Phong vị tết Việt: Quất thế đắt khách Tết Tân Sửu

Tết Tân Sửu, người chơi quất ở Hà Nội chuộng những chậu, chum cỡ vừa, cây được uốn, tỉa tỉ mỉ theo dạng bonsai chứ không thích cây to đơn thuần nữa.

 Cây quất hơn 40 năm tuổi trong vườn ông Hoàng Văn Luận chỉ cho thuê chứ không bán. Ảnh: Tùng Đinh.

Cây quất hơn 40 năm tuổi trong vườn ông Hoàng Văn Luận chỉ cho thuê chứ không bán. Ảnh: Tùng Đinh.

Đắt vẫn chơi

Dù chưa qua Tết ông Táo nhưng thị trường quất cảnh chơi Tết Tân Sửu tại Hà Nội đã nhộn nhịp, nhất ở ở làng quất Tứ Liên nổi tiếng. Những người bán hàng tại đây cho biết, phân nửa số quất cảnh phục vụ Tết năm nay đã được mua hoặc đặt trước, phần còn lại dự kiến sẽ bán hết trong khoảng 2 tuần trước năm mới Tân Sửu.

Khảo sát của phóng viên NNVN cho thấy, năm nay người chơi chú trọng đến hình dáng độc lạ của quất cảnh, chứ không còn thích những cây to, thẳng, tỉa dáng chóp nhọn truyền thống nữa.

Tại làng quất Tứ Liên, đa phần cây được uốn tỉa vào những chum, chậu cỡ vừa, tạo dáng bonsai. Ngoài ra, còn có những tác phẩm độc đáo như quất trên chậu trâu vàng, quất ghép gỗ lũa, quất ghép gốc đào…

Giá của những chậu quất bonsai đều từ 1 triệu đồng trở lên, tùy theo kích thước chậu. Những cây quất cưỡi trâu có giá từ 2-7 triệu đồng, đặc biệt có những cây được uốn, tỉa công phu đựng vào am lớn không khác gì tiểu cảnh thì giá lên đến 20-30 triệu đồng.

Với những gốc quất tuổi đời lên đến hàng chục năm thì các nhà vườn chỉ cho thuê chơi Tết với giá khoảng trên dưới 10 triệu đồng chứ không bán. Số tiền này có thể nói là đắt so với mặt bằng chung cây cảnh chơi Tết, tuy nhiên vẫn không hiếm người chơi.

Theo anh Hoàng Văn Luận, chủ vườn Hoàng Luận, năm nay mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng lượng người đi mua quất sớm vẫn đông, các cây quất uốn theo gỗ lũa của anh có giá bán không rẻ nhưng cũng đã hết.

“Những gốc quất đẹp được bán với giá từ 5-7 triệu cũng có hay 10-20 triệu cũng có, tùy theo kích thước của cây. Đến nay, vườn đã tiêu thụ được khoảng trên 70% trong số hơn 1.000 gốc quất phục vụ Tết Tân Sửu”, anh Luận cho biết.

Tương tự, anh Đinh Văn Vượng, chủ nhà vườn Đinh Vượng vừa đạt giải 3 trong Hội thi cây cảnh của làng nghề Tứ Liên cũng cho biết già nửa số quất trong vườn đã có chủ. Tuy nhiên, họ vẫn gửi ở vườn để chăm sóc, gần Tết mới đem về trưng.

Theo các chủ vườn ở Tứ Liên, lượng khách mua sớm nói trên đa số là khách quen, đặt hàng từ nhiều năm nên từ tháng 11 dương lịch đã đến xem và chọn. Những cây được chọn sẽ gắn thẻ, ghi tên, địa chỉ, số điện thoại của người mua và ngày giao, đến hẹn chỉ cần chuyển thẳng cho khách hàng.

Quất cưỡi trâu vàng là sản phẩm độc đáo cho Tết Tân Sửu của làng Tứ Liên. Ảnh: Tùng Đinh.

Kỳ công

Các nghệ nhân ở làng quất cảnh Tứ Liên cho biết, muốn có cây chơi vào Tết năm nay thì phải chuẩn bị ít nhất là từ 1 năm trước. Khác với quất truyền thống, trồng thẳng xuống đất đến mùa đánh vào chậu đem bán, quất thế phải trải qua quá trình uốn, bẻ, tỉa phức tạp, kéo dài.

Chị Ngô Thu Trang, chủ vườn quất Xuân Lộc cho biết, để làm ra một cây quất thế đẹp thì phải kỹ từ khâu chọn cây. Chậu hình con giáp thường được thiết kế nhỏ gọn nên cây chọn đưa vào cũng phải chọn kỹ để có kích cỡ phù hợp, cân đối, không là vỡ chậu.

“Mỗi cây quất trước khi cho ra quả chơi tết thì phải được nuôi cấy trong chậu ít nhất 1 - 2 năm, cây càng già, càng đẹp càng có giá. Trong quá trình nuôi cây, người trồng phải tính toán kỹ từ lượng phân, nước đưa vào chậu để cây ăn đủ dinh dưỡng, quả to, căng và đẹp mã”, chị Trang nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những cây quất phôi được trồng dưới đất cho đến khi đạt chiều cao từ 20-30 cm thì sẽ được chọn để đánh lên chậu, chum. Sau đó, tùy theo hình dáng, kích thước của chậu để tạo dáng, uốn cành. Quá trình này không phải ai cũng làm được, chỉ những người có mắt thẩm mỹ, hiểu về cây thì mới có thể đưa quất vào dáng.

Các nghệ nhân ở Tứ Liên chăm sóc quất cảnh phục vụ Tết Tân Sửu. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo quan điểm truyền thống, quất đẹp phải có tổng thể hài hòa, bố cục mạch lạc, tính thẩm mỹ sáng tạo, cây lâu năm tạo nên sự hoàn mỹ, thân thu nhỏ dần từ gốc lên ngọn, cung đoạn mềm mại, nhịp nhàng phô trương vẻ đẹp gốc và thân, rễ trải đều tạo thành bệ gốc vững chãi, thể hiện sức sống bền vững hài hòa với dáng. Ngoài ra, còn tiêu chí hoa, lá, quả, lộc, cây phải tươi tốt, tự nhiên, có đầy đủ quả chín, quả xanh, hoa, lộc.

Năm nay, theo anh Đinh Văn Vượng, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp khiến người trồng quất phải xoay xở theo và chất lượng cũng không được như mong muốn. “Năm nay ít mưa nên lộc và quả không được đẹp như mọi năm. Trong vườn nhà tôi, có tổng hơn 400 gốc quất nhưng chỉ khoảng 70% là đẹp như mong muốn”, chủ nhà vườn Đinh Vượng chia sẻ thêm.

Tùng Đinh - Quang Dũng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/phong-vi-tet-viet-quat-the-dat-khach-tet-tan-suu-d282598.html