Phóng viên tháp tùng và câu chuyện tác nghiệp tại nước bạn

Trái ngược với cái nóng oi ả gần 40 độ ở Hà Nội, buổi sáng ở thành phố Saint Petersburg trên đất nước Nga xa xôi vẫn lạnh tê tái. Những giọt sương đêm vẫn níu kéo trên những cánh hoa tulip hồng rực rỡ.

Không khí lạnh trời Âu cố luồn lách qua những cái áo khoác mong manh, xâm chiếm cơ thể những phóng viên chưa kịp thích ứng với sự thay đổi thời tiết đến chóng mặt sau hành trình gần 10 tiếng bay vượt châu lục tháp tùng chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Liên bang Nga, Vương quốc Na Uy và Vương quốc Thụy Ðiển cuối tháng 5 vừa qua.

Những người đi sớm, về muộn

Mặc dù phải đến 9h theo chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng Ðoàn Cấp cao Việt Nam mới có mặt, bắt đầu sự kiện đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm - nghĩa trang Piskaryovskoye, nhưng theo yêu cầu của phía bạn, nhóm phóng viên tác nghiệp phải có mặt trước 2 tiếng – một quy định khá phổ biến đối với hoạt động tác nghiệp báo chí trong các sự kiện quốc tế.

Nhóm PV tháp tùng chờ tác nghiệp tại Nhà khách Chính phủ Liên Bang Nga

Nhóm PV tháp tùng chờ tác nghiệp tại Nhà khách Chính phủ Liên Bang Nga

Và thế là từ 6h30, cả nhóm phóng viên gồm khoảng chục người gồm nhiều cơ quan báo chí tháp tùng đoàn phải rời khách sạn mang theo máy móc, đồ tác nghiệp và cả đồ ăn tạm cho bữa sáng. Một số phóng viên chưa quen múi giờ chậm 5 tiếng so với giờ Hà Nội, đêm ngủ không được nhưng vẫn phải dậy sớm để kịp thời điểm khởi hành.

Không giống như ở trong nước, các khách sạn tiêu chuẩn 5 sao ở châu Âu rất cứng nhắc và tuân theo nguyên tắc, giờ ăn sáng phải từ 7h, nhất định không sớm hơn. Một ưu ái đặc biệt dành cho nhóm phóng viên tháp tùng Ðoàn Việt Nam chuyến này là những suất ăn sáng cá nhân gồm một chai nước suối, một chiếc bánh sandwich, một quả táo, đã được phía khách sạn chuẩn bị cho đoàn một cách chu đáo.

Khu tưởng niệm - nghĩa trang Piskaryovskoye nằm ở phía Bắc thành phố Saint Petersburg, được thành lập vào năm 1939, lấy tên theo ngôi làng Piskaryovka ở gần đó. Ðây là một trong những địa danh đau thương nhất trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Và thành phố Anh hùng Leningrad (Saint Petersburg ngày nay) là chiến trường ác liệt nhất, phải gánh chịu thiệt hại cực kỳ to lớn trong cuộc vây hãm gần 900 ngày đêm của quân phát-xít. Piskaryovskoye là khu mộ tập thể của gần 500 ngàn nạn nhân trong tổng số khoảng 1,5 triệu người chết trong cuộc bao vây tàn bạo đó.

Khu nghĩa trang rất rộng lớn có hồ nước, công viên, vườn hoa và phần diện tích khu mộ mênh mông, bát ngát. Những ngôi mộ khắc tên tập thể, linh thiêng, in dấu những hy sinh, mất mát vô bờ của những người con nước mẹ Nga vĩ đại như thấm vào dòng cảm xúc mỗi phóng viên tháp tùng Ðoàn Việt Nam - một đất nước cũng phải trải qua bao đau thương, mất mát bởi chiến tranh.

Với sự hỗ trợ của chuyên viên Vụ Báo chí – Bộ Ngoại giao cùng vốn tiếng Nga bập bẹ, nhóm phóng viên cố gắng nắm bắt hướng dẫn của đại diện Ban Quản lý khu nghĩa trang về vị trí đứng tác nghiệp của phóng viên ảnh, quay phim và truyền tải thêm những nội dung làm tư liệu cho các các phóng viên tin.

Vị đại diện Ban Quản lý hướng dẫn rất tận tình và cũng nhấn mạnh tính bắt buộc qua những lời dặn dò nhóm phóng viên phải tuân thủ, chấp hành, không được làm ảnh hưởng đến tính trang nghiêm, trọng thị trong thời gian diễn ra hoạt động của lãnh đạo cấp cao tại đây.

Không chỉ cần phải nhanh mà còn phải khéo

Trong chuyến thăm gần 10 ngày tới 3 nước Liên bang Nga, Vương quốc Na Uy và Vương quốc Thụy Ðiển, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chương trình làm việc dày đặc với hơn 50 hoạt động như: Các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao ba nước (hội đàm với Thủ tướng, hội kiến với Nhà Vua, Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội); dự các diễn đàn doanh nghiệp, gặp mặt các nhà đầu tư.

Câu chuyện tác nghiệp tại Khu Nghĩa trang Piskaryovskoye chỉ là một hoạt động tiêu biểu với những yêu cầu, quy định riêng biệt mà nhóm phóng viên phải tuân thủ, khắc phục những trở ngại, khó khăn riêng để có được thông tin, hình ảnh gửi về tòa soạn.

Ðể chuẩn bị cho hoạt động tác nghiệp cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Dmitry Anatolyevich Medvedev, nhóm phóng viên tháp tùng phải có mặt tại Nhà khách Chính phủ Liên bang Nga trước 2 tiếng để kiểm tra an ninh theo yêu cầu của phía bạn.

Quy trình kiểm tra an ninh tại Nhà khách Chính phủ Liên bang Nga hết sức chặt chẽ bao gồm các công đoạn: Kiểm tra hộ chiếu, ảnh và đối chiếu danh sách từng người. Tiếp đó là phần thử máy quay, máy ảnh, soi đồ đạc, quần áo được thực hiện bởi những nhân viên an ninh lịch sự nhưng hết sức nghiêm túc.

Ngay sau hàng rào cổng từ, máy soi, một nữ nhân viên của phòng truyền thông báo chí Văn phòng Thủ tướng Nga chờ sẵn. Cô này vừa là người hướng dẫn, vừa là người giám quản, trông chừng mọi hoạt động đi lại, tác nghiệp của cả nhóm phóng viên đến từ Việt Nam. Thậm chí đến việc đi vệ sinh, cũng có người dẫn ra tận nơi.

Cần phải nói thêm về bộ phận báo chí truyền thông ở Văn phòng Thủ tướng Nga là rất chuyên nghiệp và trọng thị. Trong phòng chờ, nằm ở tầng hầm của tòa nhà, đủ chỗ cho khoảng 100 phóng viên chờ tác nghiệp. Cũng đến và đợi như nhóm phóng viên của Ðoàn Việt Nam, các phóng viên thuộc các hãng thông tấn, báo chí Liên bang Nga như TASS, Vexni...cũng được sắp xếp ngồi chung phòng đợi.

Bên trong luôn có cán bộ quản lý Nhà khách Chính phủ liên tục thông báo, nhắc giờ các sự kiện và danh sách các phóng viên được tác nghiệp sự kiện đó. Nếu như phía trong là một người điểm danh, nhắc việc, thì ở phía ngoài cửa, một nhân viên an ninh chịu trách nhiệm dẫn đoàn qua rất nhiều cánh cửa để đến nơi diễn ra sự kiện.

Phòng họp báo tại Nhà khách Chính phủ Liên bang Nga rất nhỏ hẹp, chỉ khoảng 60m2, các dãy ghế ngồi cho đại biểu được xếp thành hàng ngang hình thuyền. Vị trí tác nghiệp, ghi hình được giới hạn trong khoảng chưa đầy 10m2 từ dãy ghế sau cùng đến cửa ra vào, chỉ khoảng vừa đủ chỗ cho 10 phóng viên ảnh và quay phim.

Tại sự kiện lần này, sau phần họp báo khoảng 30 phút, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Anatolyevich Medvedev sẽ cùng chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Do đó, yêu cầu đặt ra với phóng viên là phải chụp đủ hình hai Thủ tướng phát biểu, bắt tay và chứng kiến hàng loạt lễ ký.

Bao giờ cũng vậy, với ưu thế chủ nhà, các phóng viên ảnh, quay phim của các hãng thông tấn, truyền hình Nga được ưu ái đặt máy ở vị trí đẹp nhất, chính giữa khuôn hình. Bởi thế, để có được những thước phim, tấm hình cân đối là một thử thách lớn với đội phóng viên đến từ Việt Nam khi diện tích tác nghiệp hạn hẹp, không được phép đặt ghế, xếp thang trong phòng họp báo.

Quá quen thuộc với những tình huống này, biết là “xin không cho, chen không nổi”, một số phóng viên trong đoàn đã tìm chỗ ngồi phía dưới chân máy quay phía trước để có vị trí thuận lợi đón hình và kết quả đã có những tấm hình đẹp không kém phóng viên bạn.

Tuy nhiên, sau tất cả những vất vả, niềm vui của cả nhóm là khi những dòng tin, tấm hình, thước phim, phóng sự truyền hình, những sản phẩm thông tin từ khoảng cách hàng ngàn kilômét trên nước bạn xa xôi đến tay bạn đọc; kịp thời truyền tải về diễn biến chuyến công tác đối ngoại của người đứng đầu Chính phủ cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Kết thúc mỗi hành trình, hạnh phúc và niềm vinh dự của mỗi phóng viên tháp tùng là được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào thành công của hoạt động đối ngoại cấp cao.

Quang Vũ

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/db-phong-vien-thap-tung-va-cau-chuyen-tac-nghiep-tai-nuoc-ban-550089/