Phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp ở Mường Lát

Những năm gần đây, phong trào 'Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp' được các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện Mường Lát triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò của đoàn viên Tặng Văn Xiết ở bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi.

Qua phong trào đã giúp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) phát huy tính năng động, sáng tạo tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp THPT, Tặng Văn Xiết, sinh năm 1986, dân tộc Dao ở bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi vào TP Hồ Chí Minh xin làm việc cho một công ty may mặc xuất khẩu. Sau gần 10 năm làm việc, nhận thấy không ở đâu bằng quê hương mình, nên anh đã làm đơn xin nghỉ, về quê phát triển kinh tế. Trở về quê hương với đồng vốn ít ỏi, Xiết trăn trở phải làm nghề gì để phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy trên địa bàn huyện còn thiếu nhiều lao động làm nghề xây dựng, năm 2014 Xiết đã thành lập tổ thợ nhận thầu xây dựng các công trình nhà ở trên địa bàn xã và các xã lân cận. Do làm ăn có uy tín nên tổ thợ của Xiết nhận được nhiều hợp đồng và bước đầu có nguồn thu nhập đáng kể. Không dừng lại ở đó, với nguồn vốn tích lũy được, Xiết vay mượn anh em, bạn bè và một phần vốn vay của đoàn thanh niên để đóng góp cổ phần cùng mấy người bạn đầu tư mua ô tô chở khách tuyến TP Thanh Hóa - Hà Nội và ngược lại. Cùng với đó, xây dựng thêm gia trại chăn nuôi với quy mô 16 con trâu, bò, 40 con dê và hàng trăm con gia cầm các loại... Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 20 lao động, chủ yếu là ĐVTN trong xã.

Anh Hà Văn Hùng, Phó Bí thư Huyện đoàn Mường Lát, cho biết: Huyện đoàn Mường Lát hiện có 20 đầu mối cơ sở đoàn, với 5.568 ĐVTN. Xác định việc hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống là nhiệm vụ hàng đầu, thời gian qua các cấp bộ đoàn trong huyện đã tổ chức nhiều phong trào hành động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ ĐVTN phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, như các phong trào: Đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên tham gia phát triển kinh tế, xã hội; các hoạt động thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới; mở các lớp tập huấn về chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho ĐVTN; tổ chức tư vấn, định hướng và giới thiệu việc làm cho ĐVTN; hỗ trợ vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp; khuyến khích, động viên thanh niên nông thôn phát triển kinh tế, lập nghiệp tại quê hương. Đến nay, huyện đoàn đã ủy thác với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trên 29 tỷ đồng, cho 994 lượt ĐVTN vay phát triển kinh tế; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở 30 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho gần 3.000 ĐVTN; thành lập Câu lạc bộ “Thanh niên làm kinh tế giỏi”; phát động ĐVTN phát huy sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lao động, sản xuất... Có vốn, kiến thức, nhiều ĐVTN đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế đồi rừng, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 20 mô hình thanh niên phát triển kinh tế hiệu quả cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động.

. Bài và ảnh: Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n179568/phong-trao-thanh-nien-lap-than,-lap-nghiep-o-muong-lat