Phớt lờ biển cấm, nhiều bạn trẻ vô tư coi cầu vượt bộ hành là điểm tụ tập

Cầu vượt bộ hành được xây dựng cho người đi bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc ở những tuyến đường lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên hiện nay các cây cầu này đang bị sử dụng sai mục đích.

Cầu vượt cho người đi bộ đã trở thành điểm tụ tập của các bạn trẻ.

Cầu vượt cho người đi bộ đã trở thành điểm tụ tập của các bạn trẻ.

Biển cấm dường như bị bỏ quên tại cầu vượt Trần Phú (Hà Đông).

Lối đi thành chốn hẹn hò của các cặp đôi.

Nhiều cầu vượt nằm trên đường Trần Phú (Hà Đông), Hồ Tùng Mậu (Mai Dịch) nằm gần các trường đại học lớn như: Đại học Kiến trúc (cầu vượt Trần Phú), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (cầu vượt Trần Phú), Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông (cầu vượt Trần Phú), Đại học Quốc gia (cầu vượt Mai Dịch), Đại học Thương mại (cầu vượt Mai Dịch), Đại học Sân khấu điện ảnh (cầu vượt Mai Dịch)... Chính vì điều này, những cây cầu vượt bộ hành nói trên "bỗng nhiên" trở thành tụ điểm vui chơi, giải trí quen thuộc của các bạn trẻ.

Các bạn trẻ vô tư ngồi tụ tập trên cầu bộ hành.

Tụ tập trên cầu từ sớm để chơi đàn.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, mặc dù cơ quan chức năng đã đặt biển cấm "tụ tập ăn uống, bán hàng, vứt rác trên cầu" nhưng nhiều bạn trẻ, chủ yếu là sinh viên vẫn phớt lờ biển cấm. Cứ khoảng 20 giờ hàng ngày, những cây cầu vượt dành cho người đi bộ lại nhộn nhịp người ngồi hóng mát, ăn uống, tổ chức sinh nhật, chơi đàn,... gây mất trật tự và làm ảnh hưởng đến người đi bộ trên cầu vượt.

Nơi tổ chức sinh nhật.

Nhiều người đã lựa chọn băng qua đường bất chấp nguy hiểm bởi cầu vượt dành cho người đi bộ đã hết chỗ để đi. Không chỉ gây mất trật tự, mỹ quan đô thị, những “phố đi bộ” bất đắc dĩ trên cao này thường kéo dài tới 2 - 3 giờ sáng làm ảnh hưởng tới giờ giấc sinh hoạt của người dân xung quanh.

Chia sẻ với báo Tin tức, cô Nguyễn Thị Phương (Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết: "Tối nào đi bộ qua đây cũng thấy sinh viên ngồi kín trên cầu, nhiều lúc không dám đi qua cầu mà phải băng qua đường. Dưới chân cầu thì xe máy để chật kín cả vỉa hè. Sự việc này diễn ra đã từ lâu mà chưa có cơ quan chức năng nhắc nhở”.

Địa điểm để "nhậu nhẹt".

Những chiếc xe để lộn xộn dưới chân cầu, ảnh hưởng đến người đi bộ.

Cẩm Nhung

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/phot-lo-bien-cam-nhieu-ban-tre-vo-tu-coi-cau-vuot-bo-hanh-la-diem-tu-tap-20210423161228061.htm