Phớt lờ quy định trên máy bay có thể gây những hậu quả không ngờ

Sau khi kết thúc hành trình trên chuyến bay bằng máy bay Airbus A321, một hành khách ngồi ở khoang hạng phổ thông khu vực giữa máy bay thông báo về việc đánh rơi điện thoại trên máy bay khi đang hạ cánh.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Điện thoại "bay" với tốc độ chóng mặt

Tiếp viên trưởng Bùi Lệ Uyên, thuộc Hãng Hàng không Vietnam Airlines nhớ lại một trường hợp mà chị đã gặp. Theo đó, vị khách này cho biết, đã nhìn thấy chiếc điện thoại trượt xuống các hàng ghế phía trước nhưng không thể đứng dậy lấy vì máy bay đang hạ cánh với tốc độ rất lớn.

Sau khi tất cả hành khách đã xuống hết, dưới sự chứng kiến của vị khách này, toàn bộ tổ tiếp viên đã đi từng hàng ghế, cúi sát xuống sàn, kiểm tra từng ngóc ngách mà vẫn không thấy điện thoại đâu. Vị khách đành để lại thông tin để nếu tìm thấy, tiếp viên sẽ thông báo với khách sau.

Hành khách không nên để Ipad, máy tính, điện thoại, đồng hồ... trên mặt bàn

"Sau đó, tôi đi vào khu vực bếp hạng Thương gia, kéo chiếc xe đẩy thức ăn ra, ngó xuống sàn thì thấy chiếc điện thoại xuất hiện khi đang nằm kẹt giữa vách ngăn và bánh xe đẩy. Với gia tốc lớn khi trượt trên sàn, chiếc điện thoại có lẽ chỉ chịu dừng lại khi gặp vật cản" – chị Bùi Lệ Uyên kể lại.

Với nhiều năm trong nghề, chị Bùi Lệ Uyên cho biết, mặc dù tiếp viên trên máy bay thường lưu ý hành khách cất điện thoại khi máy bay cất, hạ cánh nhưng tổ tiếp viên vẫn thường nhận được những yêu cầu hỗ trợ về vấn đề điện thoại rơi xuống kẽ ghế.

Hành khách không nên phớt lờ các qui định về điện thoại, máy tính... trên máy bay

Bí kíp để điện thoại, máy tính an toàn trên máy bay

"Các thiết bị điện tử xách tay phải được cất trong ngăn đựng hành lý phía trên hoặc túi ghế phía trước khi máy bay bắt đầu di chuyển và khi cất hạ cánh".

Đây là thông tin phát thanh quen thuộc của VNA mỗi khi hành khách đặt chân lên máy bay. Nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là một quy định "vô thưởng vô phạt" nhưng thực ra lại vô cùng có "võ".

Theo tiếp viên trưởng Bùi Lệ Uyên,nhiều hành kháchcó thói quen để điện thoại, máy tính xách tay trên mặt bàn và tay ghế. Với các dòng máy bay thân rộng như Boeing 787 hay Airbus 350 thì hệ thống ghế khoang thương gia được thiết kế như một "chiếc giường di động", hành khách có thể ngả 180 độ, điều chỉnh góc nghiêng theo ý muốn của mình. Và để mang đến sự thoải mái nhất cho khách thì thiết kế của ghế cũng có cơ chế cấu tạo rất phức tạp và tỉ mỉ.

Với vận tốc cất - hạ cánh của máy bay khoảng 200-230 km/h thì điện thoại và máy tính nếu để trên tay ghế và mặt bàn có thể bay với tốc độ nhanh không kém tốc độ của máy bay. Điện thoại, đặc biệt là dòng smart phone khi đã bay vào các kẽ ghế trong thời điểm máy bay hạ cánh thì không chỉ rơi xuống dưới ghế đó mà còn có thể luồn lách vào các kẽ ghế khác và cũng có thể xuất hiện ở một vị trí cách xa ghế ngồi của khách.

Chị Uyên cho biết, sau khi kết thúc một hành trình, máy bay chỉ dừng chờ tại sân bay khoảng 45 - 60 phút rồi lại tiếp tục hành trình khác. "Với thời gian dừng chờ ở mặt đất ngắn, các kỹ sư máy bay khó lòng mà tháo hết các ghế ra để tìm kiếm tài sản cho khách được nên buộc phải chờ đến cuối ngày khi máy bay "ngủ" qua đêm thì mới có thể tiến hành kiểm tra, tìm kiếm kỹ hơn được" – tiếp viên Bùi Lệ Uyên giải thích.

Các thợ máy đang tìm kiếm điện thoại khách đánh rơi xuống ghế

Ngoài ra, thêm một nguyên nhân nữa, là khi một thiết bị điện tử bị rơi xuống ghế, đặc biệt là các ghế khoang hạng Thương gia, nguy cơ cháy, nổ rất dễ xảy ra. Nguyên nhân xuất phát từ việc hành khách điều khiển ghế gập vào hoặc mở rộng ra để tìm vật dụng, hành động này vô tình tạo nên sự cọ xát với pin. Chính vì thế, các chuyên gia Hàng không khuyến cáo khi tháo lắp ghế để tìm các vật dụng rơi xuống ghế phải hết sức cẩn trọng.

Hải Yến

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phot-lo-quy-dinh-tren-may-bay-co-the-gay-nhung-hau-qua-khong-ngo-20201121170322987.htm