Phóng viên Lệ Thu- Báo Dân trí: Giá trị của cái đẹp, cái tốt có sức lay động, lan tỏa

Là cây bút 9X, Lệ Thu đã sở hữu hơn 1.000 bài báo chân dung về những người trẻ Việt tài năng ở nhiều lĩnh vực và học giả Việt thành danh trên thế giới. Ngày 1/7 tới đây, nữ phóng viên trẻ sẽ chính thức phát hành toàn quốc cuốn sách đầy cảm hứng mang tên 'Rạng danh tài trí Việt năm châu'.

Trước đó, Lệ Thu cũng vừa giành giải Ba- Giải thưởng Báo chí về Khoa học & Công nghệ với tác phẩm “9X Việt điển trai phát hiện 8 loài vi khuẩn mới gây ấn tượng giới khoa học” năm 2018. Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với Lệ Thu để hiểu hơn về cuốn sách cũng như tác phẩm được giải thưởng lần này.

Là cây bút 9X, Lệ Thu đã sở hữu hơn 1.000 bài báo chân dung về những người trẻ Việt tài năng ở nhiều lĩnh vực và học giả Việt thành danh trên thế giới

Tôi có đọc chia sẻ ngắn của bạn sau khi giành Giải thưởng Báo chí về Khoa học – Công nghệ, bạn nói “lớ ngớ vớ giải thưởng”. Có vẻ đằng sau giải thưởng là một câu chuyện thú vị?

Đúng vậy. Giải thưởng Báo chí về Khoa học – Công nghệ quả là một mối duyên bất ngờ với tôi. Là phóng viên chuyên trách mảng Du học, học giả tại nước ngoài, tôi có nhiều dịp viết về những nhà khoa học Việt Nam ghi dấu ấn trên thế giới. Tuy vậy vì không bám mảng Khoa học, tôi không nắm được thông tin cụ thể về giải thưởng và cũng không gửi bất kỳ tác phẩm nào dự giải.

Hai anh chị đồng nghiệp trong cơ quan đã âm thầm lọc chọn tác phẩm của tôi gửi đi dự thi. “Lớ ngớ vớ được giải” là vậy! Tôi cảm thấy vui, thú vị và đầy ấm áp vì nhờ các “ông mối”, “bà mối” là những anh chị tiền bối mà cô em út trong cơ quan là tôi có duyên nhận giải thưởng này.

Ở góc độ một độc giả, tôi thấy cái tít “9X Việt điển trai phát hiện 8 loài vi khuẩn mới gây ấn tượng giới khoa học” rất hấp dẫn. Nó đã thông báo cho người đọc những thông tin đầy đủ về tuổi tác, “nhan sắc” và tài năng của nhân vật. Lệ Thu có chia sẻ gì về điều này?

Một người bạn tham dự Lễ trao giải có nói lại với tôi rằng, khi tôi bước lên bục nhận giải, cùng lúc tác phẩm của tôi được xướng tên, ở dưới hội trường đã “ồ” lên.

Có lẽ, không ít người bất ngờ vì tên tác phẩm mang một chút màu sắc tươi mới so với tính chất hàn lâm thường thấy của khoa học.

Phóng viên Lệ Thu nhận Giải Ba- Giải thưởng Báo chí về Khoa học- Công nghệ năm 2018 (Ảnh: NVCC)

Nhân vật của tôi, anh Trần Việt Hùng - một nhà khoa học trẻ (thế hệ 9X). Đó sẽ là một tấm gương gần gũi để người trẻ được truyền cảm hứng, bản lĩnh theo đuổi con đường nghiên cứu vô vàn gian nan, thử thách. Anh ấy đầy tài năng, nhiệt huyết, nghị lực và thêm phần điển trai.

Con người chúng ta đều yêu cái đẹp. Dù đó là cái đẹp trí tuệ, tâm hồn, tính cách hay ngoại hình…đã là cái đẹp đều đáng trân trọng và được yêu mến.

Độc giả chỉ lướt 3 giây qua title (tiêu đề) bài báo để quyết định có “click” đọc hay không. Báo chí viết về khoa học công nghệ mang đặc thù riêng ở chuyên môn sâu và hơi “cứng” so với đại chúng. Với những tiêu đề sinh động, gần gũi nhưng chính xác và chừng mực vừa đủ, tôi hy vọng bạn đọc không bỏ lỡ những thông tin thú vị.

Nhân vật của bạn thì ở tận trời Tây, vậy bạn đã gặp phải những khó khăn gì trong quá trình tác nghiệp?

Mảng thông tin, nhân vật Việt ở nước ngoài tất nhiên sẽ gây cản trở về không gian, thời gian trong quá trình tác nghiệp của phóng viên. Đây là địa hạt mà có lẽ chưa nhiều cây bút quan tâm khai thác và tiếp cận do hạn chế mối quan hệ, nguồn tin, chênh lệch múi giờ, sức ép về tin bài thời sự của báo chí.

Khó khăn đặc thù ở mảng nào cũng có. Tôi cảm thấy trân trọng, ý nghĩa vì mảng nhân vật tôi thường viết là những tinh hoa trí tuệ Việt. Họ cũng hỗ trợ thông tin một cách sẵn lòng để tôi lan tỏa rộng hơn những điều tốt đẹp đến bạn đọc nhanh nhất có thể.

Được biết, Lệ Thu vừa xuất bản một cuốn sách đầu tay viết về những “Tinh hoa trí tuệ Việt”. Bạn có thể hé lộ thêm chứ?

Cuốn sách có tên “Rạng danh tài trí Việt năm châu” (NXB Thế giới) gồm 21 nhân vật do tôi và bạn Hạnh Nguyễn đồng tác giả đã hoàn thiện, chỉ còn vài ngày nữa sẽ được phát hành trên toàn quốc. “Rạng danh tài trí Việt năm châu” kể về câu chuyện của những gương mặt Việt đang học tập, sinh sống và làm việc tại các quốc gia trên thế giới (Mỹ, Anh, Australia, Singapore, Đức…). Họ là các cá nhân thuộc các thế hệ 5X - 9X được cộng đồng, tổ chức tại nước sở tại vinh danh vì những thành tích, cống hiến, phát minh xuất sắc trong nhiều lĩnh vực: nghiên cứu, khởi nghiệp, kinh doanh, công nghệ, giáo dục…

Phóng viên Lệ Thu trong một lần tác nghiệp (Ảnh: NVCC)

Chính nghề nghiệp đã cho tôi cơ hội gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe những câu chuyện chưa kể và kết nối người Việt thành công toàn cầu. Anh Trần Việt Hùng – nhân vật trong tác phẩm đoạt giải của tôi cũng xuất hiện trong cuốn sách này.

Không chỉ qua tác phẩm đoạt giải lần này, chắc hẳn nhiều độc giả nhớ đến cây bút Lệ Thu qua nhiều loạt bài truyền cảm hứng về tài năng, trí tuệ Việt làm rạng danh thế giới. Dường như, Lệ Thu rất đam mê viết về cái đẹp, gương sáng, việc tốt?

Tôi tin vào những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, dù ai đó có nói rằng, từ lâu họ ngại đọc báo mạng vì lướt thấy nhan nhản tin cướp - giết - hiếp và tiêu cực. Báo chí và người làm báo có sức mạnh định hướng dư luận, tư tưởng. Giá trị của cái đẹp, cái tốt có sức lay động, lan tỏa, đánh thức những tình cảm, hành động tích cực của con người. Rủ nhau đi trồng hoa thì cỏ dại trong vườn sẽ bớt đi.

Mỗi người chúng ta đều có sức mạnh để thay đổi một điều gì đó trong cuộc sống. Nếu có thể làm cho thế giới tốt đẹp hơn, tại sao không làm nhỉ?

Lệ Thu cân bằng công việc ra sao? Người ta thường nói phụ nữ làm báo với guồng quay tin tức hối hả, thanh xuân sẽ trôi qua mau lắm?

Nghề báo áp lực nhưng hấp dẫn. Một nghề sáng tạo, mới mẻ và có ý nghĩa với cộng đồng. Tôi chú ý cân bằng cuộc sống, chăm sóc sức khỏe và yêu bản thân mình. Ngoài thời gian làm việc, tôi thích tập gym, bơi, đọc sách, du lịch, chụp ảnh, học thêm những điều mới và gặp gỡ bạn bè để luôn tràn đầy năng lượng.

Thế giới rộng lớn. Mỗi lần gặp gỡ những con người mới, miền đất mới, vấn đề mới, tình huống mới… tôi lại thấy mình “giàu có” hơn.

Học rồi làm báo từ những ngày còn là sinh viên, tôi vừa phản ánh, vừa khám phá thế giới bằng niềm háo hức và sức trẻ. Đó là những năm tháng thanh xuân tuyệt vời, nhiều màu sắc.

Là một người phụ nữ làm báo, tôi không sợ lắm thời gian trôi chảy hay áp lực. Tôi sợ nhất mình già nua xấu xí về tâm hồn, trì trệ trong tư tưởng, tri thức.

Vâng, xin cám ơn bạn.

Giang Phú (thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phong-vien-le-thu-bao-dan-tri-gia-tri-cua-cai-dep-cai-tot-co-suc-lay-dong-lan-toa-post63982.html