Phụ huynh Australia kiện TikTok vì lan truyền video tự sát

Một số mạng xã hội trong đó có TikTok phải đối mặt với một vụ kiện tập thể sau khi video một người đàn ông tự sát được chia sẻ trên các nền tảng này.

Nhiều bậc phụ huynh tại Australia cho biết đang liên hệ luật sư để tìm hiểu cách họ có thể thực hiện hành động pháp lý chống lại TikTok và những gã khổng lồ truyền thông xã hội sau khi cho phép một video bạo lực lưu hành, theo News.

Cụ thể, ngày 8/9, nhiều người xem được clip vụ tự sát bằng súng săn của Ronnie McNutt, người đàn ông 33 tuổi sống tại Mỹ trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter hay TikTok.

Điều ghê sợ ở chỗ chúng được ẩn dưới đoạn đầu là một video bình thường, vô hại, sau đó bất ngờ chuyển sang cảnh người đàn ông tự sát. Trong số những người vô tình xem đoạn video này có cả trẻ em.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng đã lên tiếng yêu cầu các công ty truyền thông xã hội chú ý đến video "đáng hổ thẹn" này. Ông cho biết chính phủ sẽ hành động nếu những "gã khổng lồ" không gỡ bỏ video và dọn dẹp trang web của mình.

 Những hình ảnh cuối cùng của Ronnie McNutt trước khi livestream tự sát.

Những hình ảnh cuối cùng của Ronnie McNutt trước khi livestream tự sát.

Lisa Flynn, giám đốc công ty luật Shine Lawyers, cho biết đã nhận được nhiều yêu cầu khiếu kiện dân sự và đang trong quá trình điều tra.

“Bất kỳ ai bị tổn hại bởi nội dung đau buồn trên đều có thể thực hiện hành động dân sự chống lại các nền tảng xã hội bởi việc thất bại trong khâu kiểm duyệt", bà nói.

“Đây là những công ty trị giá hàng tỷ USD. Họ cần đầu tư lợi nhuận thu được vào việc đảm bảo cho dịch vụ của mình an toàn".

Bà Lisa cũng cho rằng việc tiếp xúc với những nội dung độc hại, đáng sợ như vậy trên mạng có thể gây ra tác động nghiêm trọng đến sự phát triển tinh thần của trẻ nhỏ, thậm chí ảnh hưởng suốt đời đến cuộc sống của một người.

Bên cạnh đó, trẻ em ở độ tuổi dưới 15 chưa có sự phát triển đầy đủ về nhận thức xã hội để xử lý khi gặp các hình ảnh ghê rợn, chưa nói đến việc có thể đối phó các ảnh hưởng từ việc đó gây ra.

TikTok và các nền tảng mạng xã hội lớn bị chỉ trích vì để video tự sát lan truyền. Ảnh: AFP.

“Khi họ kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ, họ phải có trách nhiệm đảm bảo thực hiện mọi bước hợp lý để bảo vệ người dùng của họ khỏi bị tổn hại. Cụ thể, TikTok và Instagram cần đưa ra câu trả lời tại sao video đau buồn đó không bị xóa hoặc chặn lưu hành ngay lập tức", bà Lisa nói.

Đoạn video của Ronnie McNutt được phát trực tuyến trên Facebook vào ngày 31/8 trước khi bị gỡ bỏ, nhưng các bản ghi màn hình vẫn tiếp tục được lưu hành.

TikTok cho biết hệ thống của mình đã tự động phát hiện và gắn cờ các clip vi phạm chính sách đối với nội dung hiển thị, ca ngợi, tôn vinh hoặc cổ vũ hành vi tự tử.

“Chúng tôi đang cấm các tài khoản liên tục cố gắng tải clip lên. Chúng tôi đánh giá cao những người đã báo cáo nội dung và cảnh báo người khác không nên xem, tham gia hoặc chia sẻ các video như vậy trên bất kỳ nền tảng nào vì sự tôn trọng người đó và gia đình của họ", đại diện nền tảng này cho biết.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-huynh-australia-kien-tiktok-vi-lan-truyen-video-tu-sat-post1129492.html