Phòng tránh tăng huyết áp khi trời lạnh

(HNMCT) - Nhiều người nhầm tưởng rằng chỉ khi nhiệt độ cao mới ảnh hưởng đến bệnh cao huyết áp. Thực tế, thời tiết chuyển lạnh lại là yếu tố gây bất lợi đối với người mắc bệnh tăng huyết áp. Bởi vì nhiệt độ thấp khiến các mao mạch co lại, huyết áp đột ngột tăng cao, dễ gây các biến chứng, đặc biệt là tim mạch, đột quỵ... Vậy người bệnh tăng huyết áp cần làm gì để bảo vệ sức khỏe của mình trong mùa đông?

Nếu không phát hiện sớm để được điều trị kịp thời thì bệnh tăng huyết áp có thể gây tổn thương tim và gây ra đột quỵ.

Khi nào huyết áp bất thường?

Huyết áp là áp lực của máu lên thành mạch, được xác định bằng 2 chỉ số là huyết áp tâm thu (chỉ số trên) và huyết áp tâm trương (chỉ số dưới). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), huyết áp mục tiêu (huyết áp chuẩn nhất) là 120/80mmHg. Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên. Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, ở người cao tuổi có thể gặp hình thái tăng huyết áp tâm thu đơn độc, nghĩa là huyết tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140mmHg nhưng huyết áp tâm trương vẫn nhỏ hơn 90mmHg. Vì huyết áp có thể lên xuống trong những điều kiện nhất định nên để biết một người có bị cao huyết áp hay không thì không thể xác định qua một lần đo mà phải đo nhiều lần trong ngày, thậm chí là trong tháng. Khi đo, bệnh nhân phải tuân thủ những yêu cầu như không hút thuốc lá hoặc uống cà phê 15 - 30 phút trước khi đo, tinh thần thoải mái... và bác sĩ phải thực hiện đo đúng phương pháp.

Tăng huyết áp thường gặp ở tuổi trung niên, tai biến dễ xảy ra khi thời tiết thay đổi lạnh như hiện nay. PGS.TS Mai Duy Tôn, Trưởng phòng Cấp cứu 1, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, do mùa đông nhiệt độ thấp, cơ thể vì muốn duy trì thân nhiệt ổn định, giảm bớt sự tỏa nhiệt, các mao mạch sẽ co lại khiến lực cản huyết quản điều tiết bên ngoài tăng lên. Đồng thời, nhiệt độ thấp nên ra mồ hôi ít, khiến dung lượng máu tăng lên.

Huyết áp thường có hai thời khắc “cao điểm”, đó là khoảng 9h và 18h. Huyết áp tăng cao hay xuống thấp là tùy theo sự thay đổi của tinh thần và cơ thể, thông thường trong khi ngủ khoảng 3 - 4h là thấp nhất, sáng sớm dần dần tăng cao, đến 9h là ở đỉnh cao nhất. Buổi chiều xuống khá thấp, đến 18h lại trở lại cao điểm và trước khi ngủ lại về “đáy”.

Gánh nặng bệnh tật và tử vong do tăng huyết áp

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn 7 triệu người. PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho rằng, tăng huyết áp được coi là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Theo nghiên cứu tại Viện Tim mạch Việt Nam, cứ 10 người bị đột quỵ lần đầu thì 8 người mắc tăng huyết áp. Không chỉ gây ra đột quỵ, tăng huyết áp còn gây suy thận, nhồi máu cơ tim, suy tim, xơ vữa động mạch... Tại nước ta, chỉ tính riêng nhồi máu cơ tim đã có từ 104.000 - 150.000 người chết mỗi năm.

Điều đáng nói là hiện nay bệnh tăng huyết áp đang phổ biến trong cộng đồng. Thế nhưng, có nhiều người mắc bệnh mà không biết, tỷ lệ điều trị cũng rất thấp. GS.TS Nguyễn Lân Việt cho rằng, hiện có tới gần 60% người bị tăng huyết áp chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Cao huyết áp có diễn biến thầm lặng, ít có những biểu hiện rõ ràng nhưng những biến chứng mà nó đem lại thì rất nặng nề. Nhiều người khi đi khám phát hiện cao huyết áp nhưng trước đó không hề nhận thấy dấu hiệu nào. Một số người thì có các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ mức độ nhẹ, hoa mắt... Cũng có thể tùy bệnh nhân mà cơn cao huyết áp có triệu chứng dữ dội hơn, có thể đau vùng tim, giảm thị lực, người bệnh thở gấp, mặt đỏ bừng hoặc tái xanh, nôn ói, hồi hộp, hốt hoảng. Gánh nặng bệnh tật và tử vong do tăng huyết áp và các bệnh mạn tính không lây liên quan là một trong các vấn đề sức khỏe cấp bách nhất hiện nay.

Kiểm soát huyết áp cả khi không có triệu chứng

Bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, với người bệnh tăng huyết áp, chế độ dinh dưỡng, luyện tập và việc uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ là cách tốt nhất để kiểm soát huyết áp, tránh nguy cơ xảy ra tai biến. Cụ thể, người bệnh có thể tập thể dục trong mùa đông nhưng không nên tập ở ngoài trời vào sáng sớm. Ngoài ra, người bệnh cũng cần có chế độ ăn uống hợp lý như: Duy trì chế độ ăn nhạt 5 - 6g muối/ngày với người trưởng thành, người đã tăng huyết áp thì ăn càng nhạt càng tốt.

Càng ăn mặn thì khối lượng máu càng tăng, áp lực lên thành mạch máu cũng tăng. Nếu mạch máu bị xơ cứng (xơ vữa), nhất là mạch máu ở não thì có thể bị vỡ, gây tai biến mạch máu não - một thảm họa đối với người tăng huyết áp. Lưu ý, một số thực phẩm chứa nhiều chất béo giàu cholesterol như nội tạng động vật: Tim, gan, óc, thận sẽ làm tăng nguy cơ gây bệnh cho người tăng huyết áp. Ngoài ra, không được uống rượu, bia, cà phê, hút thuốc lá vì đây là những thức uống gây ra nhiều bệnh như huyết áp, tim mạch, ung thư... Ăn nhiều rau quả và chất xơ trong mùa đông sẽ rất tốt cho người tăng huyết áp.

GS.TS Nguyễn Lân Việt cho rằng, mọi người đều có thể chủ động tự kiểm tra huyết áp, không đợi đến lúc có triệu chứng mới đo huyết áp. Nếu biết bệnh, phòng ngừa điều trị tốt sẽ giảm các biến chứng tim mạch. Chỉ cần giảm 2mmHg huyết áp sẽ giúp giảm 7% nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành, 10% nguy cơ tử vong do đột quỵ... Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc. Người dân không nên tùy tiện mua, sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp tại các hiệu thuốc. Điều này sẽ không có lợi, vì mỗi một người bệnh tăng huyết áp lại có cách điều trị khác nhau.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/952713/phong-tranh-tang-huyet-ap-khi-troi-lanh