Phóng viên miền núi thời đại công nghệ thông tin

Trong thời đại công nghệ thông tin, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí cũng như phóng viên phải thay đổi để bắt kịp với xu hướng thời đại, đáp ứng công việc.

Những phóng viên ở địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số càng phải tự học tập, tự rèn luyện khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất tác phẩm báo chí. Mặt khác, mỗi phóng viên phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng khi mà mạng xã hội đang tác động rất lớn đến nền báo chí ngày nay.

Phóng viên Vũ Lợi (VOV Tây Bắc) trong một chuyến công tác

Phóng viên Vũ Lợi (VOV Tây Bắc) trong một chuyến công tác

Phóng viên A Lăng Ngước, dân tộc Cơ Tu đã công tác tại báo Quảng Nam được 7 năm. Trong suốt quá trình tác nghiệp, anh Ngước luôn có mặt ở các bản làng xa xôi, vào tận nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số để chuyển tải thông tin đến bạn đọc kịp thời. Nếu trước đây, hành trang tác nghiệp của những nhà báo rất cồng kềnh thì nay, anh Ngước chỉ cần 1 máy điện thoại thông minh loại tốt là có thể yên tâm tác nghiệp và chuyển tải nhanh thông tin đến bạn đọc gần xa.

Từng lăn lộn ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của 9 huyện miền núi Quảng Nam, nhà báo A Lăng Ngước còn xây dựng mối quan hệ thân tình với bà con dân bản. Nhà báo A Lăng Ngước chia sẻ: "Đặc biệt trong điều kiện thời tiết mưa lũ gây cô lập tại vùng miền núi, có những địa bàn, những vùng, bản thân mình không thể đến được hiện trường, thì nhờ mạng xã hội, nhờ công nghệ 4.0 mà nhiều bà con, nhiều đồng nghiệp, tin vào mình, chia sẻ những thông tin, những hình ảnh, thậm chí quay clip cho mình để giúp mình chuyển tải những vấn đề gặp khó khăn, hay sự kiện thời sự để báo chí đăng tải. Đây được coi là lợi thế của mình."

Trong thời bùng nổ thông tin như hiện nay, đội ngũ phóng viên, nhà báo ở tuyến miền núi Quảng Nam tự trang bị cho mình kiến thức, kinh nghiệm để làm chủ công nghệ một cách tốt nhất. Từ đó, kịp thời chuyển tải thông tin đến khán, thính giả một cách nhanh nhất...

Phóng viên Nguyễn Hoàng Thọ, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Mới đây, như vụ sạt lở ở Khe Chữ, chúng tôi đi bộ từ 7h sáng đến 5h chiều mới tới được hiện trường. Nhiệm vụ của người nhà báo lúc đó là không chỉ đưa tin không, chúng tôi đưa tin cộng tác cho các cơ quan thông tấn báo chí và nhiệm vụ tiếp theo là tham gia ứng cứu nạn. Để giúp người dân vì trong lúc nước sôi lửa bỏng, con người không có, nhân lực, vật lực không có, thì chúng ta vừa là phóng viên, vừa là một tình nguyện viên để giúp nhân dân vượt qua nỗi đau."

Trong xu thế hội nhập, lớn mạnh và phát triển không ngừng như hiện nay, các phóng viên phụ trách địa bàn miền núi Quảng Nam cũng đang tự làm mới mình. Mỗi nhà báo tự trang bị cho mình những kiến thức để nắm vững kỹ thuật, khoa học công nghệ, phục vụ tác nghiệp trong môi trường hiện đại hơn, phản ánh tâm tư nguyện vọng của bà con dân tộc thiểu số đến với các cấp chính quyền thuận tiện và kịp thời nhất.

Ông Lê Văn Nhi, Tổng biên tập báo Quảng Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam cho rằng:"Trước đây người làm báo và cơ quan báo chí là độc quyền thông tin, nhưng bây giờ thời buổi 4.0 thì mạng xã hội đang tác động và chi phối rất lớn đến hoạt động của báo chí và đó là một kênh thông tin thường xuyên với bạn đọc. Mỗi người làm báo phải tự rèn luyện, học tập nâng cao trình độ bản lĩnh chính trị, để cạnh tranh với mạng xã hội thì thông tin báo chí phải là thông tin trung thực, chính xác, khách quan và có định hướng. Để tạo niềm tin đối với bạn đọc, nhà báo không chỉ cần kỹ năng tác nghiệp mà cần thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và vốn kiến thức để có chỗ đứng trong lòng bạn đọc./."

CTV Tấn Sỹ/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phong-vien-mien-nui-thoi-dai-cong-nghe-thong-tin-1061367.vov