Phong thủy: Đồng hành để nhà thêm ấm cúng

Khái niệm 'đồng hành' ở đây được hiểu là tìm kiếm sự tương đồng, đồng bộ, hỗ trợ giữa các hành trong không gian, chứ không phải độc hành, hay đơn hành (chỉ dùng một loại chất liệu thuộc ngũ hành hợp bản mệnh, dẫn đến lệch lạc thái quá).

Bếp ấm cúng, nhà quây quần… là những tiêu chí hàng đầu xưa nay trong bài trí nhà cửa nói chung và khu bếp ăn nói riêng. Tuy nhiên giữa thời đại nhiều biến động, nhịp sống nhanh và phải giãn cách vì bệnh dịch như hiện nay, một gian bếp ăn quây quần ấm cúng đang trở nên khan hiếm, cùng với nhiều không gian khác cũng ngày càng đơn vắng, lặng lẽ.

Có thể quan sát kinh nghiệm phong thủy xưa và nay để tìm cách gia tăng sự ấm cúng cho chốn cư ngụ.

Trong biệt thự thoáng rộng, hay căn hộ nhỏ xinh, nơi bếp ăn vẫn là điểm hội tụ cốt yếu cho gia đình tìm về quây quần.

Trong biệt thự thoáng rộng, hay căn hộ nhỏ xinh, nơi bếp ăn vẫn là điểm hội tụ cốt yếu cho gia đình tìm về quây quần.

Cổ hay kim đều tìm khoảng cách

Không gian sống có khoảng cách hợp lý giữa các thành phần cấu thành luôn là mục tiêu kiếm tìm trong mọi ngôi nhà từ cổ chí kim. Ta hay nghe nói đến thước Lỗ Ban, đo khoảng thông thủy, lọt lòng gió… với những con số mang tính tương truyền, pha trộn giữa huyền bí và khoa học. Thực ra tất cả đều xuất phát và hoàn thiện dần từ cơ sở gốc là sự tiện nghi và cảm giác của người sử dụng không gian.

Cảm giác thấy bất an thì không chọn, thì kiêng kỵ, còn bố trí thấy tiện nghi trong cả vật lý lẫn tâm lý thì nâng tầm thành triết lý. Do vậy, mọi bậc thầy kiến trúc tây phương hay đại sư phong thủy đông phương đều lấy hoạt động của con người làm đối tượng tính toán và sự thoải mái trong sử dụng hay hấp dẫn trong thẩm mỹ mà con người thụ cảm được thực chất rất cụ thể, đời thường, không có gì cầu kỳ, bí hiểm.

Cụ thể, kiến trúc nếp nhà truyền thống Việt được ông cha ta phân khu chức năng theo hệ lưới cột hợp với nhân trắc học, sai số nhỏ, tương thích tốt với hệ thước đo tỷ lệ của tây phương. Nhà truyền thống ít phức tạp nhưng cấu trúc ổn định, sinh hoạt quây quần, chính phụ rõ rệt… nhờ hệ khoảng cách hợp lý đó.

Các thiết kế bếp đúng chuẩn sẽ đảm bảo tiện nghi, phần tương hòa ngũ hành mệnh chủ sẽ bổ sung yếu tố phong thủy cho bếp tốt hơn.

Thời hiện đại, việc gia tăng chất quây quần, ấm cúng trong nhà ở liên quan đến khả năng tăng giảm âm dương, tinh chỉnh khoảng cách giữa các vùng sinh hoạt và thành phần nội thất nhằm hài hòa về thẩm mỹ và tương hợp với ngũ hành mệnh chủ. Mọi ngôi nhà, căn phòng sau một thời gian sử dụng đều có “xê xích” bởi thói quen và tác động qua lại khi giao tiếp.

Chính vì thế mà bộ ba Môn – Táo – Chủ cần phải được khống chế, giữ khoảng cách hợp lý theo thời gian. Cụ thể, trong bếp là khoảng cách hợp lý giữa tam giác bếp nấu – bồn rửa – tủ lạnh mà thời xưa chưa có khiến bếp rất bừa bộn và ô nhiễm. Hoặc việc điều chỉnh đúng khoảng cách giữa màn hình tivi và bàn ghế tủ kệ giúp nâng chất không gian sinh hoạt giải trí tại gia.

Khoảng cách, kích thước tiêu chuẩn sẽ giúp nâng cao tiện nghi cho bếp chứ không đơn thuần là bề mặt thẩm mỹ hay kiểu dáng thời thượng.

Tuy nhiên để xác định khoảng cách sinh hoạt thế nào là cân đối, kiểu nào là tiện dụng thoải mái nhất thì không có tiêu chí cụ thể cho mọi nhà, mà phải tùy từng tình huống cụ thể. Nhà này dùng bàn ăn tròn thấy quây quần, nhà khác lại chuộng bàn ăn dài. Hoặc có gia chủ thích ngồi kiểu quầy bar cho thân tình, cao ráo, thú vị, còn người khác lại ưa ngồi khoanh chân xếp bằng trên bộ ngựa, tấm phản, ngoài hiên cho dân dã khoái hoạt. Tất cả những sở thích đều cần được tôn trọng và nên tìm cách khai thác hợp lý trong không gian gia đình, tránh du nhập kiểu thức xa lạ với các thành viên.

Phân vùng không gian hợp lý tính từ Trung Cung của nhà (hay căn phòng) sẽ dựa vào khoảng di chuyển, khoảng tĩnh tại, khoảng sử dụng, khoảng nhìn ngắm. Phòng ăn rộng mà đi xuyên qua nhiều thì cũng thành vướng víu khó chịu. Căn bếp nhỏ nhưng bài trí gọn gàng hợp lý thì sinh khí tiếp nạp dài lâu. Vùng di chuyển, nhiều ánh sáng, gió đối lưu…thuộc Dương, trong khi vùng khuất lối, nhiều mảng tối, ít nắng gió… sẽ thuộc Âm.

Để đạt được Âm Dương cân bằng và chuyển hóa hợp lý, nên dựa vào kích thước tiêu chuẩn của nhân trắc con người khi sử dụng, khi đi lại, khi giao tiếp… để khoanh vùng. Tránh chồng lấn, va chạm giữa các vùng và có thể sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Khu bếp ăn là vùng tiếp nạp năng lượng, kết nối thành viên trong toàn nhà, vì thế yếu tố quây quần và dung hòa giữa các nhu cầu cần được đề cao trước tiên tùy theo “kịch bản sử dụng” của mỗi gia đình.

Các mảng màu ấm áp, nhiệt đới như vàng, đỏ, cam, màu gỗ… là điểm nhấn tươi tắn cho không gian ẩm thực gia đình.

Đồng hành phải có chính có phụ

Xử lý nội thất đúng khoảng cách tiêu chuẩn sử dụng và an toàn rồi thì sẽ quan tâm đến tính tương đồng để giúp không gian đồng bộ về Nội Khí. Khái niệm “đồng hành” ở đây được hiểu là tìm kiếm sự tương đồng, đồng bộ, hỗ trợ giữa các hành trong không gian, chứ không phải độc hành, hay đơn hành (chỉ dùng một loại chất liệu thuộc ngũ hành hợp bản mệnh, dẫn đến lệch lạc thái quá).

Thứ tự ưu tiên trong đồng hành nội thất có thể hiểu là xét từ mệnh chủ của người sử dụng, sau đó ưu tiên (a) hành tương hòa (với hành của bản mệnh); rồi (b) hành tương sinh ra bản mệnh; đến (c) hành bản mệnh khắc chế; tiếp theo là (d) hành bản mệnh sinh xuất và cuối cùng là (e) hành xung khắc với bản mệnh.

Ví dụ như gia chủ có bản mệnh thuộc hành Thổ, thì thứ tự ưu tiên abcde khi chọn lựa theo ngũ hành là Thổ – Hỏa – Thủy – Kim – Mộc, trong đó các hành ưu tiên thì dùng với tỷ lệ nhiều, hành hạn chế thì dùng điểm xuyết, tạo cho không gian sự hài hòa có chọn lọc không cực đoan. Điều này tương tự với triết lý ẩm thực hợp dưỡng sinh đông phương: không quá thiên về một loại thức ăn, đồ uống nào quá mức, phải biết dùng kết hợp, xen kẽ, thuận theo mùa nào thức nấy, điều chỉnh linh hoạt, thay đổi theo không gian và thời gian.

Dùng đèn chùm, đèn thả, đèn lồng… ở vùng trung tâm bếp ăn đem lại điểm kích hoạt khí hữu hiệu.

Ngay trong từng thành phần ngũ hành khi suy nghiệm ra chất liệu, màu sắc cụ thể thì cũng phải tiết chế, gia giảm bằng kiến thức khoa học. Ví dụ như các màu rực rỡ (đỏ, cam) hoặc màu tím đậm thì dùng trong không gian bếp ăn phải cân nhắc, bởi sẽ gây chói mắt, hoặc làm ám sắc vào đồ ăn, thì dùng có thuộc nhóm hành ưu tiên với bản mệnh cũng không thể tùy tiện dùng.

Ngược lại, những nhóm màu dịu mát, nhã nhặn, trung tính…như vàng kem, trắng ngà, nâu nhẹ… theo nguyên tắc phối màu hiện đại sẽ làm nền hiệu quả. Đây cũng là lý do khiến phong thủy hiện đại mang đậm tính khoa học và không tồn tại chỉ định mơ hồ, mê tín, bởi hoàn toàn lấy cơ sở từ vật lý, tâm lý để suy luận cùng với Dịch lý.

Gian bếp ấm cúng không có nghĩa phải dùng nhiều màu đỏ cho… nóng nực bốc hỏa, đồng thời bản thân yếu tố Hỏa trong nơi nấu ăn cũng có nhiều cách biểu hiện phong phú về đường nét (xéo, vươn cao) hình khối (thang, tam giác) hay chất liệu (gỗ, đá, kính màu, nhựa resin…) để nhà thiết kế và gia chủ chọn lựa.

Sử dụng ánh sáng hợp lý giúp gia tăng khí cho không gian phụ để hài hòa tổng thể toàn nhà.

Cách xử lý đồng hành trong không gian cũng không có nghĩa là mọi thứ đều phải nâng tầm ngang nhau, cao bằng, hoặc ngược lại làm lệch lạc một vùng nhất định. Vì lý do kinh tế, ít sử dụng, nhưng cách chiếu sáng hay dùng vật liệu vẫn có thể giúp vùng cầu thang, lối ra vào phụ… không gây cảm giác vắng vẻ, cô quạnh, hoặc thiếu gần gũi.

Thay vì xử lý cầu kỳ phức tạp, chú ý chiếu sáng theo vùng chính phụ sẽ giúp kích hoạt đúng mức nội khí, như khu ăn uống cần ánh sáng tập trung và lan tỏa, khu đi lại cần ánh sáng dẫn lối. Ngay cả khu vệ sinh, nơi hay bị xem là “vào cho nhanh rồi ra” cũng cần bố trí ánh sáng ấm cúng để khi bước chân vào sẽ được cảm giác an toàn, nhẹ nhàng, ấm áp…

Nhiều gia đình quá chú trọng “tốt khoe xấu che” nơi phòng khách, chỗ thờ cúng, mà “bỏ quên” khu bếp và vệ sinh, khiến nhiều thành viên trong nhà thậm chí… không dám xuống bếp khi tối trời, không dám vô vệ sinh lúc khuya khoắt. Ở khía cạnh này, kiến trúc nhà ở hiện đại tây phương rất coi trọng, làm kỹ lưỡng, đáng học hỏi về mặt tiện dụng và an toàn cho người sử dụng.

Dù nhà trệt hay căn hộ, khu vực quây quần gia đình nên tiếp cận các góc thiên nhiên, tiểu cảnh để hòa hợp Thiên Địa Nhân, tăng tính kết nối khí.

Đồng hành để nhà thêm ấm cúng thể hiện rõ nét khi màn đêm buông xuống, không còn dương quang mặt trời, đòi hỏi cách chiếu sáng nhân tạo hòa hợp với không gian và con người. Một căn phòng đầy đủ ánh sáng mà không ngọn đèn nào chóa mắt gây khó chịu, không tạo ra nhiều bóng đổ rối mắt, lệch lạc, thì có nghĩa là ánh sáng phòng được kiểm soát hợp lý.

Yếu tố đồng hành ánh sáng với không gian và gia chủ thể hiện qua các bộ ba liên hoàn sinh khắc ngũ hành, như phòng ngủ vốn thuộc Mộc nên dùng ánh sáng vàng nhẹ (Thổ) có thể điểm thêm ánh xanh (Thủy), phòng làm việc thì lấy ánh sáng trắng (Kim) làm chủ đạo, có bổ sung ánh sáng vàng (Thổ) để tương sinh. Gia chủ mạng Hỏa sẽ hợp hơn với ánh sáng xanh lá cây, vàng và cam, với kiểu đèn có nhiều góc nhọn, hình chóp hoặc hình ngẫu hứng.

Trong khi người mạng Thủy sẽ thiên về ánh sáng trắng và xanh biển, kiểu đèn có uốn lượn mềm mại hoặc tròn, láng (Kim sinh Thủy). Dĩ nhiên không thể áp đặt nếu gia chủ không thích, nhưng thông thường các nguyên tắc ngũ hành khá phong phú và không ít thì nhiều sẽ luôn có các điểm tương hợp với đặc tính gia chủ và không gian cụ thể để tùy nghi chọn lựa.

ThS-KTS Hà Anh Tuấn – Ảnh: Xuân Trang

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/phong-thuy-dong-hanh-de-nha-them-am-cung-25256.html