Phỏng vấn con giun

Phóng viên (PV): Ông giun ơi, ông làm gì thế?

Giun: À, tôi làm cái việc mà tôi giỏi nhất, đó là oằn oại.

PV: Gớm, anh cứ đùa. Oằn oại không phải là một hành động vô tình, càng không phải làm cho vui. Oằn oại phải có lý do chứ?

Giun: Lý do đầy rẫy ra. Nhưng lý do to nhất là gần đây, tôi thấy bà con mình xôn xao, ầm ĩ, la hét vì sự cải tiến chữ viết của mấy ông giáo sư.

PV: Vâng. Chuyện đó cãi cọ khủng khiếp lắm.

Giun: Người ta gào thét lên, nhảy dựng lên. Người ta đưa ra hàng ngàn thứ lý luận. Người ta xúc phạm các ông giáo sư ấy và xúc phạm nhau.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Rất kinh. Thế bác Giun với tư cách của mình, bác nghĩ về vấn đề chữ viết thế nào?

Giun: Tôi nói thật nhé, nói thẳng nhé, tôi thấy chữ viết chả là cái quái gì mà cần quá quan tâm.

PV: A, chắc tại vì bác xưa nay nổi tiếng chữ viết xấu, cứ như giun bò.

Giun: Nói khí không phải, nếu nhà báo coi lại lịch sử, sẽ thấy rất nhiều nhà khoa học, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng viết chữ xấu. Còn xấu hơn cả tôi.

PV: À, Đúng. Tại sao thế nhỉ?

Giun: Tại không có thời gian, không dành công sức cho việc luyện cái tay. Họ tập trung cho cái đầu. Đầu họ nghĩ toàn những chuyện thiên tài, do vậy họ có viết chữ xấu tới đâu, xã hội vẫn hăng hái đọc.

PV: Nhưng lần này các bà con tranh luận không phải chuyện chữ xấu hay đẹp, mà là kiểu chữ, dáng chữ, hình thức chữ, cách đọc chữ.

Giun: Chữ viết, suy nghĩ tới tận cùng, chỉ là cái ký hiệu. Và có cải tiến tới đâu thì các giáo sư hay người thường cũng hiểu quá rõ một điều: Ký hiệu phải đủ khả năng truyền tải nội dung.

PV: Vâng.

Giun: Trên trái đất này có bao nhiêu dân tộc thì có bấy nhiêu kiểu chữ viết khác nhau. Nhiều kiểu dưới con mắt của chúng ta nhìn thì rất kỳ quái, Loằng ngoằng còn hơn giun. Nhưng những dân tộc đó vẫn có một nền văn hóa căn bản đáng kính trọng.

PV: Kính trọng vô cùng.

Giun: Thêm vào nữa, chữ viết, cũng như mọi thứ ở đời, đều phải phát triển, việc cải tiến chữ viết không những đáng trân trọng mà còn bắt buộc phải làm.

PV: Nhưng chả phải ai cũng làm được.

Giun: Đương nhiên thế. Nhưng trong chuyện cãi lộn ầm ĩ vừa qua, tôi không quan tâm và không có tư cách phán xét ai đúng, vì tôi không phải chuyên môn. Tuy nhiên, tôi cứ buồn bã nhìn thiên hạ nhảy xổ vào nhau và kinh ngạc nghĩ: Điều quan trọng đâu phải viết bằng kiểu chữ nào, mà viết cái gì!

PV: Viết cái gì?

Giun: Nếu như hàng triệu học sinh Việt Nam, bất ngờ từ ngày mai, đổi chữ viết và tìm ra một loại ký hiệu mới thì tôi có vui mừng không? Có! Nhưng chả hề nhiều. Bởi vì quan trọng nhất là các em viết về vấn đề gì kia.

Bạn viết một điều tầm thường, cũ rích bằng bất cứ loại chữ ra sao, cũng chỉ đáng vứt đi. Còn nếu bạn viết ra một chân lý mới, một nội dung sâu sắc, thì dù có viết bằng mật mã, cũng sẽ có cả ngàn người cố gắng đọc.

PV: Đồng ý hoàn toàn.

Giun: Cãi nhau về chữ viết dù có tìm ra điều chi, liệu thay đổi được bao nhiêu phần trăm cuộc sống? Phải cãi nhau về cái cần viết kia.

PV: Tôi hiểu ý anh rồi. Chúng ta cần tập trung công sức vào cải cách giáo dục.

Giun: Mà tất cả các cải cách giáo dục đều vô ích, đều ngớ ngẩn nếu chúng ta không xuất phát từ một phương châm giáo dục cơ bản: Đó là dạy cho học sinh tôn trọng sự thật.

PV: Tôn trọng sự thật?

Giun: Vâng. Có cải cách giáo khoa, cải cách phương pháp giảng dạy tới đâu đi nữa, mà lãng tránh nói về sự thật cũng là vô ích thôi.

Trẻ con ngay từ bé, cần được dạy dỗ nhìn bất cứ điều gì cũng phải chân thật. Đó là nguyên lý cơ bản nhất, cốt lõi nhất của khoa học.

PV: Tuyệt vời.

Giun: Trẻ con ngay từ bé đã được nhồi nhét những câu sáo rỗng, đã được đào tạo phải sống dập khuôn, đã muốn được điểm cao thì viết theo bài mẫu thì mọi thứ chữ viết, dù có tân kỳ nhất cũng không cứu được chúng.

Tôi cho rằng cải cách giáo dục không phải bắt đầu từ đâu cả. Nó chỉ cần bắt đầu bằng việc bỏ tất những gì giả dối trong việc đánh giá bạn bè, đánh giá thầy cô và đánh giá thế giới xung quanh. Mà trong thế kỷ 21 này, giả dối có bộ mặt rất đa dạng. Sự dập khuôn, sự vâng lời không có phản biện chính là những giả dối khổng lồ!

Lê Thị Liên Hoan

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/phong-van-con-giun-518610/