Phóng viên trẻ và những bấp bênh nghề nghiệp

Công việc làm báo xếp thứ 5 trong 10 nghề được các bạn trẻ lựa chọn nhiều nhất hiện nay mặc dù đó là một công việc nhọc nhằn, gian nan và nguy hiểm... Trước những 'màu hồng', trước cánh cửa của làng báo như được ăn, được nói, được đi nhiều nơi thì thực tế, số phận những phóng viên trẻ có đẹp đến thế?

Công việc báo chí đòi hỏi sự bản lĩnh, kiên trì và bền bỉ

Công việc báo chí đòi hỏi sự bản lĩnh, kiên trì và bền bỉ

Bên kia giấc mơ màu hồng?

Hiện nay trên cả nước có nhiều cơ sở đào tạo chuyên ngành báo chí như: ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phân viện Báo chí - Tuyên truyền (Hà Nội) và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)... Mỗi năm, các cơ sở này đều đặn cho “ra lò” khoảng hàng ngàn cử nhân báo chí. Cứ mỗi năm, xã hội lại đón nhận hàng trăm phóng viên, nhà báo tương lai, nhưng những giấc mơ màu hồng về tương lai nghề báo có thực sự như chúng ta vẫn nghĩ?

“Một công việc như thế mới hấp dẫn, thử thách được tinh thần trẻ. Làm nhà báo được ăn, được nói, được đi nhiều, biết lắm lại có thể viết bài cộng tác với các báo và kiếm tiền ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường…” - rất đông các bạn sinh viên chuyên ngành báo chí đã tự tin phát biểu như vậy. Nhưng thực tế ra sao…?

Nguyễn Thu Hằng là sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền, dù chưa chính thức hoàn thành chương trình Đại học nhưng cô đã có “kinh nghiệm” cộng tác với 5 tờ báo khác nhau. Dù vậy, nhưng Hằng chia sẻ chật vật và có những lúc muốn bỏ nghề vì thấy “nản”. Cô nhớ lại những ngày đầu công việc viết báo, cầm nhuật bút chỉ có vài trăm nghìn trong tháng đầu tiên nhưng cũng đầy tình yêu nghề và đam mê làm báo.

Năm cuối tốt nghiệp chật vật đi đăng ký làm cộng tác viên khắp các cơ quan báo chí từ lớn đến nhỏ. Hằng bắt đầu nản chí vì bản thân mình kiệt sức phải chạy theo tòa soạn cùng với lượng bài “nhỏ giọt” mà cô thực hiện hàng tuần. Có tuần Hằng viết 3 bài nhưng đều bị từ chối. Thế mới thấm cái câu “sự thực không như là mơ”, cô sinh viên báo chí vừa tốt nghiệp vỡ mộng với ước mơ màu hồng của mình bấy lâu nay.

“Trước đây mình nghĩ, làm báo sẽ được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người tăng mối quan hệ. Nhưng, thực tế đi làm mình vỡ mộng và nhiều chuyện không như mình nghĩ. Dù mình đi cộng tác vài báo một lúc cũng không đủ tiền xăng xe đi lại, chưa kể lượng bài cũng ít”. Hằng chia sẻ.

Giấc mơ màu hồng về sự hào nhoáng của nghề báo khiến nhiều bạn trẻ vỡ mộng

Một vị trí chính thức của phóng viên trẻ ở một tờ báo là không nhiều vì phải luôn cạnh tranh với những người đi trước đầy kinh nghiệm “trận mạc” và cả những người trẻ mới vào nghề. Nguyễn Văn Khôi (sinh viên HV Báo chí và Tuyên truyền) đã hơn một năm chật vật, lăn lộn đi rải hồ sơ khắp các tòa soạn chỉ mong có một vị trí “hợp đồng” trong một tờ báo nào đó. Dù ra trường, Khôi vẫn phải “ăn bám” bố mẹ. Số tiền ít ỏi anh đi cộng tác chỉ đủ tiền xăng xe đi lại. “Chán nản, muốn bỏ nghề”, xoay sở mãi, cuối cùng anh cũng ký được hợp đồng làm “báo” với một công ty. Một tháng nội san công ty “xuất bản” một lần, lượng bài đăng thì 2/3 được “ghim” sẵn, còn lại Khôi lại phải “nai lưng” đi viết.

Lương hợp đồng hàng tháng chỉ đủ “sống ở Thủ đô” với mức tối thiểu, nhuận bút từ các bài viết thu được không đáng kể, thời gian để viết cho các tờ báo khác không nhiều bởi “giờ hành chính” đã chiếm gần hết “quỹ giờ” của anh.

Nhìn các bạn thành đạt, chuyển nghề kinh doanh, Khôi chỉ biết tự lắc đầu: “Làm báo nội bộ công ty rất bó buộc, nội dung, chủ đề bị hạn chế nhiều. Nhìn lại đam mê, hoài bão khi xưa vào trường bay đi đâu hết. Chả biết đến bao giờ mới có thẻ nhà báo với mác “phóng viên nội bộ” thế này”.

Tốt nghiệp, sinh viên báo chí ở lại các thành phố lớn và đầu quân được vào các tờ báo có tiếng tăm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Số còn lại chủ yếu làm báo dạng thử việc, hợp đồng ngắn hạn, tạm tuyển nên “thâm niên” mấy tháng làm cho một tờ báo là chuyện thường tình.

“Những chú chim non” đã vội bơ vơ, lạc lõng ngay những ngày tháng mới bay ra “biển lớn”.

Nhọc nhằn cầm cự hay chuyển nghề?

Theo con số thống kê từ một lớp báo chí (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) đã ra trường thì trong 100 sinh viên có khoảng 30 người theo nghề báo, 19 sinh viên làm PR (quan hệ công chúng cho các công ty), 11 sinh viên làm trái nghề, 12 người vẫn thất nghiệp và khoảng 8 người “theo chồng bỏ cuộc chơi”…

Nhiều sinh viên mới ra trường, với tấm bằng loại ưu nhưng không thể “chen chân” vào được một tòa soạn báo “cho ra hồn”. Người cố gắng cầm cự theo nghề được 1 năm rồi bỏ, người vài tháng phải chuyển việc. Sau 04 năm miệt mài trên ghế nhà trường, khoảnh khắc tốt nghiệp chính là lúc chúng ta bước ra một cuộc chơi mới.

Theo thống kê, chỉ có 1/3 số sinh viên báo chí tốt nghiệp vào được các báo, đài, 2/3 còn lại đi làm đủ thứ nghề để kiếm sống, đó là thực tiễn khắc nghiệt. Xã hội càng phát triển, đòi hỏi người làm báo phải thích ứng nhanh nhạy với nghề và bắt kịp thời đại. Nghề báo vốn dĩ có quy luật đào thải khắc nghiệt, ai thực sự có khả năng mới có thể bám trụ lại với nghề. Chính vì vậy, không ít phóng viên trẻ mới vào nghề chưa kịp “nóng chân” đã vội vàng bỏ nghề đi tìm các cơ hội mới.

Giống trường hợp của bạn Cao Thị Duyên (Chuyên ngành Báo chí, ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), từng có thời gian cộng tác cho một số báo nhỏ. Duyên ra trường với mong mỏi được có một công việc chính thức tại tòa soạn mà cô đam mê. Tuy nhiên, khi bước vào nghề lại đủ mọi gian nan. Duyên chia sẻ, nhiều kĩ năng nghiệp vụ chưa vững, việc học ở trường chưa áp dụng được vào công việc buộc cô phải bắt đầu lại. Dần dần khiến Duyên chán nản và bỏ nghề sau hơn 6 tháng chật vật đi tìm kiếm cơ hội tại các tòa soạn. Chính thức gác lại hoài bão làm phóng viên sau 4 năm nung nấu dưới mái trường, Duyên về nhà và tìm bến đỗ cho riêng mình. Không ít phóng viên trẻ có sự lựa chọn như Duyên, họ tạm gác những ước mơ để tìm kiếm lựa chọn khác.

Duyên đã quyết định chuyển nghề và quay về tìm bến đỗ sau 1 năm chật vật theo nghề báo

Giống như Duyên, nhiều bạn trẻ học báo chí nhưng không theo nghề mà chuyển hướng sang PR, quảng cáo, sự kiện hay kinh doanh. Đa số họ cho rằng bản thân không thể duy trì mức sống ít ỏi thời gian đầu đi làm báo và sẽ đi làm công việc lương ổn hơn. Mặt khác, nhiều bạn mới ra trường bị “ngợp” trước thực tế làm báo không như suy nghĩ “màu hồng” ngồi trên ghế nhà trường khiến bản thân nhanh chán nản và tuyệt vọng. Cùng với sự cạnh tranh khốc liệt tại các tòa soạn khiến những phóng viên trẻ bơ vơ giữa đôi dòng nước “ở lại hoặc ra đi”.

Ở một góc độ nghề nghiệp, nghề báo không hẳn là quá khó khăn trong cơ hội việc làm. Hàng năm nó vẫn được xếp vào top các công việc có triển vọng nghề nghiệp tốt nhất khối ngành Xã hội – Nhân văn. Tuy nhiên, để được thành quả nhất định trong nghề, người phóng viên trẻ phải “bền gan, vững chí”. Nhiều nhà báo từng chia sẻ đó là “độ lì” với nghề, sự kiên trì và cố gắng không ngừng nghỉ để học hỏi và cống hiến.

“Một nghề dễ thấy vinh quang thì cũng phải chấp nhận rất nhiều rủi ro, thách thức. Nếu bạn là người không thực sự có khả năng và tố chất thì đừng chọn báo chí, đừng ảo vọng vào những điều mà thượng đế dành cho người khác chứ không phải cho mình…” - một cựu sinh viên báo chí từng chia sẻ như vậy.

Có lẽ sẽ có những chông gai trước mắt, tuy vậy, nghề báo vẫn sẽ rộng mở với những ai ưa thử thách yêu nghề, có sự kiên trì và bản lĩnh để bám trụ với nghề.

Minh Hải

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/phong-vien-tre-va-nhung-bap-benh-nghe-nghiep-457211.html