Phong tỏa tàu buôn sẽ giúp phương Tây 'giành lợi thế' trong cuộc chiến với Nga?

Forbes nhận định, sự phụ thuộc kinh tế ngày càng lớn vào đội tàu thương mại và lực lượng hải quân già cỗi khó có thể bảo vệ các tàu buôn là một vấn đề đối với Nga, nhưng lại là cơ hội tốt cho Mỹ và các đồng minh.

Theo chuyên gia Bradford Dismuks, đồng thời là cựu lãnh đạo Hải quân Mỹ, bằng cách phong tỏa các tàu thương mại trong cuộc xung đột, “phương Tây sẽ có thể buộc Moscow tiến tới hòa bình với những điều kiện có lợi”.

Ngoài ra, nhận định của cây bút David Axe trên trang Forbes cho biết, hải quân Nga đang nhỏ dần đi mỗi ngày, nhưng hạm đội tàu thương mại hỗ trợ xuất khẩu quốc gia đang phát triển nhanh chóng. Theo ông David, các tàu hải quân già cỗi và phụ thuộc nhiều vào thương mại hàng hải, chủ yếu để xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), hiện đang là một vấn đề lớn đối với chính quyền của Tổng thống Putin.

Phong tỏa tàu buôn sẽ giúp phương Tây ‘giành lợi thế’ trong cuộc chiến với Nga. (Ảnh: Reuters)

Phong tỏa tàu buôn sẽ giúp phương Tây ‘giành lợi thế’ trong cuộc chiến với Nga. (Ảnh: Reuters)

Nhưng đối với Mỹ và các đồng minh lỗ hổng này là một cơ hội tốt. Như tác giả đã giải thích, nếu xảy ra xung đột, Mỹ có thể phong tỏa hạm đội tàu thương mại của Nga do đó cắt đứt khả năng tiếp cận các nguồn lực cho nền kinh tế, điều này sẽ buộc Moscow phải chấm dứt cuộc chiến với những điều kiện có lợi cho Washington và các nước đồng minh.

“Ngoài các tàu chở LNG mới, Nga còn có một đội tàu thương mại lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Phần lớn đây là những tàu container cũ và tàu chở hàng khô với chi phí vận hành không cao. Nhưng, giống như đội tàu đánh cá của Nga, chúng đóng vai trò quan trọng trong vận tải quốc tế và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế đất nước”, ông Bradford cho biết.

Các tàu buôn được chỉ định đến một số cảng lớn như: Saint Petersburg và Kaliningrad trên Biển Baltic, Novorossiysk trên Biển Đen, Murmansk ở Bắc Cực và Vladivostok ở Thái Bình Dương.

Hơn hết, Moscow đang thiếu hạm đội tàu chiến mạnh mẽ ở vùng biển xa có thể bảo vệ các tàu thương mại trên biển. Hải quân Nga chỉ có một tàu sân bay cũ là “Đô đốc Kuznetsov”, ngoài ra, tàu tuần dương tên lửa hạt nhân “Đô đốc Nakhimov” sẽ sớm được đưa vào hoạt động, bên cạnh đó vẫn còn một số tàu khu trục và tàu tuần tra. Theo ông Bradford, điều này có thể đủ cho việc hộ tống các tàu dân sự riêng lẻ, nhưng việc bảo vệ toàn bộ hạm đội sẽ có vấn đề.

Mỹ và các đồng minh có rất nhiều tàu lớn ở vùng biển xa, tổng cộng hơn 1 nghìn chiếc, bao gồm cả tàu ngầm tấn công hạt nhân và 11 tàu sân bay hạt nhân của Mỹ, hai chiếc của Anh và một chiếc của Pháp.

“Các chiến lược gia phương Tây không nên bỏ qua “lợi thế” rõ ràng này trong việc tấn công các tàu thương mại của Nga. Phương Tây phải thể hiện rõ mối đe dọa trước cơ hội tiến vào vùng biển quốc tế của Nga”, ông Bradford nhấn mạnh.

Vì vậy, trong trường hợp xảy ra xung đột, ông Bradford khuyên các tàu Mỹ nên theo dõi tàu Nga ở vùng biển Bắc Cực, trong khi các đồng minh châu Âu tiếp cận phần phía tây, còn Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phong tỏa các cảng ở phía đông.

Cũng theo ông Bradford, những hành động như vậy không chỉ giúp giành chiến thắng trong cuộc xung đột mà còn có thể tránh được chiến tranh. Phương Tây cần phải nêu rõ quan điểm với Moscow rằng bất kỳ hành động gây hấn nào từ phía họ cũng sẽ dẫn đến việc bị phong tỏa hàng hải, bất kể Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có phản ứng trực tiếp trong khu vực xung đột hay không.

Tuy nhiên, việc phá hủy các tàu thương mại và bắt giữ các thủy thủ đoàn dân sự có thể ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế chính trị của Mỹ và các đồng minh. Do đó, chuyên gia Bradford cho rằng, nên sử dụng các loại vũ khí mới đặc biệt có thể “khống chế” con tàu mà không gây thiệt hại cho những người trên đó.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/phong-toa-tau-buon-se-giup-phuong-tay-gianh-loi-the-trong-cuoc-chien-voi-nga-262642.html