Phụ huynh chưa muốn con đến trường mầm non khi còn dịch bệnh

Lo con còn nhỏ, nhiều phụ huynh sẵn sàng cho trẻ mầm non, tiểu học nghỉ ở nhà đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Sau thời gian giãn cách xã hội, tình hình dịch Covid-19 có diễn biến khả quan. Nhiều địa phương quyết định cho học sinh trở lại trường. Nhiều tỉnh dự kiến đầu tháng 5 sẽ cho học sinh đồng loạt đến lớp, kể cả bậc mầm non, tiểu học, nếu tình hình ổn định như những ngày qua.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh có con nhỏ vẫn băn khoăn, lo lắng vì khả năng, ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ còn kém. Môi trường tiểu học, mầm non, trẻ tiếp xúc rất gần nhau.

 Phụ huynh vẫn còn nhiều băn khoăn về thời gian trở lại trường của trẻ mầm non. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.

Phụ huynh vẫn còn nhiều băn khoăn về thời gian trở lại trường của trẻ mầm non. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.

Muốn trẻ ở nhà cho đến khi hết dịch

Dù sống ở vùng thuộc nhóm nguy cơ thấp, chị Trúc Như (Phú Quốc, Kiên Giang) chưa muốn cho con gái (học sinh lớp 5) đi học trở lại vào cuối tháng 4 hay đầu tháng 5. Phụ huynh này cho rằng phải đến khi công bố hết dịch, chị mới an tâm cho con đến lớp.

Bà mẹ này giải thích học sinh tiểu học còn nhỏ tuổi, chưa thể đảm bảo thực hiện đúng các biện pháp phòng chống lây nhiễm khi ở trường.

Trong khi việc học online, theo chị, đang ở mức chấp nhận được với học sinh tiểu học. Kiểm tra tiến độ học Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh của con, chị Như nhận thấy bé hoàn thành tốt yêu cầu giáo viên đặt ra, biết tự làm bài tập.

Nếu tình hình không được cải thiện, chị Trúc Như chấp nhận cho con ở nhà, thay vì đến trường với lo lắng có thể nhiễm virus corona.

Tương tự, anh Hữu Lâm, cha của bé 4 tuổi tại TP.HCM, cho hay nếu thành phố quyết định đầu tháng 5 cho học sinh mầm non đến lớp, anh vẫn xin cho con nghỉ thêm một thời gian. Gia đình anh Lâm quyết định khi nào công bố hết dịch mới cho con trở lại trường.

Có con 4 tuổi học tại một trường mầm non tại quận Gò Vấp (TP.HCM), chị Hà Thu cho biết có thể gia đình sẽ cho con nghỉ hết năm nay, chấp nhận bé học lại một năm. Khai giảng năm học mới, gia đình mới cho con đến trường trở lại.

“Việc học của trẻ mầm non không quá quan trọng. Nếu gia đình có thể trông con được, mình nghĩ nên để trẻ ở nhà đến khi dịch bệnh được kiểm soát cho an tâm”, bà mẹ này cho hay.

Trẻ nhỏ đến lớp, cha mẹ chưa hoàn toàn yên tâm

Ngược lại, một số phụ huynh cho rằng sau thời gian nghỉ, trẻ đã ghi nhớ và tập thành thói quen đeo khẩu trang, ho phải che miệng, rửa tay thường xuyên, cộng với tình hình dịch bệnh tiến triển tốt, nên trẻ đến trường vào đầu tháng 5 là khả thi.

Tin tưởng công tác chuẩn bị của các trường, chị Quyên Thanh, mẹ của bé 5 tuổi tại TP.HCM, cho hay nếu trường mở cửa vào đầu tháng 5, chị sẽ quyết định cho con đi học.

Việc học của trẻ mầm non không quá quan trọng. Nếu gia đình có thể trông con được, mình nghĩ nên để trẻ ở nhà đến khi dịch bệnh được kiểm soát cho an tâm.

Phụ huynh Hà Thu

"Khi quyết định cho mầm non đi học lại, thành phố cũng đã đảm bảo công tác chuẩn bị, an toàn của các trường. Hơn nữa, các bé cũng nhớ thầy cô, bạn bè và mong được đi học lại", chị Quyên Thanh nói.

Phương Mai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hy vọng Hà Nội có thể sớm cho con trở lại trường. Từ khi trường đóng cửa vì dịch, chị cho hai con gái về quê. Thời gian nghỉ học quá lâu, cả hai cháu đều tâm sự nhớ trường, lớp, bạn bè, cô giáo và mong được sớm đi học.

“Đành rằng lớp 1 ít kiến thức, nghỉ cũng không ảnh hưởng việc học quá nhiều. Nhưng các cháu mong ngóng quá nên tôi chỉ mong Hà Nội có thể mở cửa trường học từ đầu tháng 5”, nữ phụ huynh chia sẻ.

Dù vậy, để con đến trường khi Việt Nam chưa công bố hết dịch, chị cũng lo lắng. Ở nhà, bố mẹ nhắc nhở rửa tay thường xuyên, nhưng ở lớp, sợ hai con quên. Ngoài ra, chị cũng lo hai con mải chơi đùa với bạn, không đảm bảo an toàn phòng dịch.

Cùng quan điểm, chị Trần Phương (Hà Đông, Hà Nội) cho biết sẽ cho con đi học trở lại nếu thành phố quyết định mở cửa trường học. Chị lo ngại nếu nghỉ học quá lâu sẽ ảnh hưởng tới việc con trai vào lớp 1 từ năm sau.

Nhiều địa phương dự kiến cho học sinh mầm non, tiểu học đến trường vào đầu tháng 5. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Trường công lập sẽ khó đảm bảo

Bà Thu Hiền, chủ một nhóm trẻ tư thục ở Tây Hồ, Hà Nội, đã khảo sát ý kiến phụ huynh trong trường hợp thành phố cho phép các trường hoạt động trở lại trong nửa đầu tháng 5.

Khoảng 70% phụ huynh đồng ý gửi con đến lớp. 30% còn lại mong muốn cho con nghỉ tiếp đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn.

Dù số lượng học sinh trở lại lớp có thể giảm, bà Hiền vẫn hy vọng có thể sớm hoạt động trở lại. Sau gần 4 tháng nghỉ vì dịch, chỉ tính riêng tiền thuê mặt bằng, bà thiệt hại 80 triệu đồng vì không được chủ giảm tiền thuê.

Dù nghỉ dịch, bà vẫn phải thu xếp trả khoảng 1-2 triệu đồng/tháng cho giáo viên để họ đảm bảo cuộc sống. Số tiền không lớn nhưng cộng với tiền thuê mặt bằng, bà đang phải chịu gánh nặng không nhỏ. Thời gian nghỉ dịch càng lâu, thiệt hại càng lớn.

Bà cho biết thêm nếu mở cửa trở lại, trường sẽ đảm bảo an toàn cho trẻ vì bình thường, quy mô lớp học cũng chỉ từ 10 đến 17 trẻ. Do đó, giáo viên có thể quản lý, đảm bảo khoảng cách giữa các cháu.

“Tuy nhiên, trường mầm non công lập khó làm được như vậy, do sĩ số lớp quá đông. Hai cô giáo phải quản lý đến 60, thậm chí 70 trẻ”, bà Hiền nói thêm.

Tương tự, bà V.A., chủ một trường mầm non tư thục tại quận 2, TP.HCM, thông tin với các trường mầm non ngoài công lập, mỗi lớp từ 15-20 bé, sẽ đảm bảo được điều kiện quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế về sĩ số trong lớp.

Trường mầm non công lập khó đảm bảo được điều kiện giãn cách, do sĩ số lớp quá đông. Hai cô giáo phải quản lý đến 60, thậm chí 70 trẻ.

Chủ nhóm trẻ tư thục Thu Hiền

Nếu mở cửa trường trở lại, bà vẫn yêu cầu chia nhỏ lớp để đảm bảo khoảng 5 trẻ/cô giáo. Giáo viên sẽ hạn chế di chuyển tới các lớp khác.

Đồng thời, trường cũng phải tính toán, sắp xếp giờ hoạt động ngoài trời giữa các nhóm trẻ để tránh sinh hoạt chung.

Tuy nhiên, chủ trường này băn khoăn quy định hạn chế tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh, khoảng các giữa các em là 1,5 m có được áp dụng với bậc mầm non hay không.

“Mình không hiểu nếu áp dụng vào lớp mầm non, các cô phải làm thế nào. Ở trường có trẻ từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi, cô phải bế bồng, cho ăn uống, vệ sinh... Tất cả đều cần tiếp xúc”, bà V.A. nói.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, chia sẻ sở này đã đề xuất với UBND tỉnh về thời gian đi học lại của các bậc học nhưng chưa tính đến việc cho bậc mầm non đến trường trở lại.

"Các cháu mầm non đến trường phải thực hiện bán trú, nếu sáng đưa tới trưa đón về thì không ổn. Trước mắt, chưa đảm bảo được môi trường thật sự an toàn, nếu các cháu cùng ăn, ngủ ở trường, chúng tôi tạm thời chưa cho trẻ mầm non đi học", ông Tân nói.

Minh Nhật - Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-huynh-chua-muon-con-den-truong-mam-non-khi-con-dich-benh-post1076264.html