Phỏng vấn một khoản nợ

Thưa anh, chia đổ đồng, mỗi người dân xứ mình phải gánh khoản nợ công trong năm 2018 dự tính lên tới 35 triệu đồng. Mắc nợ nhiều là khổ hay sướng?

- Khổ thấy mồ tổ chớ sướng gì. Vốn ODA là viết tắt của tiếng Anh, nghĩa là một hình thức đầu tư nước ngoài với danh nghĩa “hỗ trợ phát triển chính thức”. Vay ODA lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài. Nhưng nợ là nợ, phải è cổ ra làm để trả chớ đâu ai cho không. Trả nợ càng lâu hết thì cả nền kinh tế lẫn người dân càng dễ… hết pin!

- Nhiều chuyên gia cho rằng việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA ở xứ mình là không hiệu quả. Vậy tại sao nó lại không hiệu quả để gánh nợ ngày càng bự chảng?

- Phương thức vay ODA ở xứ mình là Chính phủ đứng ra bảo lãnh, đi vay rồi cấp phát cho các địa phương. Được cấp phát mà không phải lo trả gốc lẫn lãi, nên nhiều địa phương hỉ hả với khoản tiền miễn phí. Từ đó, xảy ra phong trào chế tạo dự án với mục đích chính là chia chác, lại quả. Thói quen vẽ dự án để vặt đã tạo nên lỗ hổng ngay từ cái gốc, lấy đâu ra hiệu quả đầu tư.

- Vậy cứ quy trách nhiệm sát rạt là đâu vô đó thôi?

- Trách nhiệm trước giờ đều thuộc về tập thể. Khi người đứng đầu nơi quản lý, sử dụng vốn bậy bạ vẫn vô can, quy trách nhiệm kiểu vậy chỉ là gãi ngứa!

TƯ QUÉO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phong-van-mot-khoan-no-539997.html