Phòng thủ Mỹ không theo kịp tên lửa tấn công

Sau lần phóng tên lửa SM-3 thất bại hồi cuối tháng 1/2018, Tướng Paul Selva đã thừa nhận đầy bất ngờ về công nghệ phòng thủ Mỹ.

Theo tiết lộ của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA), trong lần thử nghiệm tên lửa SM-3 từ hệ thống chiến đấu Aegis vào ngày 31/1 thất bại, chỉ tính riêng tên lửa đánh chặn SM-3 đã có giá trị lên tới 36 triệu USD.

Trong khi đó các chi phí còn lại bao gồm việc sử dụng Cơ sở Trận địa Tên lửa Thái Bình Dương, tiếp nhận hệ thống radar và cảm ứng, huy động 350 quân nhân để triển khai cuộc thử nghiệm.

Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa SM-3.

Sau thất bại của cuộc thử nghiệm, Trung Tướng Sam Greaves – người đứng đầu MDA cho biết: "Đây là lần thử nghiệm tính hiệu quả của loại tên lửa mới cũng như sử dụng phiên bản tên lửa chưa được đưa vào sản xuất".

Mặc dù vậy, Tướng Paul Selva, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho rằng với phong độ thất thường của hệ thống phòng thủ của Mỹ cho thấy, công nghệ phòng thủ nước này đã không theo kịp sự phát triển của tên lửa tấn công, đặc biệt là tên lửa Triều Tiên.

Mặc dù Tướng Paul Selva nhận định Bình Nhưỡng vẫn còn "thiếu một số công nghệ cần thiết" để có thể tấn công nước Mỹ bằng tên lửa tầm xa, nhưng vẫn phải khẳng định Triều Tiên đã có những bước tiến dài trong phát triển hệ thống vũ khí này.

Tướng Selva cảnh báo rằng, với việc Triều Tiên đã nghiên cứu thành công công nghệ mới đưa tên lửa lên bệ phóng, Mỹ và đồng minh có thể chỉ còn khoảng 12 phút cảnh báo trước khi Triều Tiên phóng tên lửa, trong khi trước đây là khoảng 1 giờ.

Cùng với đó, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ Mike Pompeo cũng nhìn nhận Triều Tiên đang nhanh chóng hoàn thiện nốt những vấn đề cuối cùng để sở hữu hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoàn chỉnh, khả năng là chỉ thời gian ngắn nữa.

Trước thách thức từ phát triển kỹ thuật vũ khí của Bình Nhưỡng, tháng 9/2017, tại trụ sở LHQ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định "sẽ hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu nước này tiến hành một vụ tấn công vào nước Mỹ.

Tuy nhiên, với việc thất bại trong vụ thử nghiệm phòng thủ tên lửa mới nhất này, thì khả năng Triều Tiên bị Mỹ hủy diệt đã bị nghi ngờ, nhưng khả năng Mỹ bị Triều Tiên tấn công phản đòn có vẻ thực tế hơn.

Và đây cũng là lý giải tại sao cựu Tổng thống Obama lại chọn một chương trình phá hủy hệ thống phóng tên lửa của Triều Tiên, bởi khi không đánh chặn được tên lửa thì biện pháp phòng thủ tốt nhất là ngăn không cho đối phương phóng được tên lửa.

Như vậy, rõ ràng việc thất bại trong thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là nghiêng về kỹ thuật nhiều hơn là nghiêng về chiến thuật. Và có thể đây là lý do cho đến nay, những biện pháp cứng rắn nhất của Mỹ với Triều Tiên mới chỉ dừng lại ở những tuyên bố.

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/phong-thu-my-khong-theo-kip-ten-lua-tan-cong-3353270/