Phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động Thủ đô: Động lực để phát triển

Công tác thi đua, khen thưởng của các cấp Công đoàn Thủ đô, giai đoạn (2015- 2020) đã được đổi mới, có bước chuyển biến tích cực cả về nội dung, hình thức, đi vào chiều sâu, thực chất và đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh của đơn vị, địa phương, doanh nghiệp.Đây là nhận định được nêu tại hội nghị điển hình tiên tiến công nhân viên chức lao động Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025 mà Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố vừa tổ chức mới đây.

Làm lợi hơn 2.000 tỷ đồng từ sáng kiến, sáng tạo

Báo cáo kết quả phong trào thi đua trong công nhân viên chức lao động Thủ đô giai đoạn 2015-2020, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng cho biết, thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”, trong 5 năm qua, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện các phong trào thi đua một cách thường xuyên, liên tục, trọng tâm là các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”;

“Công nhân giỏi”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”; phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Văn hóa, thể thao”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”…

Trong đó, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” đã tạo ra sức lan tỏa lớn, được các cấp chính quyền, công đoàn, chủ doanh nghiệp và đông đảo người lao động hưởng ứng tích cực, từ năm 2007 đã được Chủ tịch UBND Thành phố Quyết định ban hành Quy chế xét tặng và trở thành danh hiệu thi đua chung của Thành phố Hà Nội, được tổ chức biểu dương tôn vinh vào dịp kỷ niệm thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7 hàng năm.

Các đồng chí lãnh đạo: Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, các ban của Thành ủy Hà Nội; LĐLĐ thành phố chụp ảnh lưu niệm với các gương điển hình tiên tiến công nhân viên chức lao động Thủ đô.

Các đồng chí lãnh đạo: Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, các ban của Thành ủy Hà Nội; LĐLĐ thành phố chụp ảnh lưu niệm với các gương điển hình tiên tiến công nhân viên chức lao động Thủ đô.

Qua 5 năm triển khai phong trào, toàn Thành phố đã có 163.973 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 8.704 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở, UBND Thành phố tặng bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo thủ đô” cho 320 cá nhân. Trong đó, có 290 sáng kiến tính được giá trị làm lợi bằng tiền, với số tiền làm lợi hơn 2.000 tỷ đồng. Nhiều sáng kiến của công nhân lao động được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Từ năm 2018, để phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn số 23/HD-LĐLĐ ngày 16/11/2018 về triển khai phát động, thực hiện xét chọn công nhận danh hiệu “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô”, từ đó làm cơ sở đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam và UBND Thành phố xét tặng Bằng “Lao động sáng tạo” và Bằng “Sáng kiến Thủ đô”. Qua 3 năm phát động và thực hiện xét chọn theo quy định mới, phong trào tiếp tục được duy trì phát triển, khẳng định hiệu quả, tác dụng to lớn đối với phát triển kinh tế xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Riêng năm 2020, toàn Thành phố có 16.015 cá nhân được tặng danh hiệu ”Sáng kiến cấp cơ sở”; 960 cá nhân được tặng danh hiệu “sáng kiến cấp trên cơ sở”, Hội đồng sáng kiến LĐLĐ Thành phố đã xét tặng Bằng công nhận “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” cho 50 cá nhân có sáng kiến xuất sắc nhất. Trong đó có 44 sáng kiến, cải tiến thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh làm lợi hơn 238 tỷ đồng; 4 đề tài khoa học xuất sắc được áp dụng vào thực tế sản xuất; 2 giải pháp sáng tạo đạt giải cao trong các Hội thi, thao diễn kỹ thuật toàn quốc và của Thành phố mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao.

Cũng theo Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng, cùng với việc đổi mới, phát động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động Thủ đô, trong 5 năm qua, LĐLĐ Thành phố Hà Nội luôn thực hiện tốt công tác khen thưởng, coi khen thưởng là động lực để thúc đẩy thi đua. Công tác khen thưởng của LĐLĐ Thành phố luôn đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, tạo động lực lan tỏa mạnh mẽ. Đặc biệt tỷ lệ khen thưởng đối với công nhân lao động trực tiếp, những tập thể nhỏ tăng so với giai đoạn 2010-2015.

“Có thể nói, công tác thi đua, khen thưởng của các cấp Công đoàn Thủ đô, giai đoạn (2015- 2020) đã được đổi mới, có bước chuyển biến tích cực cả về nội dung, hình thức, đi vào chiều sâu, thực chất và đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh của đơn vị, địa phương, doanh nghiệp”- đồng chí Lê Đình Hùng khẳng định.

Xuất hiện nhiều tấm gương điển hình

Cùng với thiết thực mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội, các phong trào thi đua mà tổ chức Công đoàn Thủ đô phát động triển khai trong 5 năm qua còn giúp xuất hiện nhiều điển hình tiên tiên tiêu biểu là các tập thể; hàng trăm cá nhân là người tốt, việc tốt; công nhân giỏi; lao động sáng tạo được Thành phố và các cấp, ngành công nhận, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh.

Các gương điển hình tiên tiến giao lưu tại Hội nghị

Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến các tập thể: Công đoàn phường Thượng Thanh quận Long Biên; Công đoàn Công ty cổ phần Dệt 10/10; Công đoàn Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công đoàn Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn… hay các cá nhân như cô giáo Lê Thị Hòa, giáo viên, Tổng phụ trách Đội, trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ.

Cô Hòa đã có gần 20 năm duy trì lớp học tình thương, dìu dắt miễn phí cho hơn 60 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em cơ nhỡ hoặc mắc các hội chứng đặc biệt ở các độ tuổi khác nhau. Tấm lòng nhân hậu, việc làm, nghĩa cử cao đẹp của cô Hòa không chỉ góp phần nâng tầm suy nghĩ, nhận thức trong đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, giáo viên, người lao động của nhiều trường học, mà còn tạo động lực mạnh mẽ để mọi người làm thêm nhiều việc tốt, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Một gương mặt cá nhân điển hình tiên tiến khác là công nhân Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Tổ trưởng Tổ Môi trường 1 – Chi nhánh Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội. Chị Thanh Hiếu đã có 29 năm gắn bó với công việc của công nhân vệ sinh môi trường. Dù công việc đầy vất vả cực nhọc, hầu như năm nào cũng đón giao thừa trên các con đường, tuyến phố, nhưng chị luôn tận tâm, trách nhiệm, giữ sáng, sạch, đẹp các tuyến phố trên địa bàn phụ trách.

Đó còn là chị Phan Thị Thu Hằng- Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên, một cán bộ công đoàn giàu nhiệt huyết và sáng tạo. Chịu trách nhiệm quản lý gần 300 công đoàn cơ sở với trên 12 ngàn đoàn viên, chị đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích thỏa đáng cho người lao động. Tiêu biểu như mô hình Thẻ ưu đãi cho đoàn viên công đoàn, “Chuyến xe ô tô miễn phí đưa công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết, vận động trên 80% doanh nghiệp trên địa bàn quận ký kết được thỏa ước lao động tập thể…

Mỗi cá nhân điển hình tiên tiến ở những cương vị công tác, những lĩnh vực ngành nghề khác nhau, nhưng điểm chung của họ là tình yêu công việc, thường xuyên có sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất; có giải pháp, mô hình hay được áp dụng trong thực tiễn, từ đó góp phần xây dựng cộng đồng xã hội văn hóa, văn minh.

Ghi nhận những kết quả đã đạt được, tại hội nghị, LĐLĐ Thành phố đã quyết định tôn vinh, khen thưởng 85 tập thể và 96 cá nhân Điển hình tiên tiến xuất sắc và 50 cá nhân đạt danh hiệu “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” năm 2020.

Để phong trào thi đua trong CNVCLĐ giai đoạn 2021-2025 tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp công đoàn Thủ đô sẽ tập trung hướng về cơ sở với phương châm thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức. Từ phong trào thi đua, xây dựng, phát hiện, nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến, kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích, sáng tạo xuất sắc. Đặc biệt là quan tâm động viên phát huy những sáng kiến, cải tiến trong sản xuất, để tập hợp thu hút đông đảo CNVCLĐ cùng tích cực tham gia.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-trong-cong-nhan-vien-chuc-lao-dong-thu-do-dong-luc-de-phat-trien-110662.html