Phòng và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đúng cách

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh lý hô hấp thường gặp khiến cho người bệnh khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh sớm và tuân thủ các nguyên tắc điều trị, người bệnh có thể tránh được các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.

BS CKII Nguyễn Ngọc Khánh khám bệnh, tư vấn cho bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Ảnh: H.Dung

BS CKII Nguyễn Ngọc Khánh khám bệnh, tư vấn cho bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Ảnh: H.Dung

* Nhiều năm sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Ông Nguyễn Văn Vang (65 tuổi, ngụ xã Bàu Cạn, H.Long Thành) mới đây đến khám tại Phòng khám chuyên gia hô hấp của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành do 10 ngày gần đây ho, khạc đờm đục tăng lên. Ông Vang là người đã được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cách đây 8 năm.

Ông Vang cho hay, từ thời thanh niên, ông đã hút thuốc lá, ban đầu từ hút ít sau tăng lên dần. Cách đây 3 năm, do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính liên tục hành hạ, ông đã bỏ được thuốc lá vì lo sợ sức khỏe bị ảnh hưởng nặng hơn.

Những người có khả năng mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao là người trong độ tuổi từ 60-74, có tiền sử bệnh hen hay các bệnh hô hấp khác, người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào hoặc hít phải nhiều khói thuốc, gia đình có người mắc bệnh này.

“Cứ nửa tháng tôi lại đến bệnh viện khám bệnh, lấy thuốc về uống một lần. Khi nào tắc đường phổi nặng quá thì nhập viện để điều trị đến khi thông đường thở rồi về. Mặc dù đã tham gia bảo hiểm y tế nhưng sau mỗi đợt điều trị nội trú tại bệnh viện, tôi vẫn phải đóng thêm khoảng hơn 1 triệu đồng do tiền thuốc điều trị bệnh này khá mắc tiền” - ông Vang chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huệ (67 tuổi, ngụ xã Bình Sơn, H.Long Thành) được phát hiện bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cách đây 3 năm sau khi đi khám bệnh tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Ngoài ra, cách đây 10 năm, ông Huệ có mổ áp xe gan, bị bệnh tim mạch và đã đặt stent. Ông Huệ đến khám tại bệnh viện do những ngày gần đây hay bị hụt hơi, khó thở.

Giống bệnh nhân Vang, ông Huệ cũng có “thâm niên” hút thuốc lá 50 năm. Từ khi được bác sĩ khuyên bỏ thuốc lá cách đây 3 năm, ông Huệ mới bỏ thuốc lá, thuốc lào. Ông Huệ chia sẻ, bệnh tật làm ông suy giảm sức khỏe nhanh chóng, không làm được việc nặng và lúc nào cũng phải có thuốc bên người.

* Không được tự ý dùng thuốc

BS CKII Nguyễn Ngọc Khánh, người trực tiếp phụ trách Phòng khám chuyên gia hô hấp Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành cho biết, qua thăm khám những ngày qua tại bệnh viện cho thấy, có nhiều bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhưng dùng thuốc chưa đúng gây các tác dụng phụ như tổn thương da. Việc lạm dụng thuốc cũng khiến bệnh nhân không được kiểm soát sức khỏe tốt. Có trường hợp bệnh nhân trong 1 năm phải nhập viện cấp cứu đến 10 lần, mỗi lần phải nằm viện điều trị khoảng nửa tháng.

Theo BS Nguyễn Ngọc Khánh, trung bình mỗi ngày, phổi chúng ta hít vào và thở ra khoảng 10 khối không khí. Nếu không khí có nhiều chất độc hại, đặc biệt là thuốc lá, thuốc lào, con người thường xuyên hít phải trong thời gian dài thì rất dễ mắc bệnh. Thống kê cho thấy có hơn 90% bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do hút thuốc lá, thuốc lào hoặc có liên quan đến khói thuốc lá, thuốc lào. Ngoài ra, còn một số nguy cơ khác như: khói hóa chất, bụi bặm, ô nhiễm môi trường, bụi nghề nghiệp, hóa chất...

Triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính như: ho kéo dài, ho có đờm, đờm có màu trắng, màu vàng xám, màu xanh lá cây thậm chí đôi khi có thể thấy đờm kèm máu; bị nhiễm trùng đường hô hấp và tái đi tái lại tình trạng cúm, cảm lạnh; khó thở, thở gấp sức, thở gấp; ngực có cảm giác thắt chặt, đau; thở khò khè, mệt mỏi kéo dài; sốt nhẹ và có cảm giác ớn lạnh.

Bệnh dẫn đến nặng khi có các biểu hiện sau: khó thở đến nỗi không thể nói chuyện; móng tay, chân hoặc môi người bệnh chuyển màu xanh, màu xám do nồng độ oxy trong máu thấp; rơi vào trạng thái lơ mơ; nhịp tim rất nhanh.

Để điều trị bệnh hiệu quả, bác sĩ phải thăm khám để đánh giá xem bệnh nhân mắc bệnh ở nhóm nào, chức năng hô hấp nặng hay nhẹ, có nguy cơ vào các đợt cấp hay không, tuổi tác thế nào, bệnh kèm theo ra sao để phối hợp điều trị song hành. Mỗi bệnh nhân có biểu hiện, mức độ bệnh khác nhau sẽ được điều trị bằng từng loại thuốc và liệu trình khác nhau. Do đó, bệnh viện cần phải có đủ thuốc để điều trị cho bệnh nhân.

Muốn phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, BS Khánh khuyên người dân không nên hút thuốc lá, thuốc lào, tránh xa môi trường có khói thuốc lá, thuốc lào; chích ngừa cúm mỗi năm 1 lần, nhất là những người trên 65 tuổi, chích ngừa viêm phổi mỗi 5 năm/lần, uống nước đầy đủ, không để bị táo bón, có bệnh gì thì đi khám để điều trị song hành chứ không điều trị riêng từng bệnh. Bên cạnh đó, cần luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, điều độ; ăn uống đủ chất dinh dưỡng, dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202012/phong-va-dieu-tri-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-dung-cach-3035802/