Phong trào chơi bóng bầu dục ở một miền quê

Trong khi nhiều người ở Hà Nội và các thành phố lớn nước ta vẫn còn lạ lẫm với bóng bầu dục, bộ môn thể thao đã được phát triển ở nhiều nước trên thế giới thì ở hai huyện Kim Bôi, Tân Lạc (Hòa Bình) lại không như vậy. Thật lạ là ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như ở Kim Bôi, nhưng phong trào chơi bóng bầu dục lại thu hút khá đông thanh niên, thiếu niên và sự hưởng ứng ủng hộ của người dân. Thông qua việc hướng dẫn tập luyện, những người tạo dựng nên phong trào mong muốn thực hành, rèn luyện kỹ năng sống cần thiết và lối sống lành mạnh cho các em học sinh.

Buổi tập luyện của một đội bóng bầu dục tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình).

Buổi tập luyện của một đội bóng bầu dục tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình).

Trong khi nhiều người ở Hà Nội và các thành phố lớn nước ta vẫn còn lạ lẫm với bóng bầu dục, bộ môn thể thao đã được phát triển ở nhiều nước trên thế giới thì ở hai huyện Kim Bôi, Tân Lạc (Hòa Bình) lại không như vậy. Thật lạ là ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như ở Kim Bôi, nhưng phong trào chơi bóng bầu dục lại thu hút khá đông thanh niên, thiếu niên và sự hưởng ứng ủng hộ của người dân. Thông qua việc hướng dẫn tập luyện, những người tạo dựng nên phong trào mong muốn thực hành, rèn luyện kỹ năng sống cần thiết và lối sống lành mạnh cho các em học sinh.

Mặc dù đã được du nhập vào Việt Nam từ hàng chục năm nay, nhưng môn thể thao bóng bầu dục mới chỉ thật sự phát triển và được nhiều người biết đến và tham gia chơi trong vài năm gần đây, chủ yếu tập trung ở một số thành phố. Báo chí cũng đã đề cập đến phong trào chơi môn thể thao này và các đội bóng bầu dục nghiệp dư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chính vì thế, khi được nghe giới thiệu về phong trào chơi bóng bầu dục ở một tỉnh như Hòa Bình, nhất là lại ở một huyện miền núi như Kim Bôi, tôi đã quyết định về đây để tìm hiểu tại sao môn thể thao còn chưa thật sự phổ biến và còn xa lạ với nhiều người ở Việt Nam lại có thể phát triển tại một huyện miền núi xa xôi, lại được các cô bé, cậu bé ở đây yêu thích đến thế.

Tiếp chúng tôi, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Kim Bôi Bùi Văn Nghĩa cho biết, bóng bầu dục hiện được triển khai tập luyện ở sáu trong 28 xã, thị trấn của huyện. Trong gần 5 năm qua, bóng bầu dục đã giúp các em học sinh có môi trường vui chơi thể thao lành mạnh, cơ hội rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống và nâng cao khả năng hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là những điều được chị Đinh Thị Hoàn, thành viên của Ban quản lý Các dự án phi chính phủ huyện Tân Lạc chia sẻ mặc dù dự án chỉ mới được thực hiện tại địa phương từ năm 2018. Ban đầu chỉ có vài trăm học sinh tham gia nhưng hiện nay, con số này là hơn 1.000, không chỉ gồm học sinh các cấp tiểu học và THCS mà còn các thành viên của cộng đồng của bảy trong số 24 xã, thị trấn. Thậm chí, việc tập luyện, thi đấu của học sinh, thành viên trong huyện đã được Liên đoàn Bóng bầu dục quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đóng góp lớn vào sự phát triển của phong trào thể thao của huyện Kim Bôi, nhất là về môn bóng bầu dục, phải kể tới những cán bộ của dự án cộng đồng thể thao vì sự phát triển có tên gọi ChildFund Pass It Back được triển khai tại các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam. Đây là dự án được thực hiện với sự hợp tác nhiều năm qua của Liên đoàn Bóng bầu dục thế giới và Liên đoàn Bóng bầu dục châu Á tại Việt Nam.

Chúng tôi đến xã Tú Sơn (Kim Bôi), nơi có phong trào bóng bầu dục phát triển và được chứng kiến sự yêu mến, say mê môn thể thao này ở các em nhỏ và không ít người, từ già đến trẻ ở các thôn, xóm. Có bà đã lớn tuổi còn nhiệt tình mô tả cho chúng tôi tỉ mỉ, chi tiết về cách chơi, sự khác nhau giữa bóng bầu dục với các môn bóng đá hay bóng chuyền như thế nào, rồi giới thiệu với tôi nơi các em nhỏ thường tập luyện tại nhà văn hóa thôn hay sân tập nhà sinh hoạt cộng đồng và huấn luyện viên của họ là ai, ở đâu... Có cảm giác, câu chuyện về bóng bầu dục đang trở thành đề tài thời sự được nhiều người quan tâm của làng quê bên cạnh những thông tin về việc thi đấu thành công của đội tuyển bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại ở xã Tú Sơn và nhiều xã khác tại huyện Kim Bôi.

Cũng giống như Tú Sơn, tại các xã như Cuối Hạ và Đú Sáng, phong trào bóng bầu dục cũng nhận được sự hưởng ứng của nhiều người. Hai huấn luyện viên bóng bầu dục đầu tiên mà chúng tôi gặp tại Kim Bôi không ngờ là hai cô gái tuổi đời còn khá trẻ là Bùi Thị Hà, 21 tuổi, ở xã Cuối Hạ và Bùi Thị Tăng, 19 tuổi, ở xã Đú Sáng. Đây là hai trong số khoảng 80 huấn luyện viên bóng bầu dục đang được tập huấn của dự án ChildFund Pass It Back. Bùi Thị Hà cho biết: “Các lớp học bóng bầu dục chủ yếu tập luyện tại sân sinh hoạt chung của các thôn hoặc xã và thường học vào buổi chiều hay các ngày cuối tuần. Đây cũng là khoảng thời gian hợp lý để các em học sinh được vui chơi, hòa mình vào các môn vận động ngoài trời. Mỗi buổi học kéo dài khoảng 90 phút, các em được tập luyện chơi bóng, được hướng dẫn về luật chơi, kỹ thuật, chiến thuật… và học kỹ năng sống theo các chủ đề như: hiểu biết về các vấn đề liên quan tới giới, lập kế hoạch cho tương lai, sống khỏe mạnh, có kiến thức về sức khỏe sinh sản và vị thành niên, an toàn cho mọi người và kỹ năng phòng ngừa bạo lực.

Trao đổi với người chịu trách nhiệm điều hành dự án ChildFund Pass It Back là chị Trần Thị Thu Hương, chúng tôi được biết, dự án ChildFund Pass It Back ra đời năm 2015 nhằm mục đích phát triển môn bóng bầu dục, kết hợp truyền dạy kỹ năng sống, nhất là về giáo dục lối sống an toàn và lành mạnh cho các bạn trẻ trong độ tuổi từ 9 đến 16 ở nhiều nước khu vực châu Á và Đông - Nam Á. Tại Việt Nam, dự án đang được thực hiện ở các tỉnh miền núi phía bắc mà tiêu biểu là tại bảy xã thuộc huyện Tân Lạc (Ngọc Mỹ, Trung Hòa, Phú Cường, Ngòi Hoa, Phú Vinh, Quyết Chiến, Ngổ Luông) và 10 xã, thị trấn thuộc huyện Kim Bôi (Nuông Dăm, Đú Sáng, Hợp Đồng, Thượng Tiến, Kim Truy, Cuối Hạ, Kim Bình, Kim Tiến, Tú Sơn, thị trấn Bo). Theo đó, dự án tập trung triển khai xây dựng năng lực cho đội ngũ huấn luyện viên trẻ của môn bóng bầu dục, sau đó hỗ trợ họ xây dựng các đội bóng ở địa phương. Chỉ tính riêng năm 2019 này, dự án đã thu hút khoảng 2.200 học sinh tập luyện tại hai huyện Kim Bôi và Tân Lạc với đội ngũ 100 huấn luyện viên đầy nhiệt huyết. Thu Hương chia sẻ: “Khi đưa bộ môn này về với các em thiếu niên huyện Tân Lạc và Kim Bôi, chúng tôi mong muốn các em được rèn luyện sức khỏe, năng động hơn, đồng thời tạo dựng tính đoàn kết và cách làm việc tập thể, giúp các em hòa đồng, tự tin, vượt qua các thử thách trong cuộc sống và truyền lại điều đó cho cộng đồng của mình”.

Điều đáng nói là dự án ChildFund Pass It Back đã nhận được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và chính quyền cơ sở ở các địa phương trong địa bàn tỉnh, cũng như các bậc cha mẹ và nhất là các em học sinh. Không cần có yêu cầu gì đặc biệt về thể hình, sức khỏe để tham gia tập luyện bóng bầu dục, tất cả những bạn trẻ có mong muốn tham dự và học tập kỹ năng sống đều được chào đón tham gia chương trình. Thông qua tổ chức đoàn thanh niên cơ sở và các trường học, nhà văn hóa thôn, xóm, xã, các em được tập hợp thành từng đội bóng tùy theo nhóm tuổi và theo giới tính nam hay nữ, khoảng từ 12 đến 15 người. Theo chị Thu Hương, việc tập luyện của cầu thủ tại đây dựa trên thỏa thuận giữa huấn luyện viên và cầu thủ do phần lớn các em vẫn trong độ tuổi đi học, chưa kể có những người còn phải giúp đỡ bố mẹ làm việc gia đình hay công việc đồng áng. Tuy vậy, về cơ bản, thông thường trong vòng sáu tháng, các em sẽ hoàn thành được 16 bài của một giáo trình.

Tập hợp các em nhỏ chơi thể thao và tuyên truyền, giáo dục lối sống lành mạnh, an toàn thông qua thể thao và môn bóng bầu dục đã dần dần được người dân nhìn nhận thiện cảm hơn và ủng hộ khi thấy được hiệu quả thiết thực từ đó. Gặp các huấn luyện viên và chứng kiến niềm say mê tập luyện của các em nhỏ ở Kim Bôi, chúng tôi mới thêm hiểu vì sao môn bóng bầu dục lại có thể phát triển đến vậy ở một huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống như Kim Bôi trong hơn bốn năm qua. Bên cạnh những mục tiêu mang ý nghĩa nhân văn của dự án, thấp thoáng trong đó cả những khao khát và ước mơ về một phong trào tập luyện thi đấu rộng khắp và một đội tuyển bóng bầu dục quốc gia sau này thành công trên các đấu trường quốc tế.

Bài và ảnh: PHẠM HÀO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thethao/nhip-song-the-thao/item/43479002-phong-trao-choi-bong-bau-duc-o-mot-mien-que.html