Phụ huynh bóc mẽ, giáo viên nổi đóa: Ai sai trước?

Thật thà, minh bạch chính là những yếu tố rất quan trọng trong giáo dục. Nếu thầy cô giáo nói dối thì còn dạy được ai?

Vụ việc phụ huynh chỉ trích cô giáo chạy theo thành tích, khiến con họ hay nói dối, còn cô giáo thì bức xúc, có phản ứng thiếu chuẩn mực đã bị yêu cầu xin lỗi công khai, một lần nữa cho thấy cách ứng xử, mối quan hệ giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh đang ngày càng có nhiều vấn đề rạn nứt.

Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Zing

Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Zing

Nhìn nhận từ vụ việc trên, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, sự việc đáng lẽ không có gì đáng phải làm ầm ĩ, tuy nhiên, từ cách ứng xử thiếu thiện chí của các bên đã làm mọi việc trở lên phức tạp, không hay.

Trước hết, nói về hành động khoe mâm cỗ của cô giáo chủ nhiệm lớp 5B trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm cùng những lời tán thưởng dành cho học sinh trong lớp, dù mâm cỗ đó không phải do học sinh của lớp làm là không nên.

Vị PGS cho rằng, hành động này của cô giáo là không cần thiết và có biểu hiện của việc chạy theo thành tích, muốn khoe khoang học sinh của mình giỏi, ngoan nên cô giáo đã nói dối. Việc này trước hết lỗi sai thuộc về cô giáo, vì chắc chắn học sinh nào cũng đều tự hiểu đó không phải là mâm cỗ do các em làm ra, đó là sản phẩm của cô giáo hoặc đã được mua từ bên ngoài bày vào. Vì thế, dù cô giáo có đăng lên và khoe khoang đó là sản phẩm đẹp của học sinh cũng không học sinh nào thấy vui, thấy hào hứng. Việc khoe khoang như vậy chỉ thỏa mãn được căn bệnh thành tích và chỉ để chứng minh cô là giáo viên chủ nhiệm giỏi, học sinh của cô giỏi, không thua kém bất cứ thầy cô hay học sinh của lớp nào.

Đứng từ phía phụ huynh, vị PGS rất chia sẻ với mong muốn cô giáo phải tôn trọng sự thật, vì cô giáo có thật thà thì mới dạy được học sinh không nói dối.

Vị chuyên gia cho hay, sự nổi giận của phụ huynh không sai, bởi trong giáo dục điều tối kỵ nhất là nói dối. Thật thà, minh bạch chính là những yếu tố rất quan trọng trong quá trình giảng dạy, giúp hình thành nhân cách, đạo đức cho mỗi học sinh. Nếu thầy cô giáo nói dối thì còn dạy được ai?

Tuy nhiên, cách ứng xử của phụ huynh cũng thiếu đi sự tinh tế, thiếu phần tôn trọng giáo viên, thậm chí đã mang nguyên tâm thế của một "thượng đế" đi hỏi chuyện khách hàng. Có rất nhiều phụ huynh đã coi việc cho con đi học như một câu chuyện bán - mua, gia đình bỏ tiền, nhà trước có trách nhiệm, giáo viên phải phục vụ. Từ tâm lý này, nên con họ ngoan hay hư, thật thà hay nói dối tất cả đều là lỗi của nhà trường, là trách nhiệm của giáo viên.

Chính vì điều này, nên khi vừa nhìn thấy một hiện tượng như vậy phụ huynh đã vội vàng quy chụp, coi cô giáo như một nguyên nhân dẫn tới sự hình thành mọi tính cách xấu của con mình mà chưa nhìn từ các nguyên nhân khác, trong đó có một phần từ chính giáo dục gia đình.

Vì thế, mối quan hệ giữa giáo viên, phụ huynh và nhà trường ngày càng trở nên hình thức, xa cách, không còn gắn bó như trước đây.

Vị chuyên gia cho rằng, nếu mọi việc được trao đổi, góp ý một cách thiện chí, phụ huynh nhẹ nhàng, tinh tế, chắc hẳn giáo viên cũng sẵn sàng tiếp thu. Cách ứng xử lộn sòng, thiếu chuẩn mực giữa phụ huynh với giáo viên trong câu chuyện này đã cho thấy những mặt trái trong môi trường giáo dục hiện nay, là những tấm gương xấu khi học sinh nhìn vào.

Quan trọng nhất là trung thực, minh bạch

Nhìn từ góc độ khác, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, bản thân cô giáo cũng chỉ là nạn nhân trong một môi trường giáo dục thiếu minh bạch, còn chạy theo thành tích, thích khoe khoang. Trong khi, áp lực từ phía gia đình, phụ huynh, từ tâm lý "con tôi là con ông giời", con tôi gửi vào trường là phải ngoan, phải giỏi, phải tài... cũng khiến bản lĩnh nghề nghiệp của nhiều thầy, cô giáo bị bào mòn, phải chạy theo, chiều theo, kể cả nói dối để nhận làm phụ huynh vui, để nhận thành tích.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, đây cũng là vấn đề bức xúc của ngành giáo dục. Những vấn đề bức xúc không chỉ ở những vụ việc ứng xử thiếu chuẩn mực như: phụ huynh đánh giáo viên, giáo viên đánh học sinh, học sinh đánh học sinh. Lớn hơn hết chính là căn bệnh thành tích, chính bệnh thành tích đã dẫn tới hàng loạt những vấn nạn gian lận trong công nhận trường giỏi, giáo viên giỏi, học sinh giỏi. Cũng chính bệnh thành tích là nguyên nhân của vấn nạn gian lận thi cử, tiêu cực, tham nhũng... rất đáng buồn.

Cô giáo phải xin lỗi công khai vì xúc phạm phụ huynh

Vị PGS cho rằng, ngành giáo dục Việt Nam muốn thay đổi thì trước hết phải chống lại bệnh thành tích, giáo dục phải trung thực, trong sáng, minh bạch, chỉ như vậy mới cải cách được giáo dục, giáo dục mới không còn nói dối.

"Giáo dục Campuchia đã làm cuộc cải cách đáng được ngưỡng mộ, được quốc tế ghi nhận cũng chính nhờ họ đã kiên quyết chống lại căn bệnh thành tích.

Đầu tiên là nhờ ông Hang Chuon Naron Bộ trưởng giáo dục của Campuchia, ngay khi được bổ nhiệm, ông đã thực thi chính sách "minh bạch, không gian lận" trong giáo dục và thi cử.

Năm 2014, sau khi ông siết chặt thi cử, tỉ lệ đậu tốt nghiệp trung học phổ thông của Campuchia từ 80% năm năm 2013 đã "rơi tự do" còn 25,7%.

Kết quả này đã gây chấn động dư luận, tuy nhiên, cũng chính kết quả này đã cho thấy điểm số đẹp của học sinh Campuchia không phải do thực lực mà nhờ vào các biện pháp can thiệp khác.

Sự thật đã được phơi bày, sự quyết liệt của ông bộ trưởng không cho phép gian lận, học sinh Campuchia đã phải hiểu muốn đỗ đạt từ nay chỉ có cách duy nhất là phải học chuyên cần, học thật chứ không thể tìm kiếm cơ may ở đền chùa và trông chờ vào việc quay cóp.

Nhờ thế, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp những năm sau cũng dần tăng lên, đến năm 2017 tỉ lệ này đã là 63,84%. Nền giáo dục của họ đã cải tổ, thế giới đã phải ghi nhận.

Giáo dục Việt Nam muốn thay đổi cũng cần phải chống lại bệnh thành tích, chỉ khi chống lại bệnh thành tích thì mới chống được gian lận, nói dối, giáo dục mới tốt hơn được", PGS Trần Xuân Nhĩ nói.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/phu-huynh-boc-me-giao-vien-noi-doa-ai-sai-truoc-3420194/