Phòng trừ chuột theo hướng an toàn, cộng đồng cùng bảo vệ sản xuất

Những năm gần đây, nước lũ về ít, điều kiện sản xuất và cơ cấu mùa vụ thay đổi... thuận lợi cho chuột sinh sôi, cắn phá gây hại mùa màng. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ÐBSCL, chuột không chỉ cắn phá lúa mà còn gây hại cho nhiều loại rau màu, cây ăn trái, nông dân phải sử dụng các loại hóa chất độc hại để diệt chuột. Do vậy, rất cần có kế hoạch chủ động phòng trừ chuột theo hướng cộng đồng, áp dụng đồng bộ các giải pháp hiệu quả, bền vững, đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và môi trường.

Sau các vụ thu hoạch lúa, chuột thường ẩn trốn trong hang sâu, người đi săn chuột phải vất vả đào hang mới bắt được chúng.

Ông Trần Hoàng Ðảo ở khu vực Long Ðịnh, phường Long Hưng, quận Ô Môn, cho biết: “Chuột cắn phá gây hại cho lúa thường xuyên, nhất là giai đoạn mới sạ, chuẩn bị trổ và lúc lúa gần chín. Gia đình tôi làm 2 công ruộng nhưng thường xuyên phải mua thuốc diệt chuột về trộn bả mồi đặt xung quanh ruộng để diệt chuột, những con khác không dám đến cắn phá nữa. Tính ra, mỗi vụ lúa tôi phải bỏ ra chi phí từ 200.000-300.000 đồng/công trở lên để phòng trừ chuột. Dù vậy, nhưng đến vụ sau chuột lại sinh sản, cắn phá tiếp. Ðể diệt chuột đồng loạt, ngành Nông nghiệp cần hỗ trợ nông dân và huy động cả cộng đồng cùng tham gia mới hy vọng có thể ngăn chặn hiệu quả”.

Chị Huỳnh Thị Phương ngụ ấp Ðông Lợi, xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ, cũng cho biết: Ở khu vực tôi làm ruộng có nhiều vườn cây và đường giao thông nằm tiếp giáp nên rất thuận lợi cho chuột trú ẩn, ban đêm chúng ra cắn phá lúa. Dùng bẫy để bắt chuột tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí nhưng hiệu quả không cao và tức thời như dùng thuốc. Ở đây bà con chọn cách mua thuốc chuột về trộn với bả mồi hoặc mua nhớt cũ pha thuốc đổ xung quanh ruộng để xua đuổi chuột... Còn theo anh Trần Hoàng Nam, ngụ ấp 2, xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, chuột không chỉ cắn phá lúa, chúng còn thường xuyên cắn phá và gây hại cho nhiều loại rau màu và cây ăn trái như các loại dưa, gương sen, trái nhãn, xoài và mãng cầu sắp thu hoạch…

Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trước đây, lũ tại ÐBSCL thường xuyên ở mức cao chuột phải di trú đến những gò cao, bà con bắt, diệt chuột dễ dàng nên đến mùa vụ chuột gây hại ít hơn. Tuy nhiên, những năm gần đây ÐBSCL không còn lũ hoặc lũ nhỏ, tạo điều kiện cho chuột phân bố đồng đều trên đồng. Chuột có tốc độ sinh sản nhanh theo cấp số nhân, nếu không có biện pháp quản lý thì nó phát triển, gây hại cho cây trồng rất lớn. Ông Thiệt cho rằng: Căn cứ vào chỉ thị của Bộ và tình hình thực tế địa phương, Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch diệt chuột, theo tôi là đúng theo chỉ đạo của Bộ, cũng như để chủ động trước dự báo về tình hình dịch hại diễn biến phức tạp trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bởi đối với các đối tượng dịch hại như chuột, chúng ta không thể áp dụng biện pháp đơn lẻ để phòng trừ chúng mà phải áp dụng biện pháp cộng đồng, tổng hợp. Chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quản lý mùa vụ, diệt chuột bằng bẫy và cả các biện pháp thủ công, bằng tay, bẫy cây trồng… Ðặc biệt, diệt chuột hiệu quả nhất là áp dụng biện pháp bẫy cây trồng. Chúng ta làm một cái bẫy với diện tích 1.000-2.000m2 thì hiệu quả phòng trừ chuột trong khu vực có thể từ 100-200ha. Muốn bà con làm được thì bắt buộc ngành chức năng phải tập huấn và hỗ trợ để nông dân thực hiện vì đầu tư bẫy này rất tốn kém. Lúa trong bẫy cây trồng phải gieo sạ trước 15-20 ngày, sau đó khu vực ngoài bẫy 100-200ha phải gieo sạ sau để dụ chuột vào bẫy nhằm tiêu diệt. Cần Thơ với diện tích canh tác mỗi vụ lúa trên dưới 77.000ha thì cần làm số bẫy cây trồng rất lớn, ngoài ra chúng ta cần thực hiện nhiều biện pháp khác để phòng trừ chuột...

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Kế hoạch phòng chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP Cần Thơ là hơn 29,605 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố hơn 22,573 tỉ đồng và vốn của nông dân hơn 7 tỉ đồng. Đây là nguồn kinh phí được dự trù cho cả giai đoạn 5 năm, còn thực tế hằng năm phải xây dựng dự toán chi tiết trình Sở Tài chính thẩm định, trình UBND thành phố bố trí vốn thực hiện.

Thời gian qua, công tác quản lý và phòng trừ chuột tại nhiều nơi và nhiều lúc còn hạn chế do chưa huy động tốt sự tham gia của cả cộng đồng để thực hiện ra quân diệt chuột đồng loạt và đồng bộ. Một số biện pháp diệt chuột được nông dân áp dụng cũng chưa mang lại hiệu quả cao và đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và môi trường. Tình trạng sử dụng thuốc hóa học kết hợp đổ nhớt trên đồng gây ô nhiễm môi trường hay một số nông dân sử dụng điện để diệt chuột và đã có trường hợp gây thương vong cho người và các động vật khác. Các giải pháp diệt chuột ở quy mô cộng đồng chưa đươc nông dân quan tâm nhiều, chỉ giải quyết theo hướng cục bộ tại ruộng vườn nhà mình nên hiệu quả mang lại chưa cao. Do vậy, rất cần các cơ quan chức năng quan tâm xây dựng các chương trình, kế hoạch để đẩy mạnh công tác thông tin, tập huấn và hỗ trợ nông dân khắc phục khó khăn và hạn chế, thực hiện quản lý và phòng trừ chuột một cách hiệu quả, an toàn và bền vững theo hướng cộng đồng.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, tình hình chuột gây hại cho cây trồng có chiều hướng gia tăng trên địa bàn TP Cần Thơ. Từ năm 2016 đến năm 2020, chỉ tính riêng cây lúa đã có tổng diện tích bị chuột gây hại là 19.415ha, được duy trì và tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2016 là 3.456ha, năm 2017 là 3.196ha, năm 2018 là 3.550ha, năm 2019 là 4.756ha, năm 2020 là 4.457ha, chiếm 2-3% diện tích sản xuất lúa trên địa bàn. Nhằm quản lý tốt đối tượng chuột gây hại một cách chủ động, đồng loạt, đúng thời điểm, đúng phương pháp và liên tục đảm bảo sản xuất thắng lợi, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 10-3-2021 về phòng chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Cần Thơ không chỉ quan tâm tăng cường tập huấn để nông dân thực hiện phòng trừ chuột theo hướng an toàn, hiệu quả mà còn có các hỗ trợ cho nông dân về bẫy chuột, thuốc sinh học, thực hiện mô hình bẫy cây trồng…

Vào năm 2018, Bộ NN&PTNT Ban hành Chỉ thị số 9864/CT-BNN-BVTV về việc tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất. Bộ yêu cầu các địa phương trong cả nước căn cứ tình hình chuột xuất hiện và gây hại trên cây trồng tại địa phương để xây dựng kế hoạch quản lý chuột theo hướng tổng hợp, cộng đồng.

NGUYỄN LÊ

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/phong-tru-chuot-theo-huong-an-toan-cong-dong-cung-bao-ve-san-xuat-a132041.html