Phòng suy dinh dưỡng ở trẻ em

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam hiện nay có giảm nhiều so với những năm trước, tuy nhiên ở vùng sâu, vùng xa, số trẻ suy dinh dưỡng vẫn còn cao hơn nhiều so với các thành phố, biểu hiện là trẻ thấp bé nhẹ cân, sức đề kháng yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, càng làm trẻ suy dinh dưỡng nhiều hơn.

Cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho trẻ

Cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho trẻ

Làm thế nào biết trẻ bị suy dinh dưỡng?
- Trẻ suy dinh dưỡng là trẻ có cân nặng và chiều cao thấp hơn trẻ bình thường cùng tuổi. Thông thường người nhà chỉ theo dõi cân nặng là chính, ít có điều kiện đo chiều cao cho trẻ, nhưng muốn đánh giá chính xác trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân cấp tính, hay suy dinh dưỡng thể mạn tính để lại di chứng còi cọc, cần phải biết cân nặng, chiều cao để so với số tuổi của trẻ, từ đó mới đánh giá chính xác tình trạng suy dinh dưỡng nặng hay nhẹ và có biện pháp giúp trẻ ăn uống dinh dưỡng đầy đủ hoặc đưa trẻ đến khoa dinh dưỡng khám bệnh và tìm hiểu về cách ăn uống giúp bé sớm phục hồi dinh dưỡng.
Nguyên nhân nào trẻ bị suy dinh dưỡng?
- Trẻ suy dinh dưỡng có nhiều nguyên nhân: bà mẹ có thai ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, làm thai nhi bị suy dinh dưỡng sinh ra bé nhẹ cân, thiếu chiều cao, những trẻ bị thiếu sữa mẹ. Trẻ bị các dị tật bẩm sinh, những gia đình đông con, những trẻ hay bị các bệnh nhiễm khuẩn đùong hô hấp, đường ruột, nhiễm ký sinh trùng. Những trẻ thiếu sữa, ăn dặm sớm trước 5 tháng tuổi, chỉ ăn bột cháo với muối, trong chén thức ăn thiếu dầu mỡ, thiếu đạm động vật, rau xanh, hoa quả hoặc khi trẻ bị bệnh thì cho trẻ ăn kiêng khem quá mức, ăn những thức ăn không phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ dẫn đến khó tiêu, nôn ói liên tục, kém hấp thu, chậm tăng cân… trên đây là một số nguyên nhân làm bé đứng cân, giảm cân đi vào suy dinh dưỡng rất dễ dàng.

Làm sao giúp trẻ phòng bệnh suy dinh dưỡng?
- Muốn phòng bệnh suy dinh dưỡng cho trẻ cần giúp gia đình nâng cao hiểu biết, thực hành dinh dưỡng tốt từ trong bào thai. Phụ nữ mang thai nên ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng và uống thêm 2-3 lần sữa dành cho bà mẹ có thai và cho con bú trong ngày, suốt thai kỳ cần tăng cân khoảng 12kg. Khi sinh ra cho trẻ bú ngay trong nửa giờ đầu, bú thật no theo nhu cầu của trẻ, bú mẹ hoàn toàn trong 4-6 tháng đầu và tiếp tục đến 18-24 tháng. Cho ăn dặm khi trẻ 6 tháng tuổi, ăn đủ 4 nhóm thực phẩm. Nếu thiếu sữa mẹ nên dùng sữa công thức phù hợp độ tuổi, thể trạng giúp bé đủ dinh dưỡng để phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần. Sữa là loại thức ăn cân đối, hài hòa, đầy dủ chất dinh dưỡng và dễ hấp thụ nhất. Trẻ cần uống đủ sữa theo độ tuổi, ăn uống hợp lý giúp đạt chiều cao và cân nặng tốt theo chuẩn. Khi trẻ bệnh cần được khám và điều trị kịp thời, chủng ngừa và uống vitamine A đầy đủ cũng là những biện pháp phòng bệnh tốt, ngăn chặn nguy cơ suy dinh dưỡng.

Một trong những nguyên nhân suy dinh dưỡng trẻ em thường gặp là do dinh dưỡng chưa hợp lý. Suy dinh dưỡng lại ảnh hưởng lớn đến tầm vóc và sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy, việc phòng chống suy dinh dưỡng cần được tiến hành ngay từ khi bà mẹ chuẩn bị mang thai.

Phòng ngừa suy dinh dưỡng

Bà mẹ mang thai cần có chế độ ăn nhiều hơn bình thường tất cả các chất dinh dưỡng như protein, vitamin A, B, PP, C... chất khoáng như canxi, sắt... Cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, uống sữa dành cho bà bầu, đảm bảo mẹ tăng cân 10-12kg trong suốt thai kỳ, để sinh trẻ đủ cân, khỏe mạnh. Cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh và kéo dài 18-24 tháng, sữa mẹ là thức ăn đầu đời hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ, ngoài cung cấp chất dinh dưỡng còn cung cấp các yếu tố chống bệnh tật, bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng.
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bằng bữa ăn hợp lý, tập cho trẻ ăn dặm vào tháng thứ 6. Cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn (bột đường, đạm, béo, vitamin, khoáng chất), duy trì sữa mẹ đến 18-24 tháng. Nếu không đủ sữa mẹ, lựa chọn loại sữa thay thế phù hợp. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngừa và trị bệnh bằng tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, xổ giun định kỳ mỗi 6 tháng cho trẻ trên 2 tuổi. Theo dõi biểu đồ tăng trưởng cho trẻ hàng tháng nhằm phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng hoặc các nguy cơ nếu có và can thiệp sớm.

Sản phẩm giúp phòng ngừa suy dinh dưỡng
Ngoài các thức ăn giàu đạm, vitamin, khoáng chất, chất béo động vật và thực vật là những thực phẩm cần thiết trong bữa ăn hàng ngày của trẻ thì một thực phẩm không thể thiếu đối với trẻ là sữa, bởi vì không một loại thực phẩm đơn độc nào chứa đầy đủ tất cả dưỡng chất cần thiết như sữa, chính vì vậy trẻ cần uống đủ sữa theo độ tuổi. Đặc biệt, với những trẻ suy dinh dưỡng, hoặc có nguy cơ suy dinh dưỡng, trẻ vừa ốm dậy, trẻ ăn uống kém... cần chọn những sản phẩm dinh dưỡng bổ sung phù hợp, giúp trẻ phục hồi dinh dưỡng nhanh chóng như các sản phẩm dinh dưỡng giúp tăng cân, sản phẩm dành cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi... giúp trẻ nhanh chóng bắt kịp đà tăng trưởng, hạn chế tối đa các hậu quả do suy dinh dưỡng gây ra.

BS Đỗ Thị Nga (Chuyên gia Tư vấn Dinh dưỡng)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phong%C2%A0suy-dinh-duong-o-tre-em-558975.html