Hội thảo trực tuyến: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế

Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn giá trị to lớn, soi đường cho dân tộc Việt Nam trong mọi mặt đời sống, đặc biệt trong việc xây dựng mối quan hệ Việt- Nga.

Ngày 11/12, Chính quyền thành phố Xanh Saint.Peterburg và Ủy ban Đối ngoại của thành phố đã phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tổ chức trang trọng hội thảo trực tuyến “Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế. 100 năm đồng hành.”

Toản cảnh hội thảo trực tuyến.

Toản cảnh hội thảo trực tuyến.

Tham dự Hội thảo có Phó Thống đốc Saint.Petersburg Nicolai Bondarenko, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Thị Hoàng Vân, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh, Đại sứ LB Nga tại Việt Nam Konstanchin Vnukov, Đại sứ Lào tại LB Nga Siviengphet Phetvorasack và đông đảo các chính trị gia, nhà ngoại giao, nhà sử học, giới nghiên cứu…của LB Nga và Việt Nam. Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ĐCS Việt Nam và Thống đốc Thành phố Saint Peterburg A.Beglov gửi tới Hội thảo phát biểu qua video.

Thống đốc Saint.Peterburg A. Beglov phát biểu qua video.

Trong bài phát biểu của mình, Thống đốc Saint.Petersburg Aleksander Beglov nêu rõ: Hội thảo “Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế. 100 năm đồng hành” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản Pháp - chính đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người sáng lập. Ông đã điểm lại những thành quả to lớn trong phát triển hợp tác với Việt Nam, với các địa phương của Việt Nam.

Chính quyền S.Petersburg đã thông qua quyết định coi hợp tác với Việt Nam là hướng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của Thành phố, nhằm tham gia tích cực hơn nữa vào việc củng cố quan hệ Đối tác chiến lược đã được Nguyên thủ hai nước tuyên bố từ năm 2001. Trong tháng mười vừa qua, Chính quyền Thành phố đã phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga long trọng tổ chức Lễ đặt phiến đá để xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian tới tại Saint.Peterburg. Thành phố đã xác định, hợp tác với Việt Nam là một trong những định hướng ưu tiên trong hoạt động đối ngoại của Thành phố.

Ông Võ Văn Thưởng- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,

Cũng qua video gửi tới Hội thảo, ông Võ Văn Thưởng đã nhắc lại sự kiện cách đây gần 100 năm, vào năm 1923, thành phố Saint.Peterburg -quê hương của Cách mạng Tháng Mười, là nơi đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân, khi tới nước Nga. Dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, trực tiếp là Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Cách mạng Việt Nam, vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng chí cho rằng, khi cả thế giới đang loay hoay tìm lời giải cho việc phối hợp giữa quản lý quốc gia và quản lý toàn cầu, thì việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về sự đồng hành giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế và sự vận dụng thực tiễn gần 100 năm qua là hoàn toàn phù hợp.

Phó thống đốc Saint.Peterburg (ngồi giữa) chủ trì hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc thành phố Saint.Peterburg Nikolai Bondarenko cho rằng, được cả thế giới biết đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống trong ký ức của nhiều thế hệ người dân. Tình hữu nghị mà người theo chủ nghĩa quốc tế trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng, chiếm vị trí đặc biệt trong di sản của các dân tộc Nga và Việt Nam, cũng như của tất cả các dân tộc thuộc Liên Xô cũ. Nhiệm vụ của chúng ta là truyền đạt lại tất cả những điều này cho thế hệ trẻ.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó trưởng Ban Đối Ngoại Trung ương, phát biểu từ đầu cầu Hà Nội.

Trong bài phát biểu của mình từ đầu cầu Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hoàng Vân- Phó trưởng Ban Đối Ngoại Trung ương nhấn mạnh rằng, tinh thần quốc tế trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ tình thương yêu đối với con người, vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, mang lại tự do và bình đẳng thật sự cho con người. Người đã có một bước phát triển mới về đoàn kết quốc tế, đó là giúp đỡ một dân tộc khác bảo vệ độc lập tự do của họ cũng chính là bảo vệ lợi ích của đất nước mình.

Điều này đã được Đại sứ Lào Siviengphet Phetvorasack tại Liên bang Nga khẳng định trong bài phát biểu của mình. Ông cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến các hoạt động của Cách mạng Lào, dành sự ủng hộ và hỗ trợ quý báu, lớn lao cho nhân dân Lào trong cuộc đấu tranh chống thực dân và giải phóng dân tộc, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Lào. Quan hệ giữa Lào và Việt Nam là biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện mà người đặt nền móng là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kayson Phomvihan và Chủ tịch Souphanouvong.

Các tham luận trình bày tại hội thảo nhấn mạnh rằng, chủ nghĩa yêu nước là khởi nguồn và là sợi dây xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng lâu dài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp cao độ giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế, là kim chỉ nam dẫn dắt cho Người trên bước đường hoạt động cách mạng chông gai của mình, trở thành lãnh tụ kiệt xuất của phong trào giải phóng dân tộc và chiến sĩ quốc tế chân chính, được bạn bè quốc tế vô cùng yêu mến, kính phục.

Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng hành 100 năm qua, vẫn còn giá trị to lớn, soi đường cho dân tộc Việt Nam trên những chặng đường tiếp theo trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đồng thời, việc nghiên cứu di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế cũng có ý nghĩa thiết thực trong đời sống chính trị quốc tế hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa vị kỷ lên ngôi, lòng tin giữa các quốc gia bị suy giảm, cạnh tranh chiến lược về lợi ích gia tăng, trong khi chúng ta lại đang sống trong một thế giới hội nhập, nhiều vấn đề mà một quốc gia đơn lẻ không thể giải quyết được, cần có sự đoàn kết chung tay của tất cả các dân tộc.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh đánh giá nội dung các tham luận phong phú, tâm huyết, thể hiện sự công phu trong nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn về di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại sứ nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Người khai sinh, đặt nền móng và dày công vun đắp cho mối quan hệ truyền thống giữa hai dân tộc Việt-Nga. Tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước Việt Nam -Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay luôn trong sáng, thủy chung, được tôi luyện qua thử thách của thời gian, chính là động lực tiếp thêm sức mạnh to lớn cho mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Đại sứ đánh giá cao quyết định mới đây của Thống đốc A.Beglov coi Việt Nam là một trong những hướng đối ngoại ưu tiên của S.Peterburg; điều này sẽ tạo điều kiện cho việc mở rộng quan hệ giữa Saint.Petersburg và Việt Nam, với các địa phương của Việt Nam trên tất cả các mặt./.

Anh Tú/VOV-Moscow

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/hoi-thao-truc-tuyen-chu-tich-ho-chi-minh-chu-nghia-yeu-nuoc-va-chu-nghia-quoc-te-823619.vov