Phong thủy: Phòng ngủ bao nhiêu là đủ an yên?

Phòng ngủ xưa nay là không gian sinh hoạt cơ bản và ít biến động nhất. Nhưng có vẻ như nhịp sống gấp gáp của thời đại công nghệ thông tin và diện tích cư trú ngày càng thu hẹp khiến không ít gia chủ chuyển đổi dần công năng phòng ngủ thành phòng sinh hoạt, cũng như làm sai lệch đi các bản chất về Nội Khí Phong Thủy góc riêng tư này. Một chốn an yên giấc nồng để tái tạo năng lượng tích cực sẽ là đòi hỏi thiết yếu, với sự định vị trở lại các giá trị đúng và đủ của phong thủy phòng ngủ.

Dù là phòng ngủ có gu thẩm mỹ, hay chỉ bố trí cơ bản thì yếu tố tọa hướng, điểm nhìn, vùng tĩnh lặng… luôn cần coi trọng.

Dù là phòng ngủ có gu thẩm mỹ, hay chỉ bố trí cơ bản thì yếu tố tọa hướng, điểm nhìn, vùng tĩnh lặng… luôn cần coi trọng.

Từ thuở bé đung đưa chiếc võng bên hè, hay lớn lên chút thì say giấc nồng trên bộ ván hiu hiu gió mát, nhiều trung niên thành đạt không hiểu sao khi có phòng riêng rộng rãi chăn êm nệm ấm mà lại…khó ngủ hơn. Còn các bạn thanh niên thường xuyên ăn ngủ trên… mạng thì lại càng hay thích chất chồng đủ thứ tiện ích cộng thêm vào nơi ngủ nghỉ sao cho thật “chất” để chụp hình sống ảo, với quan điểm “đời ngắn đừng ngủ nhiều”.

Nhìn lại các triết lý đông phương, quan niệm “Tri túc thường lạc” (biết đủ là vui) rất đáng chiêm nghiệm trong thời nay, mà không dễ mấy ai làm được. Câu nói này mang nhiều ý nghĩa logic và biện chứng trong khoa học phong thủy, chữ “đủ” cần xét trên nhiều phương diện.

Để đạt tính trang nhã và thanh tịnh, phòng ngủ không nhất thiết nhiều đồ đạc, mà nên giữ sự nhất quán về màu sắc, chất liệu là đủ.

Đủ về quy mô

Quy mô của ngôi nhà hay căn phòng không chỉ là độ to lớn hoặc khả năng đầu tư kinh phí. Về mặt phong thủy, quy mô tương xứng nằm ở sự chăm chút và tập trung vào vấn đề Tọa Hướng sao cho hợp lý, tránh các tác động xấu Trực Xung vào giường ngủ. Giữ cho sự bài trí ở góc riêng tư cho “đủ” hóa ra không dễ, bởi tâm lý “phòng riêng tôi có quyền”.

Phòng ngủ cho hai người dù hẹp vẫn khác cho một người mà rộng, cho người làm văn phòng không thể theo kiểu người hoạt động thể chất nhiều. Quy mô đủ của phòng ngủ đi cùng tỷ lệ nhân trắc học các vùng không gian để ngủ và sinh hoạt. Nhỏ là bước vào phòng sẽ ngồi ngay xuống giường, thấy bức bối đè nén.

Còn rộng là có thể bố trí được thêm cả một phòng ngủ nữa bên trong, sinh ra Tán Khí trống trải. Quan niệm đơn giản mà giới nghiên cứu đã chỉ ra giữa đời sống đô thị dồn dập hiện nay: phòng ngủ nên là nơi chỉ để ngủ! Khi nhìn đơn giản vậy, sẽ nhận ra những thứ dư thừa và cả nhiều điều còn thiếu trong phòng ngủ của mình.

Máy lạnh chiếu thẳng giường, gương soi, góc sắc nhọn… là các điểm cần lưu ý để tránh tạo Xung sát cho phòng ngủ trẻ em.

Một số trường phái phong thủy quan niệm xem phòng ngủ như không gian độc lập, nên từ vị trí mở cửa phòng, đặt giường đến hướng giường và các bố trí liên quan khác đều chỉ tính trong phạm vi căn phòng đó, đặt la bàn vào tâm phòng để tính cát hung (do quan niệm rằng chỗ nào có tường vách bao bọc và có cửa ra vào thì tự thành khoảng tiểu vũ trụ, với vận khí riêng).

Dẫu xác lập tính sở hữu, nhưng quan niệm này chưa xét đến quan hệ toàn cục, bởi một căn phòng dĩ nhiên phải chịu chi phối của trường khí toàn nhà. Con thuyền lớn gặp gió bão thì khoang VIP trên thuyền cũng chìm nổi theo, mọi hiện tượng Cát Hung đều phải đi từ đại cục đến tiểu tiết, từ chung đến riêng, từ gia đình đến cá nhân. Phòng ngủ chỉ là nơi để ngủ, quan hệ với cả nhà trong trường khí thống nhất, không nên tách bạch ra để xem xét độc lập.

Một phòng ngủ trẻ em có tính Thủy – Mộc làm chủ đạo, nhấn nhá thêm các hành Hỏa, Kim để tăng sự sống động.

Về cấu trúc, những phòng ngủ chính luôn có diện tích rộng rãi hơn phòng khác, chiếm vị trí chủ chốt chi phối cấu trúc toàn nhà. Nhưng cần biết cách bài trí để phòng ngủ chính không phải là phòng chung mà cần cái gì cũng “chạy lên đấy để lấy”. Giải pháp phù hợp là biết cách phân khu chính phụ, tạo ra các khoảng hay phòng đệm làm chỗ để đồ, thay đồ trước khi vào phòng tắm, hoặc nơi làm việc có bình phong che chắn, để quá trình sinh hoạt của phần giường ngủ luôn giữ được tính âm, tĩnh lặng và gọn gàng hơn.

Đủ về ngũ hành

Bản chất của Ngũ Hành là sự tương tác, chuyển hóa, quan hệ, vận động qua lại (ý nghĩa chữ Hành) giữa các thành phần với nhau. Cho nên nếu quá lệch về một màu sắc, một hình dáng hay một chủng loại chất liệu nào đều gây nên tính thừa, lấn áp hành khác, phát sinh hệ quả xấu. Các mệnh chủ tính theo mùa sinh là một lý thuyết chọn lựa nội thất hài hòa Ngũ Hành đáng lưu ý, trong đó các mùa nào thiếu tính chất gì thì nên chọn hành đó bổ sung cho không gian mà gia chủ cảm thấy phù hợp, gắn bó nhiều.

Ví dụ người Mệnh Chủ cần hành Mộc sẽ chọn họa tiết hoa lá, chất liệu gỗ làm chủ đạo, sau đó bổ sung thêm hành Sinh Chủ (Thủy) và hành Chủ Sinh (Hỏa), hạn chế hành Khắc Chủ (Kim), điểm xuyết hành Chủ Khắc (Thổ) tại các điểm nhấn.

Cấu trúc phong thủy có chỗ dựa Hậu Chậm (đầu giường) và vùng Minh đường thoáng đãng giúp phong thủy đạt trường khí bình ổn, tâm lý an yên cho dù thiết kế theo phong cách nào.

Nước vốn là yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống để duy trì sự sống (về mặt sinh học) và tạo nguồn cảm hứng (về mặt tâm lý) cho con người. Cụ thể là gam màu xanh chuyển từ xanh lam sang lá cây, có bổ sung yếu tố vàng và nâu là hợp cách. Các chất liệu có độ mềm mại, nét uốn lượn hay mô phỏng thiên nhiên thuộc nhóm Thủy – Mộc sẽ thích hợp với đa số các gia chủ có mạng Kim-Thủy-Mộc (đều là hành tương sinh) và bình hòa với gia chủ mạng Hỏa (dù Thủy khắc Hỏa, nhưng Mộc lại sinh nên bù lại). Còn đối với gia chủ hành Thổ cũng vậy: một khắc (Mộc khắc Thổ) và một bị Thổ khắc lại (Thủy) sẽ bình hòa.

Sự hài hòa vật liệu theo Ngũ Hành còn căn cứ vào đặc tính Trường Khí của nơi bố trí chứ không chỉ thuần tính cá nhân. Nội khí của phòng ngủ và phòng ăn (những nơi mang tính nuôi dưỡng, che chở, thuộc Âm, thiên về Tĩnh) sẽ chủ yếu thuộc Mộc.

Với phòng trẻ em và phòng người già, những đối tượng cần quan tâm về sức khỏe thì chất liệu sử dụng giữ vai trò then chốt, như đồ gỗ, sàn gỗ sẽ khá phù hợp vì đem lại cảm giác ấm áp, mềm mại và an toàn hơn nền gạch, cũng như các đồ đạc vật dụng bằng kim loại (khắc Mộc). Hiện nay các bệnh viện dạng nghỉ dưỡng, khách sạn cũng dần hạn chế đồ kim loại, inox lạnh lẽo, mà gia tăng tính ấm áp, thân thiện của nhóm chất liệu nguồn gốc tự nhiên như gỗ, nhựa sinh thái.

Tuy nhiên nếu lạm dụng chất liệu gỗ trong phòng ngủ, thiếu sự quân bình với các hành khác cũng sẽ đem lại cảm giác nóng nực (Mộc sinh Hỏa vượng) và thiếu sự tươi trẻ nhẹ nhàng, nhất là đối với nhà xứ nhiệt đới và đồ gỗ có kiểu cách quá cổ điển. Xu hướng chung hiện nay có thể chọn gỗ nhân tạo, MDF các loại có vân gỗ sáng màu chứ không nên dùng nhiều gỗ tự nhiên sậm màu, vừa không phù hợp với kiểu dáng thiết kế hiện đại, khiến nội thất càng thêm thâm u, Âm thịnh Dương suy, vừa đi ngược xu hướng bảo vệ môi trường.

Những điểm nhấn giúp nâng giá trị thẩm mỹ và tăng tính riêng tư mà ít ảnh hưởng bản chất trường khí tĩnh của nơi ngủ.

Đủ về trang trí

Khuynh hướng giảm trang trí gần đây được chuộng, nhất là với bạn trẻ không thích trang trí cổ điển, đăng đối, gò bó, thiếu cá tính. Nhưng giảm đến mức tối giản, khắc kỷ (kiểu như chiếc giường ngủ trơ trọi giữa bốn bức tường xám trắng) thì lại thái quá và về bản chất đã sai lệch các quan niệm phong thủy Đông Phương vốn chuộng sự hài hòa, không cổ súy thái độ cực đoan.

Yếu tố trang trí có thể hiểu là sự hoàn thiện của phần kiến tạo không gian cơ bản, trong đó một phòng ngủ cũng là một thế giới riêng dù nhỏ, với các vùng trước sau trái phải, góc nhìn chủ đạo và góc nhìn điểm nhấn. Giữa hai phòng ngủ có kích cỡ thiết kế giống nhau, phòng nào chọn đồ vật đồng bộ, hài hòa thì Trường Khí hưng vượng hơn, cho giấc ngủ an lành hơn. Hoặc cùng một loại đồ đạc, thiết bị nội thất nhưng đưa vào chỗ này thì thấy ổn nhưng chỗ khác lại trông không thể chấp nhận được. Tất cả nằm ở tương quan giữa cách sắp xếp đồ đạc và trang trí có hợp lý hay không.

Khi diện tích rộng, nên chia phòng ngủ thành nhiều khoảng sử dụng khác nhau để độc lập và giữ trọn vẹn tính Âm tĩnh, hướng nội, ít chịu chi phối của hoạt động khác.

Có ba tiêu chí – cấp độ cơ bản khi trang trí phòng ngủ theo phong thủy hiện đại, đó là tương đồng, tương sinh và tương phản. Phòng ngủ có nội thất tương đồng sẽ không đưa yếu tố kỳ lạ, ngoại lai (không liên quan) vào nơi ngủ nghỉ, ví dụ một bộ sưu tập đồ cổ, một chiếc xe đạp kỷ niệm, hay cây đàn piano có thể gắn bó thân thiết, nhưng không tương đồng với nơi để ngủ. Hoặc kiểu trần nhà để dầm đà chi chít, chạy đường ống ngoằn nghèo thì hợp với cửa hàng, quán cà phê, đưa vào phòng ngủ gây bất ổn, bám bụi và rối mắt. Trang trí tương quan tạo nên tính đồng bộ, ví dụ đồ gỗ và vật dụng có tính mềm mại như sàn gỗ, thảm mềm, rèm cửa, chụp đèn, tranh ảnh hình hoa lá thiên nhiên… là cùng một hệ Mộc với phòng ngủ.

Trang trí và sắp xếp vật dụng tương sinh tức là tuân theo vòng Ngũ Hành, trong đó dạng hành Thủy (mềm mại uốn lượn, màu xanh biển, tím nhạt) hoặc hành Mộc (đồ gỗ, dáng cây hay ống tròn) sẽ hợp phòng ngủ trẻ em, tránh dùng nhiều đồ sắt thép hoặc phản quang (Kim khắc Mộc). Phòng ngủ chính trong nhà có diện tích rộng và cấu trúc vuông vức thuộc Thổ thì nên dùng đồ vật dạng vuông hoặc chữ nhật, dáng vẻ bề thế và bình ổn, màu nâu hay vàng (thuộc Thổ).

Khi đủ tương quan và tương sinh, có thể dùng yếu tố tương phản làm điểm nhấn để Nổi bật khí. Ví dụ phòng ngủ cho thanh niên cần chú ý các tranh ảnh treo tường hay tủ trang trí để kích thích sự sáng tạo, năng động. Phòng ngủ người trung niên cần lưu tâm mảng tường đầu giường làm chỗ dựa tạo sự bình ổn, trang trọng.

Dĩ nhiên, dùng điểm nhấn là để không đơn điệu, để có cá tính riêng, nhìn thấy các chi tiết yêu thích của gia chủ (chứ không phải áp đặt của… nhà thiết kế), nhưng vẫn cần tiết chế đúng mức, nhấn nhá ở vài điểm quan trọng và vẫn nằm trong quy luật tương đồng và tương sinh đã nêu. Dù là chốn riêng tư nhưng nhà ở và phòng ngủ không phải là quán xá hay gallery triển lãm để trưng bày đồ vật quá nhiều, cho dù là đồ vật đẹp vì sẽ gây ra tình trạng nhiễu loạn trường khí, rối mắt, tạo cảm giác bất ổn cho một góc cần đền sự tĩnh lặng và giấc ngủ an lành.

ThS-KTS Hà Anh Tuấn

Ảnh: Xuân Trang

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/phong-thuy-phong-ngu-bao-nhieu-la-du-an-yen-24339.html