Phóng viên cần lưu ý gì khi đến làm việc với các cơ quan chức năng tại TP.HCM

'Trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm hoặc gây hiểu lầm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm thì có quyền gửi ý kiến phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản...'

Một buổi họp báo tại UBND TP.HCM

Một buổi họp báo tại UBND TP.HCM

Sở TT&TT TP.HCM cho biết vừa có văn bản gửi UBND quận, huyện, sở, ngành và các tổng công ty trực thuộc Ủy ban về hướng dẫn công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Theo đó, các đơn vị trên cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, đáp ứng đầy đủ yêu cầu chính đáng của các cơ quan báo chí theo đúng quy định hiện hành.

Đặc biệt là đối với những sự việc thu hút sự quan tâm, theo dõi của dư luận xã hội, phải thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ngay khi sự việc xảy ra và thường xuyên trong quá trình xử lý sự việc để kịp thời định hướng dư luận và ổn định tình hình.

Khi nhận được đề nghị làm việc của phóng viên, các đơn vị cần đề nghị xuất trình Thẻ nhà báo hợp lệ. Trường hợp phóng viên không có Thẻ nhà báo thì đề nghị xuất trình Giấy giới thiệu (bản gốc) ghi nội dung làm việc cụ thể, kèm giấy tờ tùy thân.

Nếu phóng viên không xuất trình được một trong các giấy tờ nêu trên, các cơ quan, tổ chức có quyền từ chối đề nghị làm việc.

Ngoài ra khi làm việc, các đơn vị cần thông báo việc ghi âm, ghi hình toàn bộ buổi làm việc giữa người phát ngôn của cơ quan, tổ chức với phóng viên. Đồng thời các đơn vị cần sao chụp lại Thẻ nhà báo hoặc Giấy giới thiệu; phiếu yêu cầu phỏng vấn hoặc cung cấp thông tin (nếu có); dự thảo bài phỏng vấn… để lưu hồ sơ công việc.

Trong trường hợp chưa có thông tin đầy đủ và chính xác để cung cấp, người có thẩm quyền phát ngôn và cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức sắp xếp lịch hẹn chính xác để cung cấp thông tin (cần đảm bảo tính kịp thời).

Đặc biệt Sở lưu ý các đơn vị đề cao cảnh giác đối với hành vi giả mạo phóng viên báo chí, lợi dụng danh nghĩa phóng viên báo chí để trục lợi. Nếu có nghi vấn, cần báo cho Sở Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan Công an sở tại.

Với những thông tin báo chí đăng tải chưa chính xác, các đơn vị cần có văn bản yêu cầu đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định pháp luật.

Trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm hoặc gây hiểu lầm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm thì có quyền gửi ý kiến phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và Sở Thông tin và Truyền thông hoặc khởi kiện tại tòa án.

Sở cũng đề nghị các cơ quan báo chí rà soát và chấn chỉnh việc cấp các loại giấy tờ, thẻ cho phóng viên, cộng tác viên, tuyệt đối không cấp các loại giấy tờ, thẻ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo và không cấp Giấy giới thiệu cho cộng tác viên, nhân viên quảng cáo nhưng ghi chức danh là “phóng viên”.

Phong Vũ

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/phong-vien-can-luu-y-gi-khi-den-lam-viec-voi-cac-co-quan-chuc-nang-tai-tphcm-post318943.info