Phòng thủ dân sự tại Đồng Tháp: Làm rõ cơ chế chỉ huy, phối hợp ứng phó sự cố, thảm họa

Ngày 8/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã làm việc với tỉnh Đồng Tháp. Phòng thủ dân sự là hoạt động bao trùm các lĩnh vực đời sống xã hội, vì vậy vấn đề Đoàn quan tâm là mô hình hoạt động của Ban chỉ đạo ra sao, cơ chế chỉ huy, phối hợp như thế nào để vừa phát huy hiệu quả đồng bộ, vừa tránh chồng chéo .

Trong 5 năm qua, hoạt động phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn đã được tỉnh Đồng Tháp triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tuy nhiên, đây là tỉnh đầu nguồn, hàng năm phải chịu ảnh hưởng thời tiết khí hậu bất thường. Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng trong xử lý các tình huống còn bị động. Vì vậy các thành viên Đoàn giám sát tìm hiểu là mô hình hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở địa phương.

Trung tướng ĐỖ QUANG THÀNH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Mô hình cụ thể, thành phần của Ban chỉ đạo là ai? Có cơ quan nào giúp việc, cơ quan nào tổng hợp cho Ban chỉ đạo này thường xuyên hay vẫn theo từng ngành ? Hai là khi có tình huống xảy ra, việc điều hành cụ thể như thế nào”..

Thượng tá HỒ SỸ SÁNG, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp: “Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo có 3 cơ quan, gồm có Sở NN&PTNT (về phòng chống thiên tai), Sở TN&MT(về biến đổi khí hậu) và Bộ CHQS tỉnh (về tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự). Quyền hạn Ban Chỉ đạo là được quyết định điều động nhân lực, phương tiện, vật tư trang thiết bị của các tổ chức, cá nhân để ứng phó”.

Ông TRỊNH XUÂN AN, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Quan trọng nhất trong phòng thủ dân sự là chúng ta phải dự liệu xem, với đặc thù của chúng ta thì những sự cố, thảm họa nào mà chúng ta có nguy cơ thường xuyên phải đối mặt nhất, chúng ta định lượng để xác định mục tiêu và phương pháp.”

Ông PHẠM THIỆN NGHĨA, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: “Thiên tai thì Đồng Tháp có nhiều, có cháy, lũ, sạt lở, biến đổi khí hậu, hạn hán đều có. Tôi nghĩ đây là 1 trong những vấn đề chúng ta phải có cái nhìn trong thời gian tới, có thể cho là thảm họa nếu chúng ta không chủ động thì có thể nảy sinh.”

Đoàn khảo sát tiếp thu các đề xuất của tỉnh, trong đó, cần việc xác định rõ các loại hình sự cố, thảm họa dân sự để chủ động ứng phó. Trong phòng thủ dân sự, cũng cần nghiên cứu xây dựng các cụm dân cư để vượt lũ, chống xói lở, thiên tai. Trưởng đoàn khảo sát cũng ghi nhận mô hình của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự của tỉnh Đồng Tháp.

Trung tướng NGUYỄN HẢI HƯNG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Chưa có luật nên các đồng chí đang thực hiện t4 phó ban. Trong thời gian tới khi làm luật chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu tới vấn đề này. Không thể để cho mình đồng chí quân sự làm phó ban được. Tham mưu vào lĩnh vực cụ thể ngành thì chắc chắn khó khăn, mà phải các đồng chí chuyên ngành để tham mưu.”

Trung bình mỗi năm tại tỉnh Đồng Tháp xảy ra hơn 40 vụ giông lốc. Trong 5 năm qua, còn hơn 100 vụ sạt lở bờ sông, sự cố tràn đê, 4 vụ cháy rừng... tổng thiệt hại là hàng trăm tỷ đồng. Qua ghi nhận thực tế, Đoàn khảo sát cũng tìm hiểu việc tổ chức lực lượng, triển khai xây dựng các công trình phòng thủ dân sự; nguồn lực, chính sách đầu tư cho công tác này.

Thực hiện : Khắc Phục Hồng Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/phong-thu-dan-su-tai-dong-thap-lam-ro-co-che-chi-huy-phoi-hop-ung-pho-su-co-tham-hoa