Phóng viên y tế máu lửa, thấp thỏm tác nghiệp trong 'tâm dịch' Covid-19

Mỗi khi xảy ra dịch bệnh, phóng viên y tế cũng có những đêm đã lên giường ngủ lại bật dậy, hối hả làm tin, xong xuôi thì đã sang ngày mới từ rất lâu rồi; dù đã lường trước những nguy cơ lây nhiễm bệnh, họ vẫn sẵn sàng lao vào ổ dịch.

Vào khu cách ly tác nghiệp, về tự cách ly

Là phóng viên đầu tiên tiếp cận với trường hợp sản phụ sinh con tại khu cách ly ở Việt Nam khi vừa ở Hàn Quốc về (lúc đó Hàn Quốc đang là quốc gia bùng phát dịch), phóng viên Lê Đình Phương (Báo Gia đình và Xã hội) đã trải qua những thời khắc “lo lắng tột cùng”.

Phóng viên Lê Đình Phương tại Bệnh viện đa khoa Thạch Thất.

“Sản phụ vừa về chưa có kết quả xét nghiệm, tôi cũng là phóng viên đầu tiên gặp sản phụ. Dù được bác sĩ trang bị khẩu trang N95 khi tiếp xúc nhưng khi phỏng vấn xong, trên đường quay trở lại nội thành tôi vô cùng lo lắng. Kể từ đó, tôi ý thức phải tự cách ly và ngày nào cũng gọi lãnh đạo BV Đa khoa Thạch Thất để hỏi thăm sức khỏe sản phụ. Đến khi sản phụ âm tính, hết cách ly, ra viện tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, phóng viên Lê Đình Phương chia sẻ.

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến giờ, Phương đã trải qua 3 tháng “ăn ngủ cùng với dịch Covid-19”. Suốt chừng ấy thời gian, ngoài việc trực tiếp đến hiện trường các khu vực bị cách ly do có người nhiễm bệnh, nơi đang cách ly các bệnh nhân nghi nhiễm và nơi điều trị bệnh nhân nhiễm bệnh…, để có thông tin chính xác nhất, Phương luôn phải xác nhận từ các chuyên gia uy tín hoặc từ Bộ Y tế, kịp thời ngăn chặn các tin giả lan truyền trên mạng xã hội về ca mắc Covid-19 mới.

“Khi đi tác nghiệp, bản thân luôn đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Bởi giữ an toàn cho bản thân, cũng là giữ an toàn cho chính gia đình, đồng nghiệp và cả cộng động. Quá trình tác nghiệp tuân thủ đồ bảo hộ như khẩu trang, kính, đôi khi là cả găng tay.

Khi tiếp xúc bề mặt vật dụng, vào bệnh viện tác nghiệp xong tôi luôn phải rửa tay bằng cồn sát khuẩn trang bị mang theo bên người”, phóng viên Lê Đình Phương chia sẻ.

Anh cũng không ngại ngần kể về lần tác nghiệp vui nhất là chứng kiến những bệnh nhân đầu tiên được điều trị khỏi bệnh và xuất viện tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

“Tôi vui vì sự hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ đã được đền đáp, cộng đồng tin tưởng hơn vào nền y học nước nhà và các bệnh nhân được đoàn tụ với gia đình”, phóng viên Lê Đình Phương nhấn mạnh.

Phóng viên "được vào ổ dịch"

Từng chứng kiến, lao vào tâm dịch tại các bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương từ dịch sởi, dịch sốt xuất huyết, Ebola, Mers-Cov, Zika, H7N9, H5N1 và đến giờ là Covid-19 để đưa tin, nhà báo Thanh Hằng - cựu phóng viên Báo Công an Nhân dân, hiện là Trưởng ban Thời sự-Xã hội Tạp chí điện tử Viet Times - chia sẻ: Mỗi vụ dịch là mùa tất bật nhất của các "Táo y tế" (các PV kỳ cựu theo dõi ngành y tế - PV). Đến giờ, đã có hai phóng viên làm chính, nhưng trong những tình huống “khó, khẩn cấp”, chị Hằng vẫn lao đi mặc dù vẫn giữ trọng trách trực, biên tập và xuất bản tin bài.

Nhà báo Thanh Hằng trong một lần đi thâm nhập thực tế phòng chống dịch bệnh.

Nhà báo Thanh Hằng trong một lần đi thâm nhập thực tế phòng chống dịch bệnh.

Bằng kinh nghiệm hơn 20 năm theo dõi ngành Y tế, chị nhận thấy rõ, ở mỗi vụ dịch, phóng viên y tế sẽ luôn căng mình từ đầu đến cuối, luôn có mặt ở các tâm dịch để có tin bài nóng.

Không phải ai cũng được đến "tuyến đầu", được bệnh viện cho vào khu điều trị ở tâm dịch. Bởi việc vào khu vực điều trị bệnh truyền nhiễm ở các bệnh viện không hề đơn giản, phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt.

“Mà khi đến bệnh viện, nếu đã vào khu vực lây truyền là bắt buộc phải nai nịt như bác sĩ. Nhiều người ngại mặc đồ hoặc có lý do khác nên đến nơi mà chỉ ở cửa, không vào, còn mình thì nghĩ đã đến tâm dịch mà không có những hình ảnh thực tế sẽ rất phí, vì chả mấy khi được đến, nên "lăn" vào luôn”, chị Thanh Hằng kể.

Theo nữ nhà báo dạn dày kinh nghiệm này, đến tâm dịch là “được vào” chứ không phải là “bị vào”. "Nếu không có được sự tin cậy đối với bệnh viện, y bác sĩ tuyến đầu, bất cứ ai cũng không thể bước vào.

Chưa kể, nhiều cuộc ban chỉ đạo, thông tin dịch bệnh bắt đầu lúc khuya, những cuộc họp bắt đầu lúc tối đến nửa đêm mới kết thúc là "chuyện thường ngày ở huyện".

Tin mới xuất hiện lúc 0h, công điện khẩn giữa khuya, hay hôm 31/3, kém mấy phút là 24h, UBND TP Hà Nội ra Chỉ thị về cách ly xã hội, phóng viên đã lên giường, nhưng phản xạ tức thì, bật dậy hối hả làm tin.

Nói về sự nguy hiểm khi tác nghiệp, chị Thanh Hằng chia sẻ: “Phóng viên y tế lao vào tâm dịch như "đi chơi" nên nguy cơ cao hơn nhiều những phóng viên theo mảng khác. Nhưng với sự yêu nghề, với trách nhiệm đưa tin đến độc giả, chúng tôi vẫn tiếp tục mang đến những thông tin nóng hổi và chính xác về dịch bệnh. Tất nhiên, chúng tôi cũng phải có những trang bị để bảo hộ cho cá nhân trong quá trình tác nghiệp".

Trong khi đó, phóng viên Phan Thành (Báo Thừa Thiên – Huế) chia sẻ, tòa soạn không yêu cầu PV vào khu cách ly, nơi điều trị bệnh nhân Covid- 19, việc trực tiếp vào các khu vực này là ý định, quyết định của cá nhân với mục đích để có được thông tin chính xác, thực tế viết bài thông tin đến độc giả.

“Dù được bảo hộ phòng dịch cẩn thận, nhưng sau khi về đến nhà thì tâm lý vẫn lo lắng. Bạn bè khi biết mình đi vào các khu điều trị bệnh nhân Covid- 19 thì ban đầu họ cũng e dè khi tiếp xúc với mình nhưng khi được giải thích kỹ hơn về việc mình làm thì họ hiểu” – phóng viên Phan Thành bày tỏ.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/phong-vien-y-te-mau-lua-thap-thom-tac-nghiep-trong-tam-dich-covid19-post337084.info