Phù hợp yêu cầu đổi mới

Chiều 23/10, trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình cao với việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Ảnh: Như Ý

ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau): Xu hướng tất yếu

ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau)

Việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, trước hết, vai trò lãnh đạo Đảng và vai trò lãnh đạo Nhà nước hoàn toàn thuận lợi. Hiện Tổng Bí thư đang là Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng. Ở cương vị Chủ tịch nước là người lãnh đạo toàn diện các lực lượng vũ trang, cải cách tư pháp, những chức vụ rường cột của Nhà nước thì Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ có kết hợp sử dụng quyền hạn, trách nhiệm của mình đầy đủ và có hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, khi người đứng đầu Đảng và đứng đầu Nhà nước là một thì việc xử lý những việc thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình sẽ rất nhanh, ứng phó được ngay, không phải trải qua các quy trình về nguyên tắc lãnh đạo, không cần triển khai nhiều thủ tục. Thứ nữa, mô hình chúng ta đang thực hiện là lồng ghép chức danh lãnh đạo của cấp ủy với chính quyền thì đây là bước chuyển biến ban đầu ở cấp cao nhất, cho thấy xu thế chung trong cải cách bộ máy hành chính, lồng ghép các chức năng nhiệm vụ, giảm bớt gánh nặng về ngân sách, đó là xu hướng tất yếu.

Một điều nữa cần phải nói, có ý kiến lo một người nắm giữ chức vụ cao, tập trung như vậy có bị lạm quyền không? Tôi cho rằng, cái này do con người, chứ không phải do cơ chế. Ngày xưa, một vị vua độc quyền hoàn toàn nhưng đất nước vẫn phát triển vì đó là vị vua anh minh, sáng suốt. Chế độ độc Đảng cũng vậy, nếu Đảng đó hết lòng vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc, đặt lên trên lợi ích cá nhân thì đấy là sự hy sinh, cống hiến.

Một cá nhân cũng vậy, vấn đề là người nắm giữ tất cả quyền hạn của người đứng đầu Đảng và đứng đầu Nhà nước mà liêm khiết, trí tuệ, biết tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân, huy động được sức mạnh của nhân dân, đặc biệt phát huy dân chủ, trọng dụng nhân tài thì quyền hạn, trách nhiệm lồng ghép đó sẽ được phát huy tối đa. Chỉ khi nào người đó lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để vun vén cho lợi ích cá nhân, cho dòng họ, con cái thì mới là cái nguy của đất nước, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không phải người như vậy.

ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương): Tân Chủ tịch nước bản lĩnh, khiêm tốn

ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương)

Sau khi được Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên thệ và phát biểu sau nhậm chức. Tôi cảm nhận, tân Chủ tịch nước vừa có bản lĩnh, vừa có sự khiêm tốn, cũng vừa có sự quyết tâm cao, thể hiện trách nhiệm, tình cảm sâu nặng.

Qua trao đổi, các đại biểu Quốc hội chúng tôi đều thấy rất mừng khi Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước. Điều này sẽ thuận lợi hơn trong việc lãnh đạo, điều hành và công tác đối ngoại. Tổng Bí thư tham gia công việc Chủ tịch nước, đó là tiếng nói đại diện mạnh mẽ nhất của dân tộc mình.

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam: Thể chế bằng pháp luật

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam

Việc bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước thể hiện sự thống nhất cao vì lợi ích của đất nước và dân tộc, phù hợp với yêu cầu của xu thế đổi mới, hội nhập quốc tế, cũng như với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, để bộ máy hành chính nói riêng, hệ thống chính trị của chúng ta hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Điều này rất hợp lý, nhất là đối với thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay. Thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng đang rất cần có sự chỉ đạo tập trung, sự lan tỏa từ Trung ương đến địa phương, nhất là người đứng đầu, người có cương vị cao nhất trong trách nhiệm nêu gương, thực hiện các chủ trương mà nhân dân gửi gắm, tin tưởng. Cho nên cần có sự tập trung và thống nhất.

Nhiều người đặt vấn đề về kiểm soát quyền lực. Đây là nội dung lớn, cần tiếp tục nghiên cứu và có thể chế điều chỉnh, trong đó có sự giám sát trong nội bộ bằng các quy chế, quy định, và được thể chế bằng pháp luật. Đồng thời thể chế sự giám sát của nhân dân trong thực hiện các lời hứa, trách nhiệm trước cử tri, nhân dân và đất nước. Những yêu cầu này đang được Đảng và Nhà nước triển khai các biện pháp, xây dựng thể chế. Tôi tin tưởng những nội dung này sắp tới sẽ được thể chế bằng pháp luật.

Đây là việc còn lâu dài, để làm tốt đòi hỏi vừa có sự quyết liệt, vừa có những bước đi căn cơ, vừa có thể chế, chính sách, vừa có quyết tâm về trách nhiệm trong bộ máy. Phải hoàn thiện thể chế, chính sách làm sao để ngăn ngừa nguyên nhân dẫn đến tham nhũng; xác định trách nhiệm rõ hơn để góp phần kiểm soát quyền lực tốt hơn.

Thành Nam (ghi)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/phu-hop-yeu-cau-doi-moi-1337533.tpo