến năm 1988, nó đổi thành “Vụ học tập suốt đời” và hiện nay là “Vụ chính sách học tập suốt đời”. Quan trọng nhất, Nhật Bản đã soạn, ban hành và thực thi “Luật giáo dục xã hội” năm 1949.

Không gian để thực hiện giáo dục xã hội rất rộng. Những ngôi trường có thể mở rộng cánh cửa và các bài giảng công khai dành cho đại chúng. Tuy nhiên, thông thường, giáo dục xã hội sẽ được tiến hành thông qua cơ quan, đoàn thể như: Truyền thông đại chúng; tổ chức phi chính phủ (NGO); tổ chức phi lợi nhuận (NPO); bảo tàng; thư viện; trung tâm học tập cộng đồng.

Các đoàn thể dân sự (ví dụ như ở Nhật Bản có hội phụ nữ, PTA , YMCA, YWCA, hội trẻ em, hướng đạo sinh, câu lạc bộ người cao tuổi).

- Điều này cần áp dụng vào thực tế việc “giáo dục xã hội” vào Việt Nam ra sao để giải quyết những mâu thuẫn trong trường học?

- Ở Việt Nam, giáo dục xã hội chưa được quan tâm đúng mức vì người ta thường mới chỉ chú trọng giáo dục trường học và gần đây là một chút giáo dục gia đình. Cần có Luật về giáo dục xã hội để định ra các thiết chế cần thiết cho công việc này.

Hãy thử nhìn vào một thành phố xem những không gian dành cho hoạt động giáo dục xã hội như: Bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa… hoạt động ra sao? Có bao nhiêu bài giảng công khai của học giả dành cho đại chúng hàng ngày? Người dân bình thường có cơ hội nào để học tập thông qua đọc sách và sinh hoạt nghệ thuật?

Giáo dục xã hội ở Việt Nam nặng tính phong trào và thiếu triết lý sâu xa.

- Nếu không có hướng đi “giáo dục xã hội”, ngoài việc giáo viên bị đánh, có thể có những sự việc tồi tệ như thế nào xảy ra?

- Chuyện lớn hơn là bất tín đối với giáo dục và trường học. Khi bất tín với trường học thì hậu quả đương nhiên là không thể có giáo dục tốt và học sinh nhiều thế hệ sẽ trở thành nạn nhân và sau đó lại trở thành thủ phạm khi tạo ra một xã hội tồi tệ hơn nữa. Đấy là thứ đáng sợ hơn những hiện tượng bạo lực mà chúng ta đang thấy.

Bộ GD&ĐT đề nghị xử lý nghiêm vụ bắt cô giáo quỳ Một cô giáo ở Long An bị nhóm phụ huynh buộc phải quỳ để xin lỗi, gây phản cảm trong dư luận.

Ông Nguyễn Quốc Vương là tác giả nhiều cuốn sách liên quan giáo dục như: Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản; Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam, đồng thời dịch các cuốn sách như: Sổ tay giáo dục gia đình Nhật Bản; Cải cách giáo dục Nhật Bản.

Quyên Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phu-huynh-danh-giao-vien-khi-tu-tuong-tra-tien-phai-co-mon-hang-ung-y-post830425.html