Phong vị Tết Đoan ngọ Hà thành

Theo dân gian, Tết Đoan ngọ được ấn định vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm.

Mặc dù người dân thường cúng vào sáng sớm nhưng Tết Đoan Ngọ được khai mở vào giờ chính ngọ (12 giờ trưa) bởi lẽ, “Đoan” là mở đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11g đến 13g. Ngày Tết Đoan Ngọ có nhiều phong tục độc đáo như nhuộm móng chân, móng tay, hái lá thuốc, khảo cây... Nhưng có lẽ, đặc biệt nhất là mâm cỗ cúng gia tiên trong ngày này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trên mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ nhất định phải có món rượu nếp. Trước đó vài ngày, các bà các mẹ đã tính ngày ủ rượu nếp với nhiều bước thật cầu kỳ trong chọn gạo nếp, chọn men rượu... Tôi còn nhớ, mẹ tôi thường bọc cơm rượu vào lá sen Tây Hồ nên rượu nếp như được hòa quyện tinh túy của đất trời mùa hạ.

Năm nào cũng vậy, các bà các mẹ sắp mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ với tất cả tình cảm yêu thương dành cho mọi thành viên trong gia đình. Trên mâm khi nào cũng có rượu nếp trắng và rượu nếp cẩm với hạt nếp căng mọng tỏa ra hương thơm ngòn ngọt, cay cay. Những chiếc bánh tro deo dẻo, trong như thạch, vàng óng được tưới mật mía sóng sánh thật đẹp mắt. Mùa này, hoa quả có nhiều loại nhưng nhất định phải có quả vải, quả mận và dưa hấu.

Đặc biệt, mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ của người Hà thành còn có thêm bánh trôi, bánh chay và dăm chén trà ướp sen xổi Tây Hồ. Trên ban thờ, bên cạnh mâm cỗ cúng là những đóa sen mùa hạ khoe sắc trong làn khói hương trầm bảng lảng ngan ngát thơm. Cả không gian thấm đẫm hương sắc mùa hạ đất Hà thành.

Tết Đoan Ngọ còn được dân gian gọi là “Tết diệt sâu bọ”. Theo truyền thuyết, có một năm, nông dân vui mừng vì trúng mùa nhưng bỗng sâu bọ ùn ùn kéo tới dày đặc ăn hết trái cây thực phẩm. Trong khi người dân đang hoang mang lo sợ, có một ông lão xuất hiện, tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng cách lập đàn cúng gồm cơm rượu, trái cây, bánh tro... và đứng trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo lời ông. Thật kỳ lạ, sâu bọ sợ hãi, lập tức bỏ đi. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng gọi ngày mồng 5 tháng 5 là “Tết diệt sâu bọ”.

Có lẽ, bắt nguồn từ quan niệm Tết Đoan Ngọ cũng là ngày Tết diệt sâu bọ, các bà các mẹ thường gọi con dậy sớm, cho thụ lộc rượu nếp và các loại hoa quả. Theo dân gian, rượu nếp có vị cay, nóng kết hợp cùng quả chua có thể diệt giun sán, ký sinh trùng trong cơ thể. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác thú vị khi đang còn ngái ngủ đã được mẹ mang bát rượu nếp và vài quả mận, quả vải vào tận giường cho ăn để “diệt sâu bọ”. Hình ảnh thân thương đó mãi lưu dấu trong ngăn ký ức ngọt ngào tuổi thơ tôi.

Thời gian trôi, cuộc sống đã có nhiều biến đổi, nhưng phong vị độc đáo của ngày Tết Đoan Ngọ vẫn mãi lưu truyền trong dân gian. Mong lắm, những phong tục cổ truyền lấp lánh sắc màu cổ tích được nối dài theo năm tháng cùng vẻ đẹp huyền diệu lung linh được dệt nên từ sự gắn kết của tình thân trong mỗi gia đình.

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phong-vi-tet-doan-ngo-ha-thanh-243972.html