Phụ huynh 23 giờ đêm gọi cho cô giáo chỉ để ... nhờ giải hộ Toán

Nhiều lúc đang soạn giáo án dở, cô Hạnh cũng phải tạm gác bút, lấy giấy nháp ra để giải Toán rồi hướng dẫn cho phụ huynh một lượt để phụ huynh dạy cho con tại nhà.

Bố mẹ dạy con học, gọi điện thoại liên tục hỏi cô giáo!

Cô Bích Hạnh - 47 tuổi, giáo viên một trường tiểu học thuộc quận Cầu Giấy - Hà Nội chia sẻ, cứ đến khoảng 8h - 9h tối, cô thường xuyên nhận được những cuộc gọi điện thoại và tin nhắn của phụ huynh để... hỏi bài cho con.

Nhiều lúc đang soạn giáo án dở, cô Hạnh cũng phải tạm gác bút, lấy giấy nháp ra để giải Toán rồi hướng dẫn cho phụ huynh một lượt để phụ huynh dạy cho con tại nhà.

Cô Bích Hạnh cười vui vẻ kể lại: "Có những hôm hơn 23h đêm tôi còn nhận được cuộc gọi từ một vị phụ huynh có con học lớp 4. Chẳng là hôm ấy cô giáo chủ nhiệm của cháu có ra một bài toán về nhà phải tìm ẩn số, cháu không làm được nên hỏi mẹ.

Anhrminh họa.

Anhrminh họa.

Những bài toán khiến phụ huynh bối rối

Mẹ cháu giải mãi không ra, mà ngại với con nên cho con đi ngủ sớm, hẹn sáng hôm sau 6h dậy thì sẽ hướng dẫn con làm. Ai ngờ người mẹ này giải suốt 3 tiếng đồng hồ không được nên nửa đêm gọi cho tôi để xin hướng dẫn giúp".

Cô giáo chia sẻ vui, đó không phải lần đầu tiên cô nhận được những lời nhờ giúp đỡ từ phụ huynh như vậy. Việc bố mẹ hướng dẫn con giải bài tập về nhà là chuyện hết sức bình thường. Nhưng nhiều phụ huynh do thời gian quá lâu rồi không làm lại các dạng bài tập nên quên mất phương pháp, đành gọi điện nhờ cô giáo giúp đỡ.

"Toán lớp 4, lớp 5 không tính là khó nhưng nhiều có nhiều dạng bài mới, đôi khi phải rất linh hoạt mới làm được. Thực ra, có nhiều phụ huynh biết cách giải nhưng lại áp dụng những phương pháp giải cao hơn cấp học của các con, nên dù giải ra kết quả nhưng cũng không có cách nào để làm con hiểu. Vậy nên bố mẹ sẽ gọi cho thầy cô để nhờ trợ giúp" - cô Hạnh cho biết.

Chị Nguyễn Hồng Anh - 30 tuổi, Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, mỗi tối chị thường xuyên hướng dẫn con giải bài tập về nhà: "Những bài toán đơn giản con tự làm cũng được. Nhưng có những bài khó con không biết cách làm hoặc gặp vướng mắc thì mình sẵn sàng giúp con.

Thật ra, ngày hôm sau cô giáo cũng sẽ giải bài tập về nhà nhưng một lớp hơn 30 em học sinh thì đâu thể giảng kỹ cho từng người một được. Nếu có điều kiện giúp con hiểu được bài ngay ở nhà thì mình sẵn sàng làm luôn".

Bà mẹ này cũng chia sẻ, không dưới 10 lần chị đã phải gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm để xin hướng dẫn giải toán, vì có những bài đến chị cũng... không giải ra được.

"Lúc mới làm thì không hiểu bài toán giải kiểu gì, tôi không làm được nên đành gọi chồng vào xem giúp. Chồng nhìn một lúc lại bảo giải ra kết quả đấy nhưng phương pháp làm bài của lớp 12 thì sợ dạy con không hiểu. Thế là tôi đành nhấc điện thoại gọi cho cô giáo.

Nghe cô giáo hướng dẫn một lúc thì tôi hiểu ngay. Tôi lại quay về bày cho con, đến khi con hiểu mới thôi" - chị Hồng Anh cho hay, dường như mỗi tuần chị đều có khoảng 3 - 4 lần "vật lộn" như vậy với con.

"Ban đầu mình gọi cô giáo thì cũng thấy ngại, nhưng gọi mãi thành quen. Bản thân cô giáo cũng nhiệt tình, bảo là cũng có nhiều phụ huynh gọi cho cô như vậy nên tôi cũng không ngại nữa. Với lại, tôi dạy con ở nhà, kèm cặp cho con hiểu bài sớm thì ngày hôm sau cô giáo cũng đỡ cực hơn" - chị Hồng Anh vui vẻ cho biết.

Dạy con học tiếng Anh không thể không hỏi bác Google

Nếu môn Toán được xem là môn học có tần suất được các bậc phụ huynh nhấc máy gọi điện cho các thầy cô giáo nhiều nhất thì tiếng Anh là môn học được phụ huynh lên internet hỏi... bác Google nhiều nhất. Từ các vấn đề như nghĩa của từ vựng cho đến ngữ pháp, phát âm, cách dùng tính từ... đều có thể được các bậc cha mẹ tìm kiếm chỉ trong vòng "một nốt nhạc" trên mạng.

Anh Đắc Lộc - phụ huynh của một em học sinh học lớp 5 cho biết, bản thân anh không có nhiều vốn từ tiếng Anh nhưng vẫn có thể "tự tin" hướng dẫn con học ngoại ngữ vì nhờ có chức năng tra cứu, dịch thuật của Google.

"Khi con hỏi nghĩa của từ vựng hay hỏi các thì, ngữ pháp tiếng Anh thì tôi chỉ việc lên mạng gõ ra, rồi ghi ra giấy cho con là được. Nếu con không biết phát âm thế nào thì tôi để chế độ đọc tiếng thì sẽ biết từ đấy đọc ra sao", anh Lộc tâm sự.

Tuy nhiên, anh Đắc Lộc cũng phải thừa nhận, mặc dù có thể hướng dẫn tạm thời một số cấu trúc ngữ pháp hay nghĩa từ vựng cho con nhưng anh không thể hiểu được hết bài tập của con yêu cầu những gì cũng như không thể kiểm tra xem con làm đúng hay làm sai.

"Nhiều lúc lên mạng tra cứu giúp con làm xong bài tập tiếng Anh thì cả con lẫn bố đều rất hí hửng. Đến khi con đi học về thì mới biết cô giáo gạch bài vì sai be bét. Chỗ cần dùng tính từ thì lại dùng động từ hoặc chia động từ sai. Hai bố con lại mếu máo nhìn nhau" - anh Lộc cho biết.

Cùng hoàn cảnh với anh Lộc, chị Lê Diệp - phụ huynh học sinh lớp 6 cho biết, vì vốn ngoại ngữ không cao nên chị thường xuyên phụ thuộc vào Google để giúp con làm bài tập.

Nhiều lần con chị nhìn thấy mẹ mở điện thoại ra tra cứu nên đã có lần nói với chị: "Nếu học mà có cái điện thoại lên mạng tìm kiếm như thế thì con cũng tự học được, không cần đến mẹ phải dạy làm gì".

Lúc đó, chị Diệp cảm thấy rất ngại và có chút chạnh lòng. Nhưng quả thực việc dạy con học mà phụ thuộc nhiều vào mạng internet để tìm kiếm kết quả, cách làm thì con cũng có thể tự làm được, không cần đến cha mẹ.

"Khi con nhờ tôi hướng dẫn giải bài tập thì tôi rất vui. Khi đọc đề, tôi biết bài tập khó, nhiều từ vựng tôi không rõ nghĩa. Nhưng thú thật, niềm kiêu hãnh của người làm mẹ khiến tôi không thể nói với con rằng mẹ không biết làm được. Thế nên đành lẳng lặng lên mạng để tra cứu, sau đó dạy lại cho con" - chị Diệp nửa khóc nửa cười chia sẻ.

Theo Lương Chi/Em Đẹp

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/phu-huynh-23-gio-dem-goi-cho-co-giao-chi-de-nho-giai-ho-toan-932234.html