Phóng viên chiến trường và những vết thương không thể lành

Với phóng viên chiến trường, dù đang ở giữa vùng chiến sự của một cuộc chiến tranh hay đã trở về, những vết thương trên da thịt có thể chỉ còn là những vết sẹo đôi lúc đau nhức, nhưng những vết thương tâm lý có lẽ sẽ mãi còn âm ỉ và liên tục xuất hiện, thậm chí trong từng bữa ăn.

Sự kiên cường giữa cuộc chiến

Mohammad Ahmed, phóng viên ảnh của Đài truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ (TRT) đang làm nhiệm vụ ở Gaza, đã từng đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết. Ahmed nhớ lại, mảnh đạn đã đâm vào chân anh sau cuộc tấn công của Israel vào một tòa nhà ở Jabalya, phía bắc Gaza, vào ngày 17/12.

Những đám mây bụi bay mù mịt, mọi người la hét điên cuồng. “Tôi bắt đầu hét lên rằng tôi đã bị thương. Không ai có thể nghe thấy tôi”, Ahmed nói. “Tôi nhìn thấy nhiều người nằm trên đường… nhiều mảnh xác chết nằm rải rác khắp nơi”, Mohammad Ahmed kể lại. Chiếc áo chống đạn đã giúp anh tránh được mảnh đạn găm vào bụng. Nhưng các bác sĩ không thể loại bỏ mảnh đạn găm vào đùi trên bên chân phải của anh.

Mariam Abu Dagga đi qua một con phố bị phá hủy ở Khan Younis, miền nam Gaza.

"Tôi đã phải chụp ảnh những đứa trẻ dưới đống đổ nát. Dù có cố gắng đến đâu, tôi cũng không thể diễn tả sự kiệt sức về mặt tâm lý bằng lời được…”

Mariam Abu Dagga, phóng viên ảnh của tờ
Independent Arabic.

Trong khi đó, kể từ tháng 10 năm ngoái, nữ phóng viên Mariam Abu Dagga đã dành hàng ngày ở Gaza để tự hỏi liệu đây có phải là ngày cuối cùng của cuộc đời cô hay không. Tuy nhiên, cô vẫn không rời đi, mặc dù đã đưa ra quyết định đau lòng là gửi cậu con trai 12 tuổi của mình đến sống với cha ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Abu Dagga nói rằng cô đã gửi con trai đi để đảm bảo an toàn cho cậu bé sau khi chụp ảnh những đứa trẻ thiệt mạng trong cuộc xung đột Israel và Hamas. Cô nói: "Tôi đã phải chụp ảnh những đứa trẻ dưới đống đổ nát. Dù có cố gắng đến đâu, tôi cũng không thể diễn tả sự kiệt sức về mặt tâm lý bằng lời được…”. Nó thực sự ám ảnh - nỗi ám ảnh có lẽ sẽ theo cô suốt những năm tháng sau này.

Cũng giống Abu Dagga, Nariman El-Mofty - nữ phóng viên ảnh người Ai Cập hai lần đạt giải Pulitzer - cũng từng là một phóng viên chiến trường. Yemen là cuộc chiến đầu tiên mà cô tham gia đưa tin.

Đối với El-Mofty, sản phẩm lớn đầu tiên trong sự nghiệp của cô có sự tham gia của hai phóng viên khác. Ba người họ đã đi khắp miền Nam Yemen, nơi trải qua sự tàn phá của cuộc chiến giữa chính phủ được quốc tế công nhận và phiến quân Houthi theo dòng Shiite.

Để trở thành một phóng viên chiến trường, Nariman El-Mofty phải trải qua những khóa huấn luyện đặc biệt.

Để trở thành một phóng viên chiến trường, Nariman El-Mofty phải trải qua những khóa huấn luyện đặc biệt.

Để trở thành một phóng viên chiến trường cần phải có năng lực thực sự, đó là một thể lực tốt và những kỹ năng xử lý tình huống tốt. “Tôi di chuyển chậm chạp mặc dù không mang theo bất kỳ chiếc máy ảnh nào”, El-Mofty nói về cuộc diễn tập mà cô đã trải qua trong khóa huấn luyện trong môi trường mô phỏng một vụ nổ lựu đạn cầm tay.

Sau đó, cô đã phải thực hiện các bài tập luyện thể lực nghiêm ngặt, bao gồm cả cử tạ, để có thể di chuyển dễ dàng và nhanh chóng trong khi chụp ảnh và mang theo 12 hoặc 15kg máy ảnh và thiết bị phục vụ khác trên lưng.

Nhiếp ảnh là lĩnh vực do nam giới thống trị, chụp ảnh tin tức về chiến tranh lại càng nói không với phụ nữ. El-Mofty đã làm mọi thứ có thể để vượt qua những trở ngại và thành công trong lĩnh vực này với phần thưởng là hai giải Pulitzer.

Tuy nhiên, điều mà cô không ngờ tới nhất là những khó khăn về thể chất cô đã có thể khắc phục được, nhưng những khó khăn về tâm lý thì thực sự như một "bóng ma" ám ảnh cô mãi sau này.

Những nỗi ám ảnh dai dẳng

"Mọi thứ đều là những cú sốc”, El-Mofty kể về chuyến đi đầu tiên của cô đến quốc gia bị chiến tranh tàn phá này vào năm 2018, "từ thương vong của dân thường vì bom đạn và trẻ em chết đói cho đến những binh lính trẻ em và những góa phụ phải tự lo cho bản thân".

“Cơn đói là điều rất xa lạ đối với tôi. Ở Yemen, việc chứng kiến những đứa trẻ chết đói trong im lặng là cú sốc lớn nhất đối với tôi”, El-Mofty, 35 tuổi, nhớ lại về nhiệm vụ ở Yemen từ năm 2018 đến năm 2020 đã giúp cô giành được giải Pulitzer đầu tiên.

Đối với Nariman El-Mofty, đưa tin về chiến tranh với cô là một cú sốc lớn.

Đối với Nariman El-Mofty, đưa tin về chiến tranh với cô là một cú sốc lớn.

“Không ai khóc hay la hét. Trẻ em thường có những hành động phản ứng hay khóc lóc để đảm bảo rằng mọi người đều biết nếu có điều gì đó làm chúng khó chịu. Tuy nhiên, ở đây, chứng kiến một đứa trẻ không phản ứng với bất cứ điều gì là điều khiến tôi rất sốc”.

Trẻ em trong chiến tranh là một nỗi ám ảnh đối với các phóng viên chiến trường. Phóng viên Mohammad Ahmed - cũng là một ông bố ba con - cho biết, anh bị dày vò khi liên tục phải ghi lại những cảnh chiến tranh, cho dù đó là những đứa trẻ kêu cứu từ dưới đống đổ nát hay những người Palestine bị thương tràn vào bệnh viện sau một cuộc tấn công. Mohammad Ahmed nói, đôi khi anh phải ngừng quay phim hay chụp ảnh để "bộc lộ cảm xúc của mình".

“Hình ảnh những đứa trẻ cứ hiện lên trong tâm trí tôi mỗi khi tôi ăn”, El-Mofty nói về việc chụp ảnh những đứa trẻ đang chết đói ở Yemen. “Nó chạm vào bạn và trở thành một phần cơ thể bạn, một ‘vết thương’ có thể sẽ đeo bám bạn cả đời”.

“Tôi cũng là một con người”, Ahmed nói. “Tôi sẽ ngừng quay phim và cố gắng tìm một nơi không có ai để khóc… Những hình ảnh này ám ảnh chúng tôi vô cùng vì họ cũng là con người như bất cứ ai trên thế giới này, những đứa trẻ này cũng giống như con của chúng tôi vậy”.

Đưa tin về chiến tranh là “ước mơ” của nhiều nhà báo, những người buộc phải chấp nhận rủi ro để đổi lấy cơ hội tạo dựng được tên tuổi cho mình. Trong hầu hết các trường hợp, như El-Mofty đã phát hiện, những thách thức mà họ gặp phải trong vùng chiến sự - an toàn cá nhân, nhu cầu sinh hoạt và giữ khoảng cách với các chiến binh - được thay thế bằng những thách thức khác khi họ hoàn thành nhiệm vụ và rời đi.

Một cậu bé ngồi trong một chiếc ô tô bị hư hỏng do cuộc xung đột diễn ra ở Mocha, Yemen. (Ảnh do Nariman El-Mofty chụp ngày 10/2/2018)

Một cậu bé ngồi trong một chiếc ô tô bị hư hỏng do cuộc xung đột diễn ra ở Mocha, Yemen. (Ảnh do Nariman El-Mofty chụp ngày 10/2/2018)

“Bạn sẽ phải rời đi với cảm giác tội lỗi. Nhưng bạn cần phải trưởng thành để đối diện với nó. Cần có thời gian để tách cuộc sống của một người khỏi công việc của họ. Tôi vẫn đang cố gắng để có thể làm được điều đó, nhưng nó thực sự khiến tôi mệt mỏi”, El-Mofty cho biết.

“Hình ảnh những đứa trẻ cứ hiện lên trong tâm trí tôi mỗi khi tôi ăn”, cô nói về việc chụp ảnh những đứa trẻ đang chết đói ở Yemen. “Nó chạm vào bạn và trở thành một phần cơ thể bạn, một ‘vết thương’ có thể sẽ đeo bám bạn cả đời”.

Tuy nhiên, “việc chụp ảnh chiến tranh khiến bạn đau đớn đến mức nào thì nó cũng khiến trái tim bạn rộng mở hơn như vậy. Nó đã thay đổi cách tôi nhìn nhận trẻ em, người già và các bà mẹ. Tôi đã trở nên nhẹ nhàng và bao dung hơn về nhiều mặt”, El-Mofty chia sẻ.

Hà Mai

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/phong-vien-chien-truong-va-nhung-vet-thuong-khong-the-lanh-437027.html