Phong trào Áo vàng có nguy cơ trở thành một Intifada ở châu Âu?

Biểu tình không phải là chuyện gì mới mẻ ở châu Âu nói riêng và Pháp nói chung. Nhưng nhiều người cảm thấy có điều gì đó khác lạ về phong trào 'Áo vàng' đang diễn ra ở Pháp hiện nay và đang lan ra một số nước châu Âu.

Paris tê liệt vì phong trào Áo vàng. Ảnh: Bloomberg

Paris tê liệt vì phong trào Áo vàng. Ảnh: Bloomberg

Biểu tình đã diễn ra liên tục vào ngày cuối tuần ở Pháp trong suốt bốn tuần qua và đã trở thành cuộc biểu tình hàng loạt tồi tệ nhất ở Pháp trong hơn 50 năm qua, khiến ít nhất hai người chết, 500 người bị thương, hàng nghìn người bị bắt, gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ euro, làm tê liệt hoạt động kinh tế ở Paris, Marseille và các thành phố lớn khác.

Rõ ràng, phong trào Áo vàng đã gây ra nhiều hậu quả với Pháp trong tháng qua. Không rõ ai là lãnh đạo, không có dấu hiệu giảm bớt, thậm chí Tổng thống Emmanuel Macron cũng phải nhượng bộ. Đó là những dấu hiệu cho thấy có điều gì đó nguy hiểm hơn chỉ là một cuộc biểu tình bình thường của người dân Pháp.

Trong thực tế, phong trào Áo vàng không có vật cản và có nguy cơ biến thành một intifada của châu Âu, một cuộc nổi dậy về những vấn đề còn lớn hơn là thuế nhiên liệu. Intifada là thuật ngữ dùng để chỉ phong trào biểu tình bạo động chống Israel của người Palestine.

Lý do ban đầu của phong trào Áo vàng (được đặt tên theo loại áo gi lê màu vàng mà lái xe phải ở Pháp phải có trong xe) là do đề xuất tăng thuế của Tổng thống macron với nhiên liệu diesel. Diesel là nguồn nhiên liệu được sử dụng nhiều nhất ở châu Âu. Mặc dù người Paris có vô số lựa chọn để di chuyển trong thành phố nhưng những người ở nông thôn không được hưởng điều đó.

Kể từ khi phong trào Áo vàng khởi phát ngày 17/11/2018, hơn 720.000 người đã xuống đường để biểu tình. Khi phong trào vượt qua mốc tháng đầu tiên, nó vẫn được một tỷ lệ ủng hộ cao trên toàn quốc: 77%. Điều đó cho thấy người Pháp đang thể hiện sự giận dữ. Tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Macron chỉ là 23%.

Ông Macron là một lãnh đạo được coi là thành trì cuối cùng của các lãnh đạo phản đối đường lối dân túy ở phương Tây, nhưng ông dường như yếu thế tại nước nhà. Trên trường thế giới, ông là tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ chống biến đổi khí hậu, chống chủ nghĩa dân túy. Nhưng khi biến những quan điểm quốc tế đó thành chính sách tại Pháp thì chính phủ của ông lại gặp khó khăn hơn gấp bội.

Đây là chỗ mà một cuộc intifada bắt đầu. Phong trào Áo vàng đã có sức sống riêng. Biểu tình về vấn đề kinh tế hay lao động ở Pháp từ trước tới nay thường có xu hướng giảm bớt khi có nhượng bộ.

Nhưng tình hình hiện nay không thế. Đầu tiên, Chính phủ Pháp đã thông báo hoãn 6 tháng tăng thuế năng lượng và nhiên liệu. Sau đó, họ thông báo tạm đình chỉ tăng loại thế này và nhượng bộ thêm khi tuyên bố không tăng giá năng lượng trong năm 2019. Tuy nhiên, điều đó cũng không khiến phong trào biểu tình dịu bớt.

Theo tạp chí Forbes, điều nguy hiểm là ông Macron đã chọc vào tổ ong “Áo vàng” khi thông báo tăng nhiều loại thuế nhiên liệu diesel cùng lúc. Dường như ông đã tính toán sai về phản ứng của dân chúng.

Mặc dù động cơ của các loại thuế là quan trọng và cần thiết trong bối cảnh thế giới phải khẩn cấp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo để cứu Trái đất, nhưng chính sách tăng thuế lại tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ với tầng lớp lao động Pháp. Để làn sóng bạo loạn này biến mất như chưa từng xảy ra là điều vô cùng khó khăn, vì phong trào Áo vàng không có cơ cấu lãnh đạo, nó chỉ đơn giản là diễn ra và lan ra các nước khác, như Bỉ với một loạt lý do khác nhau.

Trong thực tế, phong trào Áo vàng, giống như một cuộc intifada, đang trở nên phi tập trung hóa, giận dữ và khó bị dập tắt. Khi phong trào có thêm nhiều lý do và nguồn cơn giận dữ để biểu tình, chính phủ của ông Macron và bộ máy an ninh Pháp sẽ phải mềm mỏng mới mong tìm ra cách giải quyết.

Nhớ lại các vụ bạo động năm 2005 sau cái chết của hai thiếu niên bị cảnh sát rượt đuổi có thể là bài học cho lực lượng an ninh Pháp. Khi đó, các vụ bạo động đã khiến hơn 8.000 ô tô bị đốt cháy và mất vài tuần mới dập tắt được.

Lần này, nếu dùng vũ lực quá giới hạn với phong trào Áo vàng, hậu quả sẽ còn khó lường hơn nhiều. Cảnh sát chống bạo động đang ở thế khó khăn khi mà nhiều phần tử cực đoan lợi dụng cơ hội để gieo thù hận và gây rối ở mức cao nhất.

Để đối phó với những căng thẳng này, đặc biệt là khi người biểu tình đều mặt chiếc áo gi lê màu vàng, lực lượng an ninh sẽ không thể phân biệt nổi ai với ai. Vụ bắt giữ hơn 1.000 người quá khích vào cuối tuần vừa qua chắc chắn sẽ chỉ làm tình hình thêm căng thẳng.

Pháp đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan về xã hội, chính trị và kinh tế. Trong khi đó, giống như các cuộc nổi loại trước đây, phong trào Áo vàng đang khiến kinh tế tê liệt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh ở Paris, đặc biệt là ngành du lịch, nhà hàng và bán lẻ. Thành phố trở nên ngột ngạt trong khói lửa, hơi cay, vòi rồng.

Các bảo tàng, lăng tẩm ở Paris đã phải đóng cửa. Tháp Eiffel cũng không đón khách. Cung điện Louvre chỉ có thể nhìn từ bên ngoài.

Trong khi đó, cái khó của chính phủ Pháp là sự xuống thang và nhượng bộ nhanh chóng lại khiến phong trào Áo vàng mạnh lên, đặc biệt là đối với các phần tử bạo lực, cực đoan, khiến họ đòi hỏi nhiều hơn nữa.

Liệu đây là một cuộc biểu tình bình thường ở Pháp bị các phần tử vô chính phủ lợi dụng hay đây là một lát cắt xã hội Pháp và châu Âu mệt mỏi với “cái ách” đoàn kết giả tạo sau 25 năm ở trong Liên minh châu Âu?

Nếu là lý do thứ hai, thì phong trào Áo vàng sẽ đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng hơn với Pháp, chứ không chỉ là nền kinh tế mất đi một cơ hội bán lẻ trong mùa nghỉ lễ, mua sắm cuối năm.

Trong thực tế, Thành phố Ánh sáng giờ là chiến trường mới nhất trong cuộc đấu tranh toàn cầu giữa chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa đa nguyên và chủ nghĩa đô thị.

Cách thức Tổng thống Macron sẽ đối phó với tình hình sẽ là thử thách cực lớn trong nhiệm kỳ của ông.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/phong-trao-ao-vang-co-nguy-co-tro-thanh-mot-intifada-o-chau-au-20181211155628345.htm