Phóng tên lửa thất bại, Triều Tiên sẽ thử hạt nhân?

KTĐT - Cả thế giới dồn mọi sự chú ý vào cách thức xử lý thất bại này của Triều Tiên. Đây là cuộc khủng hoảng đầu tiên đối với nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Đối với cộng đồng quốc tế, để cứu vãn hình ảnh, nhiều khả năng tân lãnh đạo Triều Tiên sẽ cho thử hạt nhân lần 3.

Trong bản tin được phát trên đài truyền hình nhà nước, Triều Tiên công bố vệ tinh đã không tiến được vào quỹ đạo, xác nhận thông tin trước đó của các nước láng giềng và Mỹ. “CHDCND Triều Tiên đã phóng vệ tinh ứng dụng đầu tiên Kwangmyongsong-3 từ trạm phóng vệ tinh Sohae ở huyện Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan vào 7h38’55 giây sáng ngày thứ sáu”, đài truyền hình nhà nước KRT của Triều Tiên đưa tin, sau khi cắt ngang chương trình thường lệ. “Vệ tinh quan sát trái đất đã không tiến được vào quỹ đạo đã định. Hiện các nhà khoa học nước này đang tìm hiểu nguyên nhân của thất bại”.

Đây là bước đột biến của Triều Tiên khi lần đầu tiên họ thừa nhận thất bại trong phóng tên lửa. Trước đó vào năm 2006 và 2009, Triều Tiên đã tuyên bố phóng vệ tinh thành công mặc cho xác nhận thất bại từ phía Hàn Quốc và Mỹ.

Hiện giờ, cuộc đua giành lại những mảnh vỡ tên lửa đã nổ ra, Hàn Quốc đã ngay lập tức phái máy bay trực thăng chiến đấu đến khu vực tên lửa rơi. Cặp tàu khu trục, cùng với các tàu nhỏ hơn và trực thăng, đã “cày nát” vùng biển sau khi không tìm thấy mảnh vỡ có thể đã bị rơi của tên lửa. Vì vậy tên lửa được tin là đã bị nổ tung ở giai đoạn tách quan trọng đầu tiên khi một phần của nó rơi ra trong khi phần còn lại bị rơi xuống trước giai đoạn tách thứ hai.

Sau khi Triều Tiên xác nhận vụ phóng vệ tinh của nước này diễn ra sáng nay đã bị thất bại, nhiều nước đã lên tiếng phản ứng với động thái này của Triều Tiên, đồng thời tổ chức họp khẩn cấp để đánh giá về vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên. Mỹ, Hàn và Nhật nhanh chóng lên án vụ phóng là “hành động khiêu khích”, đe dọa đến an ninh khu vực, vi phạm luật quốc tế và đi ngược lại những cam kết gần đây của chính nước này.

Mặc dù vụ phóng thất bại, Mỹ vẫn lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc công nghệ tên lửa ngày càng phức tạp của CHDCND Triều Tiên. “Chúng ta đã chứng kiến trong một thời gian dài Bắc Triều Tiên theo đuổi công nghệ tên lửa đạn đạo phức tạp” - đô đốc Samuel Locklear, người đứng đầu Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đóng ở Hawaii, nói. Một câu hỏi lớn đặt ra là liệu tên lửa Triều Tiên có thực sự mang vệ tinh. Giới chức Mỹ và Hàn Quốc tin tuyên bố bắn vệ tinh là không có thực và Triều Tiên chỉ muốn bắn thử khả năng của tên lửa của nước này, xem nó có khả năng mang đầu đạn tới tận bờ biển tây của Mỹ hay không.

Công nghệ tên lửa của CHDCND Triều Tiên có nguồn gốc là những tên lửa Scud từ thời Liên Xô. Các nhà khoa học nước này bắt đầu xây dựng các tên lửa Scud của chính họ, được đặt tên là Hwasong-5 và Hwasong-6. Bước tiếp theo là tên lửa Taepodong-1 hai tầng có chiều dài 25m, bao gồm tầng một là tên lửa Nodong và tầng hai là Hwasong-6.

Taepodong-1 từng được phóng đi một lần hồi tháng 8-1998, được lắp thêm một tầng và cũng mang vệ tinh. Phương Tây cho rằng vụ phóng này thất bại, nhưng CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã đưa được vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất.

Các nhà phân tích cho rằng tên lửa hai tầng Taepodong-1 có khả năng mang theo 1 tấn vật liệu đi xa khoảng 2.500 km. “Một số nhà phân tích cho rằng với việc giảm bớt khối lượng tên lửa mang theo, Tapeodong-1 có thể mang một đầu đạn 200 kg tới lãnh thổ Mỹ và 100 kg tới tận thủ đô Washington, dù độ chính xác là thấp”, chuyên gia về tên lửa người Mỹ Steven Hildreth phân tích. Tháng 4-2009, Bình Nhưỡng lại phóng tiếp tên lửa Unha-2, sử dụng tên lửa đẩy Musudan, có chiều cao 30m và cân nặng từ 80 - 85 tấn. Tên lửa Unha-3 lần này, theo các nhà khoa học, khá giống với Unha-2 trước đó.

Ngoài các lý do kỹ thuật, chuyên gia James Oberg phân tích trên Hãng tin Mỹ MSNBC rằng sức ép về thời gian phóng vào lễ kỷ niệm đã khiến vụ phóng lần này được tiến hành một cách vội vàng. Ngoài ra, cũng theo Obert, lệnh cấm vận đã ngăn cản CHDCND Triều Tiên tiếp cận với các công nghệ tên lửa thật sự hiện đại

Bỏ ra khoảng 850 triệu USD nhưng việc phóng tên lửa đã không thành công, 240.000 tấn lương thực viện trợ từ Mỹ bị tạm ngừng cung cấp, bị các nước chỉ trích mạnh…nhưng bất chấp thất bại mới đây, một chuyên gia về công nghệ vũ trụ đang có mặt ở Bình Nhưỡng nói với hãng tin Nga RIA Novosti rằng CHDCND Triều Tiên sẽ chưa từ bỏ chương trình tên lửa của mình. Theo ông Christian Lardier, chuyên gia công nghệ vũ trụ người Pháp đã theo báo chí tới quan sát vụ phóng của CHDCND Triều Tiên, với CHDCND Triều Tiên, đây là một chương trình 20 năm và họ đã có ba lần phóng không thành công. Nhưng họ sẽ không từ bỏ. Họ sẽ cố gắng tìm ra nguyên nhân thất bại, sửa chữa và thử lại lần nữa trong hai, ba năm tới. “Thất bại là chuyện bình thường trong phóng thử tên lửa”, Lardier nói khi so sánh tên lửa Unha-3 của CHDCND Triều Tiên với việc phát triển tên lửa Bulava của Nga. “Công nghệ tên lửa rất phức tạp. Chẳng hạn, nếu so CHDCND Triều Tiên với Nga, có một chương trình tên lửa Bulava, đã có 12-13 vụ phóng thử, một nửa trong số đó thất bại”.

Cả thế giới dồn mọi sự chú ý vào cách thức xử lý thất bại này của Triều Tiên. Đây là cuộc khủng hoảng đầu tiên đối với nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Nó thực sự là một phép thử đối với khả năng điều hành cũng như xử lý tình huống của ông. Theo Giáo sư Lee Jong-won tại ĐH Waseda ở Tokyo, rất có thể ông Kim Jong-un sẽ truy cứu về thất bại này và có thể một vài tướng lĩnh quân đội sẽ phải “chịu trách nhiệm”. Nhưng đối với cộng đồng quốc tế, để cứu vãn hình ảnh, nhiều khả năng tân lãnh đạo Triều Tiên sẽ cho thử hạt nhân lần 3.

Bình Nhưỡng từng tiến hành 2 vụ thử hạt nhân vào năm 2006 và 2009, và cả hai vụ đều khiến các nước khác lo ngại sâu sắc, khiến Triều Tiên hứng chịu một loạt lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Lần này, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã được yêu cầu họp khẩn để lên án vụ phóng. Tuy nhiên dư luận lai e ngại về một nghị quyết cứng rắn của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Brian Bridges, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Lingnan Hồng Kông nhận định điều đó có thể khiến Triều Tiên…tiến hành một vụ thử hạt nhân dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Tại buổi làm việc trên với Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-Jin nhận định nhiều khả năng CHDCND Triều Tiên sẽ tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần thứ ba sau vụ phóng tên lửa bất thành vì Triều Tiên đã có sự chuẩn bị trong một thời gian dài.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin lại khẳng định rằng “hiện các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung rõ ràng về cách thức ứng phó với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. "Họ chẳng thu được gì ngoài việc bị cô lập hơn nữa ", đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice cho biết. Còn Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lí Bảo Đông tuyên bố, Bắc Kinh sẽ làm tất cả những gì có thể nhằm xoa dịu căng thẳng, thay vì “đổ thêm dầu vào lửa” về vấn đề Triều Tiên. Trước đó, Trung Quốc đã hối thúc tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế sau vụ phóng vệ tinh thất bại của Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói Trung Quốc hy vọng tất cả các bên liên quan giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không có những hành động gây phương hại cho hòa bình-ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực.

Trung Quốc, chỗ dựa chính trị và kinh tế lớn nhất của Triều Tiên, sẽ không ủng hộ bất cứ một lệnh trừng phạt bổ sung nào nữa tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Có thể một vài lệnh trừng phạt tài chính sẽ được Mỹ và các nước thân cận áp đặt đơn phương, nhưng Triều Tiên vốn dĩ từ lâu đã là đất nước tách biệt nhất thế giới nên khả năng có thể khiến Triều Tiên phải trả một cái giá đắt là không lớn.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/330848/phong-ten-lua-that-bai-trieu-tien-se-thu-hat-nhan.aspx