Phòng thủ tên lửa Mỹ 'không có cửa' chặn vũ khí siêu thanh Nga

Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ không thể ngăn chặn tên lửa siêu thanh mới nhất của Nga có vận tốc gấp 27 lần âm thanh - theo nhận định của tướng Mỹ.

Nga thử tên lửa Avangard ở Dombarvosky.

Thiếu tướng nghỉ hưu Howard ‘Dalas’ Thompson, cựu Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ ở Ohio, cảnh báo rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ “đơn giản là bất lực” trước việc ngăn chặn thế hệ tên lửa siêu thanh mới nhất của Nga.

Trong bài viết đăng trên tờ The Hill hôm 10.1, ông Thompson lập luận rằng các nhà lãnh đạo quân sự đã bỏ qua việc phát triển hệ thống phòng thủ phù hợp chống lại những mối đe dọa siêu thanh.

Đã có những lời kêu gọi Mỹ theo đuổi vũ khí siêu thanh trong giới chức hoạch định chính sách quốc phòng, nhưng Mỹ vẫn tụt lại phía sau so với Trung Quốc - nước trong năm ngoái đã tiến hành nhiều vụ thử hơn Mỹ trong 10 năm, và Nga - nước đã thử thành công tên lửa siêu thanh hồi tháng 12 năm ngoái. Tên lửa siêu thanh Avangard của Nga sẽ được triển khai vào năm 2019.

Hiện tại, các cảm biến và radar của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ được thiết kế chỉ cho một mục đích là chống lại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Iran hoặc Triều Tiên.

Các ICBM có đường bay có thể dự đoán được và các loại hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và Patriot của Mỹ không có khả năng đánh chặn và phá hủy loại ICBM này.

Nhưng hệ thống phòng thủ của Mỹ không có khả năng đánh chặn tên lửa siêu thanh. Những tên lửa như Avangard của Nga bay ở độ cao thấp và vận tốc nhanh để tránh bị radar phát hiện. Chúng cũng có thể tham gia vào các cuộc tấn công tên lửa đất đối không, làm giảm cơ hội đánh chặn thành công.

“Thực tế khắc nghiệt là các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của chúng ta, cũng như tư duy hoạt động của chúng ta, đơn giản là không có khả năng chống lại mối đe dọa này” - ông Thompson viết.

Nhận định của tướng hồi hưu tương tự như một báo cáo gần đây của Văn phòng Trách nhiện Chính phủ, trong đó kết luận rằng Mỹ “hiện không có biện pháp đối phó nào với các mối đe dọa”.

Trong khi Lầu Năm Góc có kế hoạch trang bị vũ khí siêu thanh vào năm 2025 và đạt được một số tiến bộ trong việc phát triển máy bay đánh chặn, thì ông Thompson cho rằng cần có một chương trình phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và các công ty vũ khí để đối phó với những tiến bộ của Nga và Trung Quốc.

“Để đối phó những mối đe dọa này, Mỹ cần đầu tư vào kiến trúc phòng thủ rộng sâu rộng. Một hệ thống mạnh mẽ phải được hình dung, thiết kế, phát triển và triển khai theo một cách toàn diện” - ông Thompson viết.

Trong khi Mỹ vẫn chưa phát triển được một hệ thống như vậy thì Nga đang tiến xa trong cuộc đua vũ khí siêu thanh.

“Chúng tôi biết chắc chắn, đó là một sự thật hiển nhiên và các đồng nghiệp của chúng tôi cũng nhận ra, là chúng tôi đã vượt qua tất cả các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này” - RT dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hồi tháng 10 năm ngoái. “Không ai có vũ khí siêu thanh chính xác. Một số mới chỉ lên kế hoạch thử nghiệm trong vòng 18-24 tháng. Chúng tôi đã có vũ khí này đang phục vụ rồi”.

Nga thử tên lửa siêu thanh Avangard ở vùng Dombarovsky. Nguồn: RT

Ngọc Vân

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/phong-thu-ten-lua-my-khong-co-cua-chan-vu-khi-sieu-thanh-nga-651517.ldo