Phóng viên 9X đoạt nhiều giải thưởng… 'khủng'

25 năm tuổi đời, 3 năm tuổi nghề, phóng viên Nguyễn Huyên - Báo Lao động thực sự gây ấn tượng bởi vẻ ngoài năng động, trẻ trung, xinh đẹp và nụ cười rạng rỡ. Với niềm 'say' nghề, sự dấn thân trong công việc cùng ngòi bút sắc sảo, linh hoạt, nữ phóng viên 9X đã khiến nhiều đồng nghiệp 'tâm phục, khẩu phục' bởi 'bộ sưu tập' giải báo chí đáng mơ ước...

Phóng viên Nguyễn Huyên tặng quà cho các em nhỏ trong một chuyến đi tình nguyện tại Vân Hồ, Sơn La vào cuối năm 2017. Ảnh: NVCC

Cô sinh viên năng động

Sinh năm 1993, trong gia đình thuần nông ở quê lúa Thái Bình, Nguyễn Huyên đến với nghề báo thật ngẫu nhiên, như một "duyên nợ". “Gia đình không có điều kiện, sẵn chị gái đang học Trường Đại học (ĐH) Khoa học Thái Nguyên, tôi quyết định chọn học Khoa Báo chí cùng ĐH với chị để tiết kiệm chi phí”.

Ngày ấy, học báo chí đang “hot” nhưng ngành Báo chí - nơi Huyên theo đuổi ước mơ lại rất non trẻ. Huyên kể: Đó là khóa tuyển sinh đầu tiên của trường, cơ sở vật chất, đến chương trình học còn rất sơ khai, chúng tôi thực sự là… “chuột bạch”. Năm đầu tiên, thầy cô bộ môn hầu hết đều đang đi học thạc sĩ hoặc chuyển đổi ngành nên thầy trò cùng nhau học. Đây là khó khăn rất lớn, nhưng đó cũng chính là động lực để cô gái trẻ phấn đấu.

Trong tâm thức cô gái trẻ khi đó, nghề báo còn rất lạ lẫm: “Từ nhỏ đến lúc bước chân vào môi trường báo chí tôi chưa từng viết báo, sống ở nông thôn, nhà cũng không có điều kiện để tiếp xúc với báo chí nhiều". Nhưng, với sự nỗ lực của bản thân, chỉ thời gian ngắn làm “chuột bạch”, dưới sự hướng dẫn của thầy cô, Huyên cùng các bạn đã cho “ra lò” 1 ấn phẩm báo chí thực sự, đó là tờ nội san, phát hành mỗi tháng 1 số.

Có đất "dụng võ”, từ đây những tác phẩm báo chí của cô sinh viên trẻ liên tục “ra lò”. Bên cạnh đó, Huyên còn tham gia viết bài cho website của trường, rồi làm cộng tác viên với các báo, tham gia cuộc thi sinh viên viết báo…

Ngoài miệt mài học tập, Huyên còn dành thời gian tham gia nhiều hoạt động Đoàn và phong trào sinh viên. Kết quả học tập xuất sắc cùng với các hoạt động phong trào nổi trội, cô sinh viên năng động ấy nhanh chóng được thầy, cô, bạn bè tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Sinh viên của trường; Chủ tịch Câu lạc bộ Truyền thông của ĐH Thái Nguyên…

Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự rèn giũa bản thân, Huyên liên tục nhận được nhiều giải thưởng “danh giá” như: Giải thưởng Sao tháng Giêng, Danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương. Ngoài ra còn nhiều bằng khen, giấy khen cấp Trung ương, cấp tỉnh, ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên.

Rời giảng đường ĐH với tấm bằng đỏ trong tay, được cơ hội ở lại làm giảng viên, nhưng Huyên lại chọn cho mình con đường "chông gai" hơn - rời vùng núi Thái Nguyên “khăn gói” xuống Hà Nội hòa mình vào môi trường làm báo chuyên nghiệp...

Nhà báo…“nhập vai”

Chân ướt chân ráo về Thủ đô lập nghiệp, Báo Lao động là bến đỗ đầu tiên của Huyên.

Huyên chia sẻ: “Cơ duyên đến với tờ Lao động thật bất ngờ. Đầu năm 2015, biết Báo Lao động tuyển phóng viên, tôi đã “liều mình” nộp hồ sơ dự tuyển. Trong tổng số 133 hồ sơ, chỉ 9 người được chọn có lẽ chính vì tôi là người duy nhất từ vùng miền núi về Thủ đô thi tuyển và cũng đang là sinh viên"...

"Chính sự “khác người” ấy nên tôi được chọn vào top 9, và giờ là top 4 người trụ lại ở Báo Lao động đến thời điểm này" - Huyên tếu táo.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, cô phóng viên trẻ vẫn thấy "rùng mình", bởi đó cũng là thời gian phải gấp rút hoàn thành khóa luận tốt nghiệp. Điệp khúc 4 - 5 giờ sáng bắt xe xuống Hà Nội, 5 - 6 giờ chiều lại bắt xe ngược về Thái Nguyên để gặp giáo viên hướng dẫn làm khóa luận cứ lặp đi lặp lại như thế suốt 2 tháng trời.

Huyên chia sẻ: Từ một cô sinh viên ở vùng núi Thái Nguyên, xuống Hà Nội, khó khăn nhất với tôi lúc đó không phải là công việc mới ở tòa soạn mà là... đường đi. Thời gian làm việc buổi sáng thường bắt đầu lúc 8 giờ nhưng hôm nào tôi cũng phải ra khỏi nhà từ 6 giờ để tìm các địa điểm họp báo vì sợ… lạc.

Tuy nhiên, khó khăn lại một lần nữa đè nặng lên vai cô gái trẻ khi hết thời gian thử việc Huyên không vượt qua được thử thách.

"Bại không nản", Huyên viết đơn rồi gặp trực tiếp Tổng Biên tập để xin được ở lại làm cộng tác viên của Báo mặc dù đây cũng là khoảng thời gian cô nhận được rất nhiều lời mời làm việc từ các cơ quan báo chí khác.

Là con gái, nhưng nữ phóng viên trẻ lại chọn cho mình hướng đi nhiều "chông gai". Cô dấn thân vào mảng điều tra và đã thực hiện nhiều đề tài nguy hiểm. Huyên kể, “có lần tôi đóng vai là vợ của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đi đến… lò võ để thực hiện phóng sự điều tra. Trước khi đi, 2 anh em xác định chỉ cần 1 sơ sẩy nhỏ là khó có thể ra được cửa. Nhưng, cuối cùng, may mắn là vẫn... an toàn”.

Rồi có lần, cô gái ấy lại cả gan một mình "nhập vai" làm bác sĩ để tư vấn bán thuốc tại một công ty có dấu hiệu làm ăn gian dối. Đến ngày thứ 2 thì bị phát hiện. Lúc ấy, nhờ nhanh trí, cô đã nhanh chân dời đi nếu không thì không biết hậu quả sẽ như thế nào?

Bén “duyên” với giải thưởng

3 năm gắn bó với nghề, có nhiều lần cô gái trẻ đã phải “cân lên đặt xuống”: Viết hay không viết? Huyên nhớ nhất tác phẩm “để đời” đầu tiên của mình. Đó là loạt bài về trường hợp em học sinh lớp 7 ở Thái Nguyên bị bạn bè trong lớp bạo hành suốt gần 2 năm với những hành vi dã man như cả nhóm xúm lại đập ghế, ném chổi, ngồi lên đầu... nhưng nhà trường lại không hề hay biết.

Khi viết bài này, Huyên đã trăn trở rất nhiều. Làm thế nào để bảo vệ được nhân vật? Làm sao để người cung cấp thông tin được an toàn? Những câu hỏi ấy khiến Huyên đắn đo, nhưng rồi cô phóng viên trẻ vẫn quyết định đưa sự việc ra ánh sáng với suy nghĩ nếu mình không lên tiếng thì sự thật lại tiếp tục bị rơi vào im lặng.

Sau loạt bài, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc, lẽ phải được bảo vệ. Em học sinh bị bạo hành có gia cảnh rất đáng thương bố mẹ đi biệt tích, ở nhà với ông bà già yếu, ông bị tai biến, bà bị ung thư. Thương hoàn cảnh của em, Huyên lại đi tìm người tài trợ để em được khám chữa bệnh.

Nỗ lực của Huyên đã có ngày ra "trái ngọt", loạt bài của cô đoạt giải tác phẩm xuất sắc nhất tuần của Báo Lao động. Mặc dù giải thưởng nhỏ, nhưng đem lại niềm vui lớn cho cô phóng viên trẻ. Đây là “liều thuốc bổ” tinh thần để Huyên tiếp tục “say” với nghề.

Huyên tâm sự: Với mỗi tác phẩm báo chí tôi luôn ép mình phải đi tới tận cùng của lẽ phải và sự thật. Có lẽ chính sự ép mình ấy mà những bài báo của Huyên đã tạo ra tiếng vang. Có thể kể đến như loạt bài mới đây về điều tra kinh tế “Phù phép hiệp hội gas “chui” thành chính thức”; “Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh “bắt tay” hiệp hội thao túng thị trường gas”…

3 năm làm báo, tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, nhưng nữ phóng viên thế hệ 9X đã sở hữu trong tay “tài sản” vô giá: Giải B Báo chí viết về môi trường (đồng tác giả); 3 giải báo chí viết về trẻ em trong đó 1 giải Nhất cá nhân, 2 giải đồng tác giả.

Trước câu hỏi khá bất ngờ sau này khi “chạy” đã “chùn chân mỏi gối”, bạn có ý định chuyển sang nghề nhàn hạ hơn? Phóng viên trẻ không chút suy nghĩ: “Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ rời nghề báo. Nếu có 1 lý do nào đó từ phía gia đình tôi có thể không làm phóng viên nữa, nhưng chắc chắn nghề tôi chọn vẫn sẽ là công việc liên quan đến báo chí, như là giảng viên báo chí chẳng hạn bởi khi ấy tôi vẫn có thể truyền “lửa” đam mê đến cho các bạn sinh viên…

+ Bút danh: Huyên Nguyễn, Tuệ Nhi, Khả Hân

+ Tình trạng hôn nhân: Độc thân

+ Sở thích: Học (đang theo học thạc sĩ báo chí tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội)

+ Sợ nhất: Chuột

+ Những lúc rảnh rỗi: “Chém gió” với bạn bè, đồng nghiệp

+ Năng khiếu: Làm thơ, ca hát

+ Tiêu chuẩn chọn bạn đời: Hơn 5 - 6 tuổi, hiểu và chia sẻ với công việc, nói “không” với nhà báo nam (cười)

+ Khi gặp khó khăn: Tự mình giải quyết

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/phong-vien-9x-doat-nhieu-giai-thuong-khung_t114c1159n135168