Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Tự mình xây dựng cơ đồ

Trong thời kỳ chiến tranh, miền Bắc có quan hệ thương mại chủ yếu với khối các nước XHCN, công việc xúc tiến thương mại ngoài khối là công việc hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn tiến hành một số việc để gián tiếp xúc tiến sang các nước ngoài khối, đó là tham gia vào những hội chợ thương mại quốc tế như Quảng Châu (Trung Quốc).

Mỗi lần tham dự hội chợ này thường có doanh nghiệp các nước như Nhật Bản, Singapore, đặc biệt là Hồng Kông sang Quảng Châu tham dự. Từ đó họ đã biết các sản phẩm của Việt Nam và quyết định mua thông qua các các văn phòng đặt tại Hồng Kông, nơi kinh tế tự do và không bị ràng buộc thể chế.

Quyết tâm “vượt rào”

Hay ở Châu Âu, chúng ta tham gia khá đều đặn như hội chợ Leipzig (CHDC Đức), là hội chợ của các nước khối SEV (Tổ chức hợp tác kinh tế của các quốc gia thuộc hệ thống XHCN trong giai đoạn 1949 – 1991) để quảng bá sản phẩm ra các nước Tây Âu khác.

Ở Leipzig, hằng năm Việt Nam cũng thường mang sản phẩm của mình sang trưng bày và qua đó giới thiệu cho thương nhân các nước, mà chủ yếu thương nhân của Anh, Pháp, Đức có quan tâm đến Việt Nam và dùng các chi nhánh của họ ở Hồng Kông để nhập khẩu một số mặt hàng cũng như bán cho Việt Nam một số sản phẩm.

Thời kỳ này, Việt Nam vừa bị hạn chế quan hệ đối ngoại, doanh nghiệp lại chủ yếu là DNNN hoặc các HTX. Hồi đó, mỗi lần tổ chức hội chợ phải mất vài tháng chuẩn bị để cho các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu xin phép các cơ quan nhà nước mang khối lượng hàng hóa như thế nào, mang bao nhiêu, duyệt từng sản phẩm mang đi với khối lượng nhất định. Khi về cũng phải chứng minh sản phẩm đó đã được giao cho những khách hàng nào… nói chung bị kiểm soát rất chặt chẽ, chính điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Sau năm 1975, mối quan hệ đã được rộng mở ở các thị trường khác nhau. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng ý thức hơn về việc phải quảng bá sản phẩm của mình ra các nước ngoài khối XHCN.

Trong cơ chế của miền Nam trước giải phóng, các doanh nghiệp phía Nam, kể cả sản xuất lẫn người kinh doanh đều ý thức rất rõ về tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại, cho nên họ cũng tham gia nhiều với VCCI ngay từ đầu về cách thức để làm sao đưa được sản phẩm của Việt Nam có những cơ hội quảng bá, giới thiệu, thúc đẩy xuất khẩu ra bên ngoài.

Cũng may mắn, chỉ sau thời gian ngắn đưa cơ chế kế hoạch hóa tập trung của ngoài Bắc vào trong Nam, thì đến năm 1986 chúng ta quyết định đổi mới theo tinh thần Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Từ đó, cơ chế về ngoại thương cũng được rộng mở và các doanh nghiệp có điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại của mình.

VCCI vào thời điểm đó vẫn là đơn vị duy nhất được tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tại địa phương đã có một vài nơi cũng hưởng ứng, như TP HCM có trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC). VCCI cùng với ITPC thường kết hợp, phân công nhau để làm sao hoạt động xúc tiến có hiệu quả và đỡ tốn chi phí nhất cho doanh nghiệp.

Có thể hiểu được là ngay thời kỳ đầu mới đổi mới, kinh phí đi lại là vấn đề nan giải, trong khi hoạt động xúc tiến lại rất tốn kém nhưng doanh nghiệp cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xúc tiến thương mại và họ coi đây như một khoản đầu tư để giới thiệu sản phẩm và tìm cơ hội xâm nhập các thị trường bên ngoài, do đó họ cũng sẵn sàng tham gia đóng góp kinh phí cho việc đó hơn.

Những cột mốc đáng nhớ

Tôi nhớ mãi cột mốc năm 1988, tức là sau 2 năm đổi mới, lịch sử ngoại thương Việt Nam đạt được mốc 1 tỷ USD xuất khẩu. Thời điểm đó xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore và một vài nươc xung quanh Việt Nam. Với Hồng Kông chủ yếu để đi tiếp sang Châu Âu, Australia, New Zealand và các nước khác mà họ có chi nhánh tại Hồng Kông để làm điểm giao dịch với Việt Nam.

Năm 1993 khi Việt Nam bình thường được với các tổ chức tài chính quốc tế quan trọng như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và được các nước phương Tây mở lại quan hệ chính thức về mặt kinh tế như Nhật Bản, Pháp… hay một số nước nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam… là những dấu mốc giúp cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ quan hệ ngoại thương của mình ra bên ngoài.

Vào những năm đầu đổi mới VCCI đã ký được rất nhiều hiệp định hợp tác với các tổ chức quốc tế như Phòng thương mại ASEAN và các Phòng thương mại từ các nơi trên thế giới.

Cột mốc tiếp theo là khi Việt Nam tham gia ASEAN, đồng thời bình thường hóa quan hệ chính thức với Hoa Kỳ và ký được hiệp định khung đầu tiên về hợp tác kinh tế với Liên minh Châu Âu, đã đưa Việt Nam chính thức bước vào hội nhập kinh tế quốc tế.

Dù bước đầu chỉ là hội nhập trong phạm vi ASEAN, nhưng cũng đã kết nối được với các nền kinh tế lớn để từ đó công tác xúc tiến thương mại càng được đẩy mạnh, doanh nghiệp hào hứng tham gia và chính họ lại chủ động thúc đẩy VCCI tổ chức tiếp các cuộc triển lãm hội chợ bên ngoài.

Tôi còn nhớ, cuối năm 1993 lần đầu tiên chúng ta tổ chức hội chợ của Việt Nam tại Mỹ (TP San Francisco). Lúc đó Chính phủ cho phép và VCCI được phép kết nối với một số tổ chức của Hoa Kỳ dưới danh nghĩa Phòng thương mại và Tổ chức phi chính phủ có thể mang phẩm của Việt Nam sang triển lãm ở Mỹ. Đoàn Việt Nam rất đông, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc đi tham gia đầy đủ, cả doanh nghiệp nhà nước cũng như khối phi nhà nước ở phía Nam họ đều tham gia vào hội chợ đó.

Tại thời điểm diễn ra triển lãm, Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam nhưng đây là cú huých quan trọng để đầu năm sau Tổng thống Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam.

Có thể nói, trong suốt thời gian đó, hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư luôn kết nối chặt chẽ với nhau. VCCI đã kết hợp với Ủy ban hợp tác đầu tư nhà nước tổ chức rất nhiều sự kiện để thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư, đồng thời cũng là xúc tiến thương mại. Nhiều đoàn của Việt Nam được cử ra nước ngoài để tham gia các sự kiện như hội thảo, hội nghị… để giới thiệu về Việt Nam cho nước ngoài.
Trong những sự kiện đó bao giờ cũng có các doanh nghiệp đi cùng với các chuyên gia kinh tế hoặc những người ở VCCI để cùng nhau quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam mới, một đất nước Việt Nam sau chiến tranh, mở cửa và đang đổi mới mạnh mẽ.

Sứ mệnh vẻ vang

Tuy vất vả nhưng VCCI làm được rất nhiều việc, có uy tín cao trong doanh nghiệp. Hoạt động nhiều đến mức VCCI thấy nếu không có bộ máy riêng để hoạt động thì sẽ kém hiệu quả. Cho nên ngoài ban hội chợ triển lãm thì sau này thành lập công ty tổ chức hội chợ, triển lãm.

Các doanh nghiệp cũng quen với khái niệm đi hội chợ triển lãm không phải là công việc của VCCI, họ coi như một hoạt động xúc tiến đầu tư cho bản thân doanh nghiệp và sẵn sàng bỏ chi phí để thuê dịch vụ của các công ty thuộc Phòng thương mại.

VCCI với tâm huyết và với thế mạnh là mạng lưới tổ chức tương quan bên ngoài rộng lớn đã tạo được niềm tin cho doanh nghiệp, đồng thời cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các đối tác khi đi làm xúc tiến bên ngoài.
VCCI vào những năm đầu đổi mới cũng đã ký được rất nhiều hiệp định hợp tác, từ các Phòng thương mại ASEAN và các Phòng thương mại từ các nơi trên thế giới. Cho tới thời điểm tôi nghỉ hưu (2003) cũng đã có 100 hiệp định hợp tác giữa VCCI với Phòng thương mại và các tổ chức xúc tiến khác ở các nước.

Đây chính là chỗ dựa rất tốt cho công việc xúc tiến, bởi 2 bên cộng tác với nhau thì tiếng nói và sự lan tỏa của hoạt động xúc tiến cũng cao hơn rất nhiều. Ví dụ, ở Nhật Bản chúng ta đâu chỉ có quan hệ với các Phòng thương mại lớn như Phòng thương mại Công nghiệp Nhật Bản, Phòng thương mại ở Tokyo, Osaka… chúng ta cũng là đối tác quan trọng của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) họ đều coi VCCI là đối tác của mình.

VCCI không thể thành công nếu không có sự ủng hộ của nhà nước. Ban đầu, thời bao cấp còn được nhà nước hỗ trợ, nhưng từ năm 1983 VCCI xin cơ chế cho tự chủ về kinh tế. Chúng ta có thề hình dung việc xúc tiến thương mại sẽ rất khó khăn khi không có sự hộ trợ của nhà nước, nhưng chúng ta vẫn quyết tâm làm, VCCI vẫn đi hội chợ Quảng Châu (Trung Quốc), hội chợ Leipzig (CHDC Đức) để giới thiệu sản phẩm cho doanh nghiệp nhưng có sự chung tay của các doanh nghiệp.

Trong 10 năm từ 1983 – 1993, VCCI đã tự mình xây dựng cơ đồ về tài chính vững vàng. Về phía nhà nước, mặc dù không bao cấp nhưng luôn ủng hộ VCCI về những sáng kiến, đề xuất cho việc xúc tiến thương mại. Quan hệ giữa Chính phủ với doanh nghiệp đã được cải thiện rất nhiều từ khi đổi mới đến nay, vai trò của VCCI ngày càng được Chính phủ đánh giá cao.

Phạm Chi Lan – nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/tu-minh-xay-dung-co-do-128358.html