Phóng viên Der Spiegel đã xuyên tạc sự thật về Ukraine như thế nào?

Sau khi Claas Relotius thừa nhận đưa tin giả trên tạp chí Der Spiegel của Đức và cả nhiều tờ báo khác mà ông ta từng làm việc, những thông tin mà các báo này đã cung cấp, đặc biệt là về Ukraine, đã bị nghi ngờ về tính xác thực.

Trong bài viết có tên “Bribing Prohibited” của mình, Relotius đã viết về lực lượng cảnh sát mới của Ukraine. Nội dung của nó mang đậm phong cách của ông này với lối kể chuyện rất có điểm nhấn và những nhân vật gây hấp dẫn, nhưng thông tin trong bài được nhận định là hoàn toàn bịa đặt.

Đã có rất nhiều thông tin sai sự thật về tình hình Ukraine đã được Claas Relotius đưa ra.

Bài viết này nói về hai người còn trẻ có tên là Dimitri và Valeria, những người vừa mới trở thành thành viên của lực lượng cảnh sát Ukraine mới được tái cơ cấu sau cuộc biểu tình năm 2014. Hiện vẫn chưa rõ liệu Relotius đã từng gặp hai người này hay chưa, song nội dung bài viết khá lôi cuốn bạn đọc.

Theo những gì mà “nhà báo” này kể lại, mỗi ngày trước khi đi làm, Dimitri và Valeria đều đến trung tâm Kiev để cầu nguyện tại một nơi tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình. Hai người này được cho là những người đã tham gia biểu tình và khi đó họ nhớ lại những cảnh tượng như những căn nhà cháy, “mùi thi thể”, một người đàn ông “ôm một đứa trẻ trong tay” bị bắn chết gần một cái giếng cũ, và một bức tường bị đổ khi hàng chục người “bị lính bắn tỉa sát hại” hoặc “bị xe tăng cán qua”.

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, phần lớn số người đã chết tại Kiev, cả người biểu tình và các sĩ quan cảnh sát, đều diễn ra chỉ trong 2 ngày bạo động của tháng 2/2014, vì vậy số người chết có thể đã bị phóng đại. Ngoài ra, trung tâm Kiev không có bất kỳ “giếng cổ” nào cả và cũng không có gì chứng minh được câu chuyện về người đàn ông ôm lấy một đứa trẻ trong cuộc bạo động.

Điều đáng nói là không có “xe tăng” nào được triển khai trong cuộc bạo động này, vì vậy câu chuyện về “bức tường bị đổ” là hoàn toàn không có thật. Thực tế, cảnh sát Ukraine đã dùng các loại xe bọc thép hạng nhẹ để đâm qua những rào chắn của người biểu tình, song chúng đã hứng chịu nhiều quả bom lửa và đã bị đốt cháy hoàn toàn. Dù vậy, việc nhiều tòa nhà ở Kiev bị đốt cháy là có lý.

Không có gì ngạc nhiên khi những nội dung còn lại của bài viết đều có những thông tin sai lệch. Cụ thể, bài báo nói rằng cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych có một biệt thự mà tại đây ông “sống như một vị vua, có lan can và bồn tắm làm bằng vàng ròng”. Thông tin này dường như đã được dựa trên những lời đồn thất thiệt rằng người biểu tình xông vào nơi ở của ông Yanukovych và phát hiện một bồn cầu bằng vàng.

Tổng thống đương nhiệm của Ukraine Petro Poroshenko thì được miêu tả là một “tỉ phú sản xuất kẹo dẻo từ Odessa”. Ông Poroshenko đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ Ukraine từ đầu những năm 2000, tuy nhiên điều này không được đề cập đến trong bài viết. Đúng là ông được sinh ra tại vùng Odessa, tuy nhiên ông hoàn toàn không phải là một “doanh nhân thành đạt” như đã mô tả.

Ngoài ra, Relotius còn phạm một sai lầm nữa. Bài viết nói rằng lực lượng cảnh sát mới của Ukraine không chỉ được triển khai ở Kiev mà còn ở các thành phố lớn khác như “Kharkiv và Donetsk, Lviv và cả Odessa”. Tuy nhiên vào thời điểm bài viết được đăng tải, khu vực Donetsk đã thuộc sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy phản đối cuộc biểu tình 2014, đồng thời tuyên bố lập ra chính phủ độc lập của riêng minh và từng bị trấn áp bởi xe tăng và máy bay chiến đấu.

Đáng tiếc là những thông tin sai lệch này có thể đã không được kiểm tra một cách kỹ lưỡng và chỉ đến khi Relotius thừa nhận đưa tin sai sự thật, chúng mới được người ta đánh giá lại.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/phong-vien-der-spiegel-da-xuyen-tac-su-that-ve-ukraine-nhu-the-nao-post285844.info