'Phòng tránh thiên tai, người dân hãy tự cứu mình trước'

Vai trò của chính quyền các cấp, các tổ chức chưa thực sự quyết liệt; công tác cảnh báo thiên tai chưa chính xác, kịp thời; người dân còn chủ quan...

Trận lũ lịch sử lúc 8h ngày 3/8 tại bản Sa Ná, cuốn trôi nhiều nhà dân, 13 người chết và mất tích. Gần 2 ngày sau lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được tâm lũ. Khoảng thời gian đó, người dân trong bản đã làm gì để cứu hộ và giúp đỡ nhau?

Ủy viên BCT. Trưởng Ban Tổ chức TW Phạm Minh CHính thăm và chỉ đạo công tác khắc phục mưa lũ tại Sa Ná.

Ủy viên BCT. Trưởng Ban Tổ chức TW Phạm Minh CHính thăm và chỉ đạo công tác khắc phục mưa lũ tại Sa Ná.

Anh Lê Xuân Tuấn, người thoát chết trong trận lũ tại Sa Ná cho biết, ngay khi xảy ra lũ, người dân trong bản chính là lực lượng tại chỗ, kịp thời và đắc lực nhất giúp đỡ nhau.

"Lúc đấy nước về nhanh quá em lao ra bơi vào bờ thì ôm được gốc cây, 2 vợ chồng chạy lên quả đồi rồi sau đó nước rút mới xuống, cùng với bà con dân bản đi lục các khe suối tìm người thân", anh Tuấn cho hay.

Khác với trận lũ quét ở Sa Ná, lũ cuốn trôi 27 ngôi nhà ở bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ tỉnh Lai Châu năm 2018, nhưng không có thiệt hại về người. Theo người dân địa phương, khi một số bà con đi nương phát hiện thấy có vết nứt trên vách núi sau bản đã kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương, nên việc di tản người dân được tiến hành một cách nhanh chóng, đảm bảo an toàn tính mạng.

Trong khi tại Thanh Hóa, trước khi xảy ra trận lũ ở Sa Ná, phía thượng nguồn suối Son bị chặn dòng thành đập tạm nhưng đáng tiếc không ai phát hiện.

Lực lượng quân đội giúp dân vùng lũ.

Năm 2017 người dân xã Phương Mỹ bị chia cắt bởi ngập lũ, đã không có thiệt hại về người nhờ sự tổ chức, phối hợp hỗ trợ lẫn nhau trong xã; anh Cà Văn Biên trưởng bản Nậm Păn, Mường La, Sơn La, chỉ với chiếc loa cầm tay của mình, đã trực tiếp thông tin kịp thời, cứu tính mạng người dân của bản tránh được thiệt hại trong trận lũ quét vào tháng 8/2017.

Những nơi làm được như Sáng Tùng, Nậm Păn… không nhiều, và qua điều tra, khảo sát tại các khu vực vừa xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chúng tôi nhận ra một điều, hệ thống thông tin liên lạc, phương tiện báo động và nhiều thiết bị cần thiết khác, hầu như không có, đây là lỗ hổng, sự tắc trách của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện Luật phòng chống thiên tai và chỉ đạo của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái, lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ, do đó, phương châm ứng phó cần được quán triệt sâu rộng là phòng hơn chống.

"Sạt lở đất thì đối với những hộ dân sống trong vùng nguy hiểm mà theo phương án đã được các địa phương xem xét kiểm tra thì nghiêm túc di dời ra khỏi vùng nguy hiểm; nghiêm cấm người dân đi nương để không xảy ra hiện tượng bị thiệt hại về người; đôn đốc kiểm tra các đơn vị trực 24/24 nắm tình hình và có phương án kịp thời khắc phục với phương châm chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời và khắc phục hậu quả”, ông Xuân nói.

Khẩn trương giúp người dân vùng lũ.

Cùng những kinh nghiệm dân gian, sự chủ động của người dân địa phương, những chiếc loa cầm tay, hay những thiết bị điện thoại vệ tinh Inmarsat được đặt tại Yên Bái sẽ là những thiết bị, phương tiện hữu hiệu giúp người dân trong điều kiện mưa lũ.

Thế nhưng, để người dân làm chủ tình huống, là lực lượng xung kích, tích cực trong ứng phó, phòng tránh mưa lũ, việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, nhất là vùng sâu vùng xa cần được đẩy mạnh. Đây là trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đã được Luật phòng chống thiên tai quy định rõ ràng.

Ông Tanakan, chuyên gia nghiên cứu về sạt lở đất đến từ Nhật Bản cho rằng, người dân vùng có nguy cơ cao rất cần có những thông tin về cảnh báo. Không ai khác, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có trách nhiệm cung cấp cho họ

"Để có cảnh báo sớm về những địa phương có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất thì trước đó chúng ta phải khảo sát, nghiên cứu và xác định khu vực có thể xảy ra. Khi xác định được khu vực thì phải có cảnh báo cho người dân xử lý. Cùng với chủ động của người dân địa phương thì việc cảnh báo sớm là rất cần thiết", ông Tanakan nói.

Trước những bức thiết trong ứng phó và phòng tránh mưa lũ đang đặt ra cho các ngành chức năng, chính quyền địa phương, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho rằng, hơn 100 nghìn hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ cao cần phải được bảo vệ và đề cao cảnh giác trong tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp. Các ngành chức năng, chính quyền địa phương phải hành động, thay vì hô hào.

"Chúng ta phải triển khai ngay qua những hành động cụ thể thiết thực. Không ít các địa phương đang ở báo cáo, nghị quyết còn triển khai thực hiện còn hạn chế. Rất mong các đồng chí về triển khai ngay hoặc tham mưu lãnh đạo chỉ đạo các huyện xã rà soát, xác định những nơi có nguy cơ lũ quyết để có phương án di dân đảm bảo an toàn, đây là nhiệm vụ số 1", ông Hoài cho biết thêm.

Rõ ràng, công tác phòng tránh và ứng phó lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi vẫn còn nhiều bất cập cần quan tâm, khắc phục và đi vào thực chất, bằng những việc làm cụ thể, nếu không mục tiêu đưa ra đến năm 2025 toàn bộ số hộ dân vùng có nguy cơ được di chuyển đến nơi an toàn cũng chỉ là lý thuyết sáo rỗng./.

Sỹ Đức/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phong-tranh-thien-tai-nguoi-dan-hay-tu-cuu-minh-truoc-949036.vov