Phòng thủ Mỹ bất động khi Vùng Xanh bị dội tên lửa

Liên tiếp trong 2 ngày qua, Vùng Xanh tại Iraq - nơi đặt đại sứ quán Mỹ đã liên tiếp bị tấn công bằng tên lửa tầm ngắn.

Cuộc tấn công đầu tiên xảy ra vào cuối ngày 27/8. Theo Cơ quan an ninh Iraq, có ít nhất 3 quả tên lửa tầm ngắn được phóng từ quận Jadriyah, ở phía nam Khu vực Vùng Xanh. Những tên lửa này đã rơi xuống khu vực đất trống.

Vụ tấn công tiếp theo diễn ra rạng sáng 28/8, vũ khí tấn công vẫn là những tên lửa tầm ngắn tiếp tục dội vào Vùng Xanh. Cuộc tấn công được phát động từ Baijiyah, không gây ra bất kỳ tổn thất nào.

Đại sứ quán Mỹ tại Iraq trong một vụ bị tấn công.

Đại sứ quán Mỹ tại Iraq trong một vụ bị tấn công.

Sau 2 cuộc tấn công chỉ vài giờ, lực lượng an ninh Iraq đã tìm được thiết bị phóng của những tên lửa này. Điều đặc biệt là trong cả 2 vụ tấn công, hệ thống đánh chặn C-RAM được Mỹ triển khai trong khu vực đều không có bất kỳ phản ứng nào.

Hiện chưa nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhưng theo lực lượng An ninh Iraq, nhiều khả năng nhóm vũ trang mới thành lập ở Iraq là Usbat al-Tha'ireen (UT) là thủ phạm.

Nếu UT thực hiện vụ tấn công thì đây rõ ràng là vấn đề lớn với phòng không Mỹ bởi UT cũng chính là nhóm đã nhiều lần cho UAV bay bên trên đại sứ quán Mỹ tại Iraq và một số mục tiêu quân sự nước này để trinh sát.

Không những vậy, trong một tuyên bố hồi tháng 5/2020, UT khẳng định, nhóm này có thể thực hiện tấn công vào bất kỳ mục tiêu nào của Mỹ tại Iraq nếu muốn.

Để chứng minh cho tuyên bố của mình, UT cũng đã cho đăng tải một số video ghi hình đại sứ quán Mỹ tại Iraq ở cự ly gần do UAV của nhóm này thực hiện.

Kể từ đó đến nay, năng lực đánh chặn của Mỹ tại những mục tiêu trọng điểm này vẫn không được cải thiện đáng kể dù một số hệ thống đánh chặn đã được Mỹ triển khai.

Trong vụ tấn công hôm 14/8, không có bất kỳ quả tên lửa đánh chặn nào được phóng đi. Hiện nay, khu vực trọng điểm này của Mỹ đã được bảo vệ bằng lưới lửa phòng thủ 2 tầng với C-RAM và PAC-3MSE.

Nhưng tên lửa vẫn tấn công và người Mỹ có lý do để lo lắng. Trong vụ tấn công hôm 19/7, cả 2 hệ thống C-RAM và PAC-3MSE đều không có phản ứng nào khi tên lửa dội vào Vùng Xanh. Trong vụ đầu tháng 8/2020, C-RAM đã lập công nhưng vẫn để lọt mục tiêu.

Giới chuyên gia Nga cho rằng, chính thành tích đánh chặn thất thường của vũ khí phòng thủ Mỹ là nguyên nhân khiến một số đồng minh của nước này tại Trung Đông có kế hoạch mua vũ khí phòng thủ Nga.

Thanh Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/phong-thu-my-bat-dong-khi-vung-xanh-bi-doi-ten-lua-3418067/