Phỏng vấn Hoa ban

Phóng viên (PV): Thưa chị, nhiều nhà văn nhà thơ đã ca ngợi vẻ đẹp của Hoa Ban từ rất lâu. Vậy nét đẹp riêng của chị là gì ạ?

Hoa Ban: Nhiều lắm nhà báo thân mến. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là Hoa Ban đẹp không giống hoa Đào cũng không giống hoa Mai.

PV: A, đúng vậy. Nghĩa là theo ý chị, Hoa Ban phải có sự khác biệt thật độc đáo với các loại hoa khác?

Hoa Ban: Vâng. Chẳng có ai nghi ngờ về điều đó, nếu thật sự họ là nhà văn hóa.

Minh họa: Lê Tâm

Minh họa: Lê Tâm

PV: Vâng, chị ơi. Nhưng tiếc rằng chung quanh chúng ta không toàn nhà văn hóa mà còn những nhà khác kiểu như nhà kinh tế, nhà khoa học, nhà buôn và nhà... đủ thứ!

Hoa Ban: Ý nhà báo là sao?

PV: Ý tôi là vừa rồi có dịp đi Sa Pa, một vùng đất vô cùng nổi tiếng của miền Bắc nước ta. Vùng đất ấy Hoa Ban nở rất nhiều.

Hoa Ban: Vâng, nổi tiếng vô cùng về thiên nhiên, về con người, về khí hậu. Có thể nói không ai ở Việt Nam mà không đến Sa Pa một lần.

PV: Thậm chí nhiều lần.

Hoa Ban: Rõ ràng thế. Nhưng nhà báo kể tiếp đi. Chắc chắn phải có gì khiến anh đến gặp tôi chứ?

PV: Tôi lên Sa Pa. Và tôi vô cùng kinh ngạc, vô cùng mừng rỡ, vô cùng đau xót và vô cùng ngạc nhiên khi thấy Sa Pa đang giống... Paris.

Hoa Ban: Paris? Nói đùa hay thật đấy?

PV: Thật. Paris có bụi đời thì Sa Pa cũng có. Paris có quán rượu thì Sa Pa cũng có, Paris có ăn xin, Sa Pa cũng có. Tại đường phố trung tâm Sa Pa, đèn màu thắp sáng rực rỡ, nhấp nháy rộn ràng. Các hàng ăn sang trọng kín mọi nẻo đường với rất nhiều biển hiệu tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và cả tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Hoa Ban: Ái Chà, thế còn con người.

PV: Con người bản xứ hoặc giả bản xứ ăn mặc lóng lánh, trang phục như đêm dạ hội và đứng chờ du khách ở các ngã tư. Tay lăm lăm những đồ lưu niệm.

Hoa Ban: Nghĩa là Sa Pa lộng lẫy, Sa Pa hiện đại, Sa Pa giàu có và...Sa Pa không giống Sa Pa.

PV: Vâng. Sa Pa không hề giống Sa Pa như chúng ta suy nghĩ từ cả trăm năm. Đây là Sa Pa 10X và Sa Pa 5G.

Hoa Ban: Tốt chứ sao!

PV: Nghĩ theo một cách nào đó thì cũng tốt. Nhưng nghĩ theo một cách nào đó...

Hoa Ban: Thì thế nào?

PV: Thì như một câu thơ ngậm ngùi:

"Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều".

Hoa Ban: Khoan đã. Đầu tiên, xin hỏi nhà báo, hương đồng nội có quan trọng không?

PV: Trả lời thế nào nhỉ? Nó quan trọng với người này và chả đáng chút gì với người kia. Tùy theo...

Hoa Ban: Tùy theo cái gì?

PV: Tùy theo văn hóa của mỗi cá nhân.

Hoa Ban: Vậy xin hỏi thẳng nhà báo, trong xã hội chúng ta hiện nay, văn hóa có phải là thứ đứng đầu không?

PV: Không. Ít nhất văn hóa xếp sau hai thứ: Kinh tế và Khoa học!

Hoa Ban: Mà ở đâu có kinh tế thì ở đó có thực dụng? Đúng không nào?

PV: Đành phải đúng.

Hoa Ban: Tôi biết rất, rất nhiều người kêu ca than phiền, khi tới Sa Pa hay Đà Lạt, những nơi trong sáng hồn nhiên tuyệt diệu được lưu giữ cả trăm năm nay đã khác xưa.

PV: Khác một cách lòe loẹt và xôi thịt.

Hoa Ban: Đồng ý. Tất cả những thứ đó đều xuất phát từ sự nôn nóng có tiền.

PV: Phản đối. Tôi tin rằng nếu Sa Pa vẫn giữ được nét đẹp của hàng chục năm về trước thì khách du lịch còn đông hơn và người dân có tiền hơn.

Hoa Ban: Rất chính xác. Nhưng ai chỉ cho đồng bào dân tộc cách làm đó? Ai?

PV: Tôi không biết.

Lê Thị Liên Hoan

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/phong-van-hoa-ban-626469/