'Phòng thủ Ấn Độ'

Trong cờ vua có các nước đi khai cuộc rắc rối được gọi là 'phòng thủ Ấn Độ'. Trên bàn cờ địa chính trị của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không phải ai khác mà chính người Ấn Độ là những bậc thầy trong việc thực hiện các nước đi đó…

Khi nói đến sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ, từ “châu Á - Thái Bình Dương” sang “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (tự do và rộng mở), hầu hết các nhà phân tích đều quan tâm đến một yếu tố mới xuất hiện trong ván cờ địa chính trị này: Ấn Độ.

Đương nhiên, sự chú ý này không chỉ vì sự xuất hiện tên gọi của Ấn Độ trong chính sách liên quan đến hai đại dương, nó còn xuất phát từ vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ trên bàn cờ địa chính trị quốc tế mà tất cả các siêu cường thế giới hay khu vực như Mỹ, Nga hay Trung Quốc đều phải thận trọng lựa chọn cách tiếp cận: hoặc là đồng minh, hoặc là đối tác hay tệ hơn, là đối thủ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: L.G

Vai trò then chốt trong ván cờ Mỹ

Đối với Mỹ, khi mở rộng không gian chiến lược sang một đại dương mới là Ấn Độ Dương, đương nhiên Mỹ tính đến vai trò của Ấn Độ như là một đối tác, một đồng minh trong chiến lược tổng thể nhằm kiềm chế Trung Quốc. Bước đi quan trọng bậc nhất của Mỹ trong chiến lược này là kéo Ấn Độ vào cơ cấu “Bộ Tứ”, hay “Tứ giác kim cương” Mỹ-Australia-Nhật-Ấn.

Dưới thời ông Trump, Mỹ lần đầu tiên thay thế chiến lược “tái cân bằng” sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ông B.Obama bằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tuy vậy, trong 4 năm ở Nhà Trắng, ông Trump đã không làm gì nhiều để hiện thực hóa quan điểm chiến lược này ngoài những tuyên bố sáo rỗng ở các hội nghị quốc tế, chưa nói đến việc còn điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng giảm nhẹ vai trò của các đồng minh và đối tác.

Đến thời ông Biden, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (mà mạch ngầm của nó nhằm cạnh tranh và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc), trở thành ưu tiên hàng đầu. Để hiện thực hóa chiến lược này, chính quyền của Tổng thống Biden đã hồi sinh và tiếp thêm năng lượng cho cơ cấu “Bộ Tứ” bằng các cuộc hội đàm thượng đỉnh, kể cả những cuộc tập trận giữa các thành viên.

Trong cơ cấu này, vai trò của Ấn Độ đối với Mỹ ngày càng trở nên quan trọng. Trong vài thập niên qua, Mỹ đã thực hiện nhất quán chính sách sửa đổi những bất đồng giữa hai bên đã từng tồn tại trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mỹ từ bỏ chính sách kiên quyết đòi Ấn Độ phải từ bỏ vũ khí hạt nhân, ký với Ấn Độ một thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt, tạo điều kiện cho Ấn Độ tiếp cận các công nghệ quân sự, thúc đẩy vai trò của Ấn Độ trong các thiết chế quốc tế mà điển hình là chính quyền của Tổng thống Obama đã ủng hộ Ấn Độ trở thành một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Đến khi tham gia trở lại cơ cấu “Bộ Tứ”, Ấn Độ trở thành một đỉnh của “tứ giác kim cương”, đóng vai trò then chốt trong chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Kéo” New Delhi khỏi vòng tay Mỹ

Quan hệ Ấn-Trung đã xuống đến mức thấp sau những vụ đụng độ của quân đội hai bên tại thung lũng Galwan và khu vực gần Đường kiểm soát thực tế (LAC) trong hai tháng 5 và 6-2020, dẫn tới những căng thẳng chính trị giữa hai bên.

Những căng thẳng này khiến các giấy phép xin đầu tư vào Ấn Độ của các doanh nghiệp Trung Quốc trị giá nhiều tỷ USD bị “treo” trong nhiều tháng trời. Chính trong thời điểm căng thẳng này, Ấn Độ đã có những động thái xích lại gần với Mỹ, Nhật Bản, Australia mà điển hình là việc tích cực tham gia cơ cấu “Bộ Tứ”.

Trước nguy cơ quốc gia láng giềng, đồng thời là đối tác quan trọng cả song phương lẫn đa phương có xu hướng ngả sang hướng chống Trung Quốc do những căng thẳng biên giới, Bắc Kinh nhanh chóng xúc tiến 9 vòng đàm phán với New Delhi để sau đó đã dẫn tới việc hai bên rút quân khỏi những điểm nóng tranh chấp.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400. Ảnh: L.G

Việc nhanh chóng hạ nhiệt sự căng thẳng giữa hai bên được coi như là một sách lược của Trung Quốc nhằm “tái cân bằng” lại quan hệ với nước láng giềng to lớn, giảm thiểu những thiệt hại đối với cả hai bên do các quan hệ kinh tế thương mại bị đình trệ cộng hưởng với những tổn thất do đại dịch COVID-19 gây nên.

Điều quan trọng là bằng những động thái xoa dịu quan hệ căng thẳng do tranh chấp biên giới, Bắc Kinh muốn “kéo” Ấn Độ ra khỏi vòng tay của Mỹ để bớt đi một đối tác cạnh tranh tiềm năng có nguy cơ biến thành đối thủ nếu như những xích mích về lãnh thổ không được kiểm soát nhanh chóng.

Ưu tiên của Moscow

Đầu tháng 12 vừa qua, Tổng thống Nga V.Putin thực hiện chuyến thăm Ấn Độ. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký 28 thỏa thuận đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất thép, đóng tàu, than, năng lượng... Đáng chú ý nhất là Nga đã ký hợp đồng, theo đó cho phép Ấn Độ tự sản xuất hơn 600.000 súng tiểu liên AK-203, vốn nằm trong dự án hợp tác sản xuất vũ khí giữa hai bên. Đây là một trong những dự án “Make in India” lớn nhất từ trước đến nay, gợi nhớ đến dự án hợp tác sản xuất tên lửa siêu âm BrahMos trong thập niên trước giữa hai bên.

Những động thái này cho thấy Ấn Độ tiếp tục là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Trong bối cảnh Ấn Độ vẫn lo ngại về các hành vi gây hấn của Trung Quốc ở biên giới, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Nga là một lựa chọn ưu tiên bất chấp những động thái ngăn cản từ phía Mỹ. Năm 2018, Nga đã thỏa thuận bán cho Ấn Độ tên lửa phòng không tầm xa S-400 trị giá 5,5 tỷ USD, một thỏa thuận mà Nga “tố” là Mỹ thường xuyên thọc gậy bánh xe để phá rối.

Mỹ từng gạ bán hệ thống phòng không tầm trung NASAMS II để bảo vệ thủ đô New Delhi khỏi tên lửa đạn đạo, cũng như chào bán Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và tên lửa Patriot PAC-3 cho Ấn Độ, đồng thời nhiều lần khẳng định hợp đồng Ấn Độ mua tên lửa S-400 với Nga có thể làm ảnh hưởng tới kế hoạch chuyển giao công nghệ quốc phòng của Washington cho New Delhi trong tương lai.

Mỹ cũng đe dọa sẽ trừng phạt Ấn Độ theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) nếu hợp đồng được thực hiện. Phớt lờ những cảnh báo từ phía Mỹ, Ấn Độ đã chuyển khoản tiền đặt cọc cho Nga, đồng thời đảm bảo với Mỹ rằng các hệ thống này sẽ không gây nguy hiểm cho những vũ khí mà New Delhi đã hoặc sẽ mua của Washington (vốn đắt hơn nhiều!).

Quan hệ đối tác giữa Ấn Độ với Liên Xô trước đây và Nga sau này là nhân tố quan trọng tạo dựng sự ổn định địa chính trị trong khu vực Nam Á suốt nhiều thập niên qua. Khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, mối quan hệ này lại càng trở nên quan trọng giúp duy trì sự ổn định. Cơ chế tham vấn cấp cao thường trực Ấn-Nga về Afghanistan là cơ chế duy nhất mà Nga tạo ra sau khi Taliban tiếp quản Kabul trên cơ sở nhận thức chung của hai bên về các mối đe dọa. Tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga ủng hộ quyết định của Ấn Độ về việc không gia hạn miễn thị thực nhập cảnh 90 ngày cho các thủ lĩnh Taliban, cùng với Ấn Độ không (chưa) chính thức công nhận chính quyền Taliban.

Cân bằng

Vậy Ấn Độ, quốc gia ngày càng đóng vai trò nổi bật trong ván bài chiến lược của các siêu cường, tự định vị mình ở vị trí nào cục diện địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?

Về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi nhiều bên nhấn mạnh khía cạnh an ninh hoặc kinh tế thì Ấn Độ lại nghiêng về cách diễn giải mang màu sắc văn hóa, lịch sử, triết học, coi đó là “sức mạnh mềm” để mở rộng ảnh hưởng về phía Đông, hiện thực hóa tuyên bố tham gia vào châu Á-Thái Bình Dương với tư cách một nhân tố quan trọng không thể bỏ qua.

Bởi vậy, trong khi Mỹ coi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khuôn khổ địa lý cho hình thức an ninh riêng của mình nhằm phục vụ cho chiến lược kiềm chế Trung Quốc thì Ấn Độ nhấn mạnh đấy là khuôn khổ một nền văn minh, cho phép nước này đóng vai trò quan trọng ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Cũng bởi vậy, trong không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vấn đề xung đột với Trung Quốc không phải mang tính sống còn đối với Ấn Độ. Những ràng buộc chặt chẽ về kinh tế và thương mại giữa hai bên khiến cho Ấn Độ có khả năng cùng với Trung Quốc thừa nhận các lợi ích đặc biệt của nhau, cùng phân chia ảnh hưởng với điều kiện đảm bảo lợi ích cho chính mình càng nhiều càng tốt.

Việc Ấn Độ tham gia cơ cấu “Bộ Tứ” là một cách để Ấn Độ định vị các giá trị địa chính trị của chính mình, như là một sự cân bằng với “trục” Pakistan-Trung Quốc. Ấn Độ có thể không phải là một đối tác “ngang cơ” với Mỹ trong cấu trúc “Bộ Tứ” nhưng lại là không thể thiếu trong chiến lược chung của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc!

Với những mối quan hệ chặt chẽ với Moscow về mặt quốc phòng, Ấn Độ cũng khẳng định vị thế độc lập tương đối của mình đối với Mỹ, đồng thời truyền đi thông điệp với Trung Quốc là đủ khả năng để bảo vệ các lợi ích về an ninh, lãnh thổ trong những cuộc tranh chấp triền miên giữa hai bên kéo dài suốt nhiều thập kỉ qua.

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/phong-thu-an-do-i639513/