'Phong vũ biểu' du lịch toàn cầu: 'Bão' đã tan?

Đại dịch COVID-19 đã khiến hàng không ngừng hoạt động, các viện bảo tàng, khách sạn phải đóng cửa và các điểm đến nhộn nhịp du khách trên thế giới từ Paris tới Phuket trở thành những thị trấn vắng vẻ.

Lượng khách quốc tế toàn cầu đã giảm 87% trong tháng 1/2021 so với cùng kỳ năm 2020 - Nguồn: Internet

Lượng khách quốc tế toàn cầu đã giảm 87% trong tháng 1/2021 so với cùng kỳ năm 2020 - Nguồn: Internet

Tác động “hủy diệt” của đại dịch COVID-19 tới du lịch toàn cầu vẫn tiếp tục trong năm 2021 khiến Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) lên tiếng kêu gọi sự hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia về các nguyên tắc đi lại nhằm bảo đảm tái khởi động an toàn du lịch toàn cầu.

Thiệt hại do “bão” COVID-19

Bản cập nhật Phong vũ biểu mới của UNWTO cho thấy, lượng khách quốc tế toàn cầu đã giảm 87% trong tháng 1/2021 so với cùng kỳ năm 2020. Những tháng còn lại của năm 2021, triển vọng của ngành du lịch vẫn không mấy khả quan.

Thống kê của UNWTO chỉ ra, tất cả các khu vực toàn cầu tiếp tục hứng chịu tình trạng sụt giảm mạnh khách quốc tế trong tháng đầu của năm 2021. Việc xét nghiệm bắt buộc, cách ly và trong một số trường hợp, đóng cửa biên giới hoàn toàn, đã dập tắt những hy vọng về cơ hội nối lại du lịch quốc tế. Thêm vào đó, tốc độ và việc phân phát vaccine COVID-19 chậm hơn dự kiến, kéo theo chậm trễ trong việc tái khởi động du lịch toàn cầu.

Theo Phong vũ biểu của UNWTO, không một khu vực nào nằm ngoài vùng tác động của “cơn bão” COVID-19. Du lịch châu Á và Thái Bình Dương là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch với mức sụt giảm du khách quốc tế kỷ lục trong tháng 1 là 96%. Cả châu Âu và châu Phi đều chứng kiến mức sụt giảm 85% du khách quốc tế, trong khi đó Trung Đông ghi nhận mức giảm 84% du khách quốc tế. Trong tháng 1, khách quốc tế tới châu Mỹ giảm 77%.

Trong khi đó, báo cáo Tác động kinh tế hằng năm (EIR) của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) cho thấy sức tàn phá của đại dịch COVID-19 đối với lĩnh vực lữ hành và du lịch toàn cầu trong năm 2020. Theo báo cáo, đóng góp của ngành du lịch vào GDP toàn cầu năm 2020 giảm khoảng 49,1% so với năm 2019, chỉ đạt 4,67 nghìn tỷ USD (chiếm khoảng 5,5%). Đây là thiệt hại quá lớn khi kinh tế toàn cầu chỉ sụt giảm trung bình 3,7% trong năm qua.

Năm 2019, ngành du lịch đóng góp gần 9,2 nghìn tỷ USD (khoảng 10,4%) GDP toàn cầu, tạo ra 334 triệu (10,6%) việc làm. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 hoành hành trong hầu hết năm 2020, hơn 62 triệu việc làm đã bị mất. Thiệt hại nặng nề nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 80% tổng số doanh nghiệp trong ngành; bên cạnh đó phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số chịu tác động rất đáng kể.

Báo cáo cũng cho biết, chi tiêu du lịch quốc tế đã giảm 69,4% so với năm 2019. Chi tiêu cho du lịch trong nước giảm 45% - mức giảm thấp hơn do một số quốc gia vẫn cho phép hoạt động du lịch nội địa.

“Lối thoát”?

Với 32% số điểm đến trên toàn cầu vẫn đóng cửa hoàn toàn với khách quốc tế vào thời điểm đầu tháng 2, UNWTO đã dự báo những tháng đầu năm 2021 là giai đoạn thách thức của du lịch toàn cầu.

Dựa vào những xu hướng hiện tại, UNWTO dự báo lượng du khách quốc tế sẽ giảm khoảng 85% trong quý đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2019. Mức sụt giảm này tương đương với khoảng 260 triệu lượt khách quốc tế khi so sánh với cùng thời điểm trước đại dịch.

Theo đó, UNWTO đưa ra hai kịch bản của ngành du lịch toàn cầu trong năm 2021, trong đó xem xét khả năng phục hồi của du lịch quốc tế trong nửa cuối năm. Những điều này dựa trên một số yếu tố, đáng chú ý nhất là việc dỡ bỏ lớn các hạn chế đi lại, sự thành công của các chương trình tiêm chủng hoặc sự ra đời của các quy định hài hòa như Chứng chỉ xanh kỹ thuật số (chứng chỉ y tế số hay hộ chiếu vaccine) do Ủy ban châu Âu lên kế hoạch.

Trong kịch bản đầu tiên, UNWTO cho rằng du lịch quốc tế sẽ phục hồi vào tháng 7, dẫn đến lượng khách quốc tế đến năm 2021 tăng 66% so với mức thấp lịch sử năm 2020. Dù vậy, theo kịch bản này, lượng khách đến vẫn thấp hơn 55% so với mức được ghi nhận trong năm 2019.

Kịch bản thứ hai xem xét khả năng phục hồi của du lịch toàn cầu trong tháng 9, dẫn đến lượng khách đến tăng 22% so với năm ngoái. Tuy nhiên, con số này sẽ thấp hơn 67% so với mức của năm 2019.

Về phần mình, WTTC dự báo, nếu được nối lại vào tháng 6 năm nay, hoạt động di chuyển - du lịch quốc tế sẽ thúc đẩy đáng kể GDP quốc gia và toàn cầu, đồng thời tạo ra thêm nhiều việc làm. Ngoài ra, nếu vaccine tiếp tục được triển khai nhanh chóng trên toàn cầu và các hạn chế đi lại được nới lỏng trước mùa hè, 62 triệu việc làm bị mất vào năm 2020 có thể quay trở lại vào năm 2022. Việc triển khai các loại thẻ sức khỏe kỹ thuật số sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch quốc tế.

Trong khi đó, nhiều nước, đặc biệt là tại châu Âu, đang xem “hộ chiếu vaccine” như tấm thẻ xanh giúp hồi sinh lĩnh vực du lịch xuyên biên giới sau một năm điêu đứng vì COVID-19.

Hàn Quốc vừa trở thành quốc gia mới nhất thông báo sẽ cấp giấy chứng nhận sức khỏe điện tử cho công dân đã tiêm vaccine COVID-19, hay còn gọi là “hộ chiếu vaccine”. "Cần phải có hộ chiếu vaccine hoặc thẻ xanh để mọi người có thể cảm nhận nhịp sống bình thường trở lại. Chính phủ Hàn Quốc đã gấp rút hoàn thiện phát triển hệ thống cấp chứng nhận tiêm phòng thông qua ứng dụng điện thoại di động. Chúng tôi sẽ chính thức ra mắt ứng dụng trong tháng này”, Thủ tướng Chung Sye-kyun cho hay.

Là ngành công nghiệp đóng góp tới 11-12% vào GDP Thái Lan, trước khi đại dịch xảy ra, ngành du lịch chiếm khoảng 4,5 triệu việc làm trong tổng số 38 triệu lao động của nước này.

Ông Vichit Prakobgoson, Phó Chủ tịch của Hội đồng Du lịch Thái Lan cho biết, với kế hoạch bỏ bắt buộc cách ly đối với các du khách nước ngoài đã tiêm vaccine, dự kiến trong năm nay, Thái Lan có thể đón tiếp hơn 3 triệu lượt khách quốc tế.

Kể từ đầu tháng 7 tới, các du khách quốc tế đã tiêm vaccine sẽ không phải cách ly khi tới thăm Phuket, và việc này sẽ được áp dụng tại Pattaya, Koh Samui, Chiang Mai, Phang Nga và Krabi kể từ đầu tháng 10.

Hội đồng Du lịch Thái Lan cũng kêu gọi Chính phủ nước này khởi động kế hoạch “bong bóng du lịch” với các quốc gia khác kể từ tháng 4 và ban hành các hướng dẫn cụ thể về “hộ chiếu du lịch” để thu hút thêm nhiều du khách quốc tế.

Nga, nước đầu tiên cấp phép vaccine ngừa COVID-19, hiện đang có 3 loại vaccine được lưu hành, là một trong những điểm đến hấp dẫn. Hiện, nhiều công ty lữ hành quốc tế chào bán các tour du lịch tiêm chủng đến Nga.

Ba ngày ở Moscow, bao gồm "ăn, nghỉ và vaccine"- một công ty lữ hành Moldova đã mở bán tour du lịch này với mức giá gần 1.200 euro. Đã có hơn 1.000 đăng ký từ các công dân Moldova, Romania, Ukraine và cả Hy Lạp. Trong khi đó, theo quảng bá của một công ty du lịch Na Uy, với 2.000 euro, du khách nước ngoài có thể tiêm vaccine Sputnik-V trực tiếp ở thủ đô Moscow. Một số công ty du lịch Italy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tích cực chào mời khách hàng đến Nga để tiêm vaccine ngừa COVID-19. Gói tour có thể là 3-5 ngày, hoặc trọn gói 21 ngày, bao gồm việc tiêm phòng đầy đủ và các điểm tham quan.

Có thể nói, trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến nghiêm trọng trong khi tốc độ tiêm chủng diễn ra chậm chạp, chứng nhận tiêm chủng hiện được coi là một lối thoát khả dĩ đối với nhiều ngành kinh tế. Tuy nhiên, để coi “hộ chiếu vaccine” như một điều kiện tiên quyết lại là một vấn đề khác khi rất nhiều thách thức chưa được giải quyết từ tốc đô tiêm chủng không đồng đều, sự xuất hiện của những biến chủng mới đến hậu cần, đạo đức…

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/phong-vu-bieu-du-lich-toan-cau-bao-da-tan/427557.vgp