Phỏng vấn Kim Dung (phần 2)

Phóng viên (PV): Thưa ông, lần trước chúng ta đã bàn về việc xuất hiện những giang hồ xấu trên mạng và hệ lụy của chúng, với tư cách là một tác giả cha đẻ của nhiều nhân vật giang hồ, ông suy nghĩ thế nào?

Phỏng vấn Kim Dung

Kim Dung: Đầu tiên, như tôi đã từng nói, hình tượng giang hồ luôn luôn có một tính hấp dẫn rất đặc biệt và xã hội thay vì lên án và tẩy chay, đáng ra phải biết lợi dụng sự hấp dẫn đó một cách khôn ngoan và có lợi nhất cho mình.

PV: Lợi dụng?

Kim Dung: Đúng thế. Trước khi trách những bạn trẻ thần tượng nhân vật lôm côm như Khá Bảnh chẳng hạn, đáng ra phải trách tại sao các nhà văn, các nhà đạo diễn của mình không đưa ra được những mẫu giang hồ tử tế, khiến bọn trẻ say mê.

Minh họa: Lê Tâm.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Ví dụ?

Kim Dung: Trên thế giới đã có không biết bao nhiêu nhân vật siêu anh hùng cả trăm năm nay, từ Lucky Luke tới Người Nhện, Người Dơi hoặc siêu nhân cả nữ lẫn nam. Ai lớn lên mà không biết.

PV: Ừ nhỉ. Những nhân vật ấy đã được cả người lớn đến trẻ con từ 7 tuổi đến 77 tuổi trên toàn cầu coi là hình tượng.

Kim Dung: Từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, các nhà văn hóa, nói không ngoa, đã sáng tạo ra một "vũ trụ giang hồ" toàn những nhân vật đẹp trai, giỏi võ, vừa bắn súng vừa phi ngựa, vừa trừng trị sự bất công giỏi hơn Khá Bảnh gấp… tỷ lần, đúng không nhà báo?

PV: Đúng.

Kim Dung: Vậy mà Việt Nam không có. Nếu trẻ con Trung Quốc thần tượng Tôn Ngộ Không, trẻ con Mỹ thần tượng Người Sắt thì trẻ con Việt Nam thần tượng ai nào?

PV: Để tôi nghĩ đã: Chắc chỉ có Thạch Sanh hay Lục Vân Tiên.

Kim Dung: Lục Vân Tiên và Thạch Sanh chưa phải giang hồ, chưa đủ sự "phiêu" khiến lớp trẻ hiện đại say mê.

PV: Quả đúng vậy.

Kim Dung: Do đó, trước khi trách thanh niên khoái Khá Bảnh, người lớn phải tự trách mình đã không tạo ra được, ngay cả trong tưởng tượng, những nhân vật Khá "Bảnh" hơn.

PV: Đồng ý với ông.

Kim Dung: Hãy thẳng thắn nhìn vào thực tế: Âm nhạc đa số là bolero ủy mị. Văn học đa số là chuyện ngôn tình. Điện ảnh đa số là phim hài nhảm. Cho nên lớp trẻ mới loay hoay, mới đi lùng sục những thần tượng của chúng… trên các kênh Youtube.

PV: Thế là thảm họa xảy ra.

Kim Dung: Nhu cầu tìm kiếm người thủ lĩnh, tìm kiếm một hình tượng để gửi gắm sự mạnh mẽ, thậm chí sự "nổi loạn" của lớp trẻ là có thực, và đấy phải được coi là nhu cầu chính đáng.

PV: Đúng.

Kim Dung: Cách đây mấy chục năm, khi cuộc sống còn rất khó khăn, và chiến tranh còn diễn ra, thì lớp trẻ luôn luôn có các gương anh hùng để bắt chước. Hồi đó Khá Bảnh hay bất cứ Khá nào cũng làm gì có cửa.

PV: Chính xác.

Kim Dung: Còn hôm nay, người lớn không làm được, không xây dựng được những nhân vật có tính thuyết phục cao như thế nữa, đấy là lỗi tại họ trước hết, chứ đừng nghĩ trẻ con ngu ngốc vội.

PV: Tôi hiểu ý ông rồi.

Kim Dung: Cho nên tôi nghĩ, việc xuất hiện Khá Bảnh, việc anh ta được một lớp trẻ sùng bái thật ra có mặt tốt của nó, đó là khiến xã hội giật mình nhìn lại. Ai phải chịu trách nhiệm cho ra đời một Khá Bảnh xấu thì đã rõ, nhưng ai phải chịu trách nhiệm khi không có những Khá Bảnh tốt thì chưa tìm ra.

PV: Việt Nam không có thể có một Kim Dung, không thể có một "Tiếu Ngạo Giang Hồ".

Kim Dung: Tất nhiên. Nhưng văn hóa Việt Nam phải tạo ra, phải làm cho sâu sắc, làm cho thuyết phục, và làm cho hấp dẫn những giang hồ tử tế mang tính cách của Việt Nam.

PV: Tôi hiểu rồi. Cuộc đời không phải chỉ cần cơm ăn áo mặc, mà cần có cả siêu nhân.

Kim Dung: Không dễ đâu, muốn tạo ra anh hùng trong nghệ thuật, phải có sự anh hùng trong suy nghĩ, đấy là điều không dễ chút nào.

Lê Thị Liên Hoan

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/phong-van-kim-dung-543869/