Phòng vệ thương mại

Chỉ 9 tháng của năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra 32 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM), tăng gấp đôi so với cả năm 2019. Như vậy, tính đến hết tháng 9-2020, Việt Nam đã ghi nhận gần 200 vụ việc PVTM với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD.

Theo Bộ Công thương, các biện pháp PVTM, bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được áp dụng rất phổ biến trong thương mại quốc tế. Các biện pháp này được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) cho phép sử dụng để hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước, nhằm bảo vệ và đảm bảo điều kiện cạnh tranh công bằng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

PVTM đang tác động tới khoảng 1.500 tỷ USD kim ngạch thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, các công cụ về PVTM là nội dung tương đối mới với các doanh nghiệp. Thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, thậm chí “thờ ơ” về các công cụ và biện pháp PVTM. Vì vậy, cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng, thì các vụ việc PVTM với hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng cả về số lượng và quy mô.

Đa số hàng hóa bị điều tra PVTM là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như nhôm, thép, sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng, hóa chất,... Ngoài các thị trường thường xuyên điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Australia, gần đây các nước ASEAN cũng rất tích cực điều tra PVTM.

Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia chỉ ra, không chỉ thiếu hiểu biết các quy định về PVTM của các nước nhập khẩu, các doanh nghiệp chưa xác định rằng, các công cụ và biện pháp PVTM là những rào cản mà doanh nghiệp có thể phải gặp trong quá trình xuất khẩu để có các phương án dự phòng, ứng phó trong trường hợp gặp phải.

Tuy nhiên, Bộ Công thương khẳng định, đã đẩy mạnh một cách toàn diện công tác hỗ trợ các ngành sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các biện pháp PVTM như: cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ; khuyến nghị doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xử lý vụ việc; cung cấp thông tin kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; hướng dẫn, tư vấn các vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho doanh nghiệp...

Ngoài ra, Việt Nam đã kháng kiện thành công (không áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp PVTM) đối với 65/151 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỷ lệ khoảng 43%.

Rõ ràng, trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, nhằm khai thác hiệu quả, bền vững các FTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Việc ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu đòi hỏi sự tích cực, chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Một trong những yếu tố để các doanh nghiệp có thể giảm thiểu được các tác động PVTM là phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước; xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; coi PVTM là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM; tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong quá trình xử lý vụ việc.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phong-ve-thuong-mai-post434162.html