'Phong trào dọn rác'

'Dọn rác', hay làm sạch môi trường, nói 'không' với những vật thải gây ô nhiễm dường như đang được quan tâm mạnh mẽ hơn với nhiều hành động thiết thực. Tuy nhiên, để được lâu dài và hiệu quả, cần chiến lược dài hơi hơn là những hoạt động mang tính chất 'phong trào'.

Phong trào dọn rác "Before and After" lan rộng khắp mọi nơi. Ảnh: BTC cuộc thi ảnh Thách thức để thay đổi.

Phong trào dọn rác "Before and After" lan rộng khắp mọi nơi. Ảnh: BTC cuộc thi ảnh Thách thức để thay đổi.

Đầu tháng 3, bắt đầu từ tài khoản facebook của một người nước ngoài mang tên Byron Roman – phong trào dọn rác đã “lan rộng” khắp mạng toàn cầu. Ông Byron đăng trên tài khoản cá nhân của mình hai bức ảnh, một bức chụp mình đứng giữa một khu vực đầy rác và bức sau đó chụp lại hình ảnh rác đã được dọn sạch sẽ vào các bao bố và “tác giả” bên cạnh. Với hashtag ChallengeForChange (Thử thách cho sự thay đổi), phong trào “dọn rác check in” đã được các bạn trẻ hưởng ứng nhiệt tình. Giới trẻ Việt Nam cũng lập tức tạo ra một hiệu ứng khắp cộng đồng mạng về việc dọn rác tự nguyện và “tự phát” này. Nhiều người dọn rác hoặc kêu gọi lập nhóm, tổ chức dọn rác ở những địa điểm chung quanh khu vực mình sống hoặc các điểm du lịch, đăng ảnh lên với hình After và Before (trước và sau).

Cũng như nhiều phong trào tự phát trên mạng xã hội, “dọn rác check in” cũng “bùng” lên một thời gian ngắn rồi lại chìm vào quên lãng. Nhưng khi nó vừa tạm lắng xuống thì tại nhiều tỉnh thành phát động Ngày chủ nhật xanh. Nhiều địa phương tổ chức ra quân làm sạch vệ sinh môi trường, với sự tham gia của đội ngũ cán bộ công chức, đoàn thanh niên, tổ dân phố… Hiệu quả cũng có thể được thấy ngay tức thì: các khu phố, đường sá, khuôn viên, các khu vực công cộng sạch sẽ hơn, nhiều khu vực rác lưu cữu lâu năm được dọn dẹp phát quang, đường phố được chỉnh trang đẹp hơn. Và hơn thế, ít nhiều phong trào cũng đã tác động vào nhận thức của mọi người: sẽ ít vứt rác bừa bãi, sẽ có ý thức dọn rác ở những nơi công cộng. Sẽ bớt đi tình trạng ở đâu đó các khu bãi biển, cánh rừng, khu vui chơi giải trí hay các di tích danh thắng, hay một góc phố góc đường nào đó chồng chất những đống rác bốc mùi, nhưng ai đi qua cũng chỉ bịt mũi kêu ca, mà không ai nghĩ “đó là việc của mình”. Giờ đây, sẽ càng ngày có nhiều người không ngại ngùng mà dừng lại xắn tay dọn rác, hoặc chỉ đơn giản là nhặt những mẩu rác dọc đường đi để đúng nơi quy định.

Thay đổi về nhận thức trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường không phải một sớm một chiều mà có. Còn nhớ, từ nhiều năm trước, đâu đó cũng có vài cá nhân, nhóm người, hoặc tổ chức kêu gọi hoặc một vài nơi thực hiện không dùng túi nylon. Thế nhưng hành động đó chỉ như viên sỏi ném xuống biển. Túi nylon vẫn được sản xuất, tiêu thụ và thải ra môi trường hằng ngày, gây ô nhiễm đất đai, nguồn nước và nhiều hệ lụy khác. Vì vậy, khi những ngày gần đây, ở một vài thành phố lớn, các chuỗi siêu thị, cửa hàng đã dùng lá chuối gói rau thay cho túi nylon đã gây ra hiệu ứng mạnh mẽ. Nhiều cửa hàng ăn uống, giải khát đã thay ống hút nhựa bằng sản phẩm làm từ gạo, ống cỏ, tre nứa… Thủ tướng Chính phủ đã gửi thư biểu dương các doanh nghiệp có hành động thiết thực vì lợi ích cộng đồng, bảo vệ môi trường và đồng thời cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các tổ chức, cá nhân hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Chính phủ rõ ràng đã có chủ trương và giải pháp quản lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cần một kế hoạch thực hiện thiết thực, đồng bộ từ hành vi, thói quen tiêu dùng, thu gom và xử lý rác thải, nếu để “làm sạch” và bảo vệ môi trường một cách bền vững và hiệu quả.

Trong một lần ghé thăm Bảo tàng Quốc gia Singapore, tôi được lý giải vì sao đất nước này sạch đến thế. Ngay sau khi độc lập, một trong những việc làm để tái thiết đất nước mà Thủ tướng Lý Quang Diệu khi đó ưu tiên, chính là làm sạch môi trường. Tại gian trưng bày về hành trình làm sạch đất nước bắt đầu khoảng từ năm 1968, không chỉ có hình ảnh về một đất nước Singapore trước, trong và sau công cuộc cải thiện môi trường. Chúng tôi được dẫn dắt đi qua những khu vực phát ra mùi ô nhiễm, từ những con kênh, sông, ao hồ, cầu cống trong quá khứ.. Chưa kể đến nguồn rác thực thể, những chỉ số ô nhiễm từ nguồn nước, đất đai, khí thở đều được đo đạc, theo dõi kỹ càng theo mốc thời gian. Và Chính phủ Singapore khi đó đã đầu tư vào việc thay đổi chỉ số không khí, nguồn nước, đất đai qua từng năm. Họ đã mất 10 năm cho việc “làm sạch đất nước”. Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nói, trong nhiều thành tựu mà đất nước này đạt được qua quá trình cải cách, thì thành tựu đáng tự hào nhất là “đất nước sạch nhất Nam Á”. Nhưng, phong trào làm sạch đất nước của Singapore không dừng lại ở 10 năm đó. Hàng trăm phong trào và tiểu phong trào vẫn tiếp tục duy trì những năm sau và kéo dài cho đến tận bây giờ. Khách du lịch đến Singapore sẽ tận mắt thấy những quy định, luật lệ hết sức nghiêm khắc trong việc giữ sạch môi trường. Cho đến hiện tại, Singapore vẫn duy trì đến hàng nghìn nhân công lao động trong việc dọn dẹp vệ sinh, và rất nhiều quy định đòi hỏi người dân và kể cả du khách phải tự nguyện dọn rác và có ý thức trong xả rác.

Đã muộn khi chúng ta nhận ra vai trò hết sức quan trọng của môi trường sống hằng ngày đối với sức khỏe con người, và liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế. Do vậy, làm sạch môi trường không chỉ đơn giản là việc đi dọn rác hằng ngày và cũng không chỉ gói gọn trong phạm vi công việc của những công nhân vệ sinh. Mong rằng, “phong trào dọn rác” cũng như phong trào “nói không với túi nylon”, “nói không với ống hút nhựa” vừa được nhen lên sẽ không bị lắng xuống, mà tiếp tục lan rộng thành nhiều phong trào tương tự nữa. Việc làm sạch và bảo vệ môi trường cần phải được thực hiện một cách bền bỉ, trong một chiến lược bài bản, đồng bộ và khoa học để đạt hiệu quả lâu dài.

HỒNG MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/39835402-%E2%80%9Cphong-trao-don-rac%E2%80%9D.html