Phóng sự điều tra: Giải thoát khỏi 'nanh vuốt tín dụng đen' (kỳ 2)

Con nợ một khi rơi vào kiệt quệ, phải hứng lấy đòn thù của bọn cho vay: bị đe dọa, khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự…

“HÚT MÁU” ĐẾN TẬN CÙNG

Con nợ một khi rơi vào kiệt quệ, phải hứng lấy đòn thù của bọn cho vay: bị đe dọa, khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự… Nhưng tất cả những chiêu trò, hành vi đó suy cho cùng, cũng chỉ là bề nổi mà các đối tượng chuyên sống bằng nghề cho vay nặng lãi dùng làm công cụ để chuyển hóa cho lòng tham không có điểm dừng của chúng.

Chia nhau xâu xé

Hết nợ, chị Mai quay về những ngày bình an, quyết tâm “làm lại những gì đã mất”. Ki-ốt vải ở chợ Soái Kình Lâm, là “cần câu cơm” chắc ăn nhất mà chị có thể vin vào những lúc khó khăn như thế này. Nhưng tiền đâu để nhập hàng về, mở sạp?

Xế chiều 20/6/2020, khi cũng đang chìm trong dòng suy nghĩ “tiền đâu?” mông lung như thế thì chị Mai giật bắn mình khi nghe tiếng còi xe dội vào nhà. Bên ngoài, một nam thanh niên ăn mặt bảnh tỏn, huýt sáo, niềm nở bước vào nhà chị. Là Khánh, người đi cùng Quang trong lần chốt nợ cách đây một tháng.

“Làm gì mà mặt mày bí xị thế bà chị?” – Khánh mở lời. Nhìn điệu bộ quá ư tự nhiên của gã, chị Mai chỉ biết ngơ ngác hỏi: “Có chuyện gì không em? Chị đã trả nợ hết rồi mà?”. “Em đi ngang qua, nhớ bà chị nên ghé vào hỏi thăm thôi! Chắc lại đang “kẹt” tiền nữa chứ gì? Cần bao nhiêu thì nói em đưa cho. Em cam đoan với chị là không dí tiền gắt như ông Quang đâu” – Khánh vào đề.

Tới đây, chị Mai dù có muốn giấu cũng khó, vì hình như tâm can của chị đã bị tên này nhìn xuyên thấu. Chị ấp úng: “Tiền bên em cũng đóng góp với mức lãi như bên thằng Quang hả?”. Khánh gật đầu cái rụp! “Vậy chị vay cỡ 20 triệu tiền góp để nhập vải về còn kinh doanh, hết dịch rồi nên chắc bán được. Nhưng em phải hứa là không làm căng như Quang đợt trước đó nha?” – chị Mai vẫn còn lưỡng lự.

Khánh không nói không rằng, móc bóp đưa tiền ngay. Chưa biết lời hứa có giữ được hay không nhưng trước mắt, đã thấy cách cho vay, lấy lãi của gã giống hệt Quang: Vay 20 triệu, chị Mai thực nhận chỉ 19 triệu nhưng trong một tháng, phải đóng tiền góp lên tới 24 triệu đồng.

Đối tượng Khánh trong một lần dí nợ các nạn nhân

Đối tượng Khánh trong một lần dí nợ các nạn nhân

Biết “đắng” nhưng khi đồng tiền “rót” xuống quá ngọt thì có lẽ, bất kỳ ai rơi vào cảnh túng như chị Mai, cũng khó lòng tỉnh táo nổi. Vậy là thêm lần nữa, chị… nhắm mắt đưa chân!

Nhập về lô hàng đầu tiên, lại trong thời điểm vừa hết đợt dịch, chị Mai chí thú bán buôn. Làm ăn dư được ít đồng, lẽ ra chị đã gọi chủ nợ đến trả dứt điểm. Nhưng do ham lời, chị lại vay thêm vài khoản tiền từ Khánh để nhập lô hàng mới. Chẳng ai ngờ, bệnh dịch Covid-19 quay lại lần 2. Thế là chị Mai không những không “lấy lại được những gì đã mất” mà còn có nguy cơ “mất luôn những gì đã có”!

Không phải tự dưng trong hôm chốt nợ lần trước, Quang dẫn Khánh đi cùng. Tay này rõ ràng có một ý đồ hết sức thâm độc là muốn “chia mối” cho đồng bọn đến sau “nhập tiệc”.

Nhìn cách Khánh tìm tới vuốt ve, dụ dỗ con nợ, đến mức lãi suất hay thủ đoạn “nhồi nợ”, người ta có thể hình dung ngay bóng dáng của Quang lấp ló ở phía sau. Vậy thì chẳng có lý do gì Khánh lại quên “đền đáp nghĩa cử” cho “kẻ đến trước”.

Đâu chỉ riêng 2 đối tượng này, cứ vài ngày, không biết nhờ ai chỉ điểm mà nhiều người gọi tới số điện thoại chị Mai để “ngỏ lời” cho vay. Trong số đó, có một nam thanh niên tên Hưng, tự giới thiệu là người quen của Quang nhưng khi chị Mai hỏi lại thì chẳng tên nào chịu nhận.

Mà giờ có nhận hay không cũng chẳng giải quyết được gì, vì tiền đã trót vay, còn lãi thì nai lưng ra mà đóng. Cứ thế, hết tên này đến tên nọ chia nhau xâu xé “con mồi”.

Không lối thoát!

Trong tháng 6 và đầu tháng 7/2020, chị Mai bị 2 tên này kéo sâu vào vòng xoáy nợ nần, với mức lãi suất “cắt cổ” mà trả hoài cũng… không bao giờ hết! Trên thực tế, ở đợt thứ hai, tổng số tiền chị Mai thực vay của Quang chưa tới 214 triệu đồng, còn của Khánh là 77,5 triệu đồng.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ (cả gốc lẫn lãi) trong hơn một tháng, đến hết ngày 7/7/2020, chị Mai đã đưa cho Quang tổng cộng hơn 160 triệu đồng, còn Khánh là hơn 45 triệu đồng. Tuy nhiên, tính toán kiểu gì không biết, Quang lại bắt chị này phải trả tiếp cho anh ta 120 triệu đồng, còn Khánh thì phải trả đủ con số 47,5 triệu đồng.

Qua điện thoại, nghe 2 chủ nợ báo số tiền còn lại bắt buộc phải trả, chị Mai rụng rời tay chân. Với mức lãi quá “khiếp đảm” ấy thì đường đâu để… “sống”? Nhưng mấy ai hiểu được, một khi đã rơi vào tình thế bị “đồng tiền che mờ lý trí” thì những người đi vay làm gì đủ tỉnh táo để ý thức được, họ đang “tự nguyện” đâm vào chỗ… “chết”! Bọn cho vay vì quá hiểu cái kết đó nên đã “dìm” không thương tiếc số phận của hàng chục “chị Mai”, “cô Mốt”… ở xóm ngụ cư này!

Chị Trương Ngọc Diễm (tên nhân vật đã thay đổi), 36 tuổi, ngụ cùng hẻm với chị Mai, hiện trong cảnh hôn nhân đỗ vỡ và đang phải gồng gánh nuôi 2 đứa con thơ. Chồng bỏ nhưng tiền điện, tiền nước, tiền học của mấy đứa con thì đâu có tháng nào chịu “bỏ” chị đi (!).

Những tin nhắn đe dọa sặc mùi “đao búa” mà Quang dùng làm công cụ để chuyển hóa cho lòng tham

Tính ra, mỗi tháng chị phải chi hơn chục triệu đồng cho sinh hoạt nhưng giờ, thất nghiệp rồi thì tiền đâu để… tính? Bí bách, chị Diễm đành phải đi vay. Mà dân lao động như chị, làm gì có chỗ nào vay lẹ hơn địa chỉ của những “ngân hàng cột điện” như Quang và Khánh?

Một buổi sáng đẹp trời đầu tháng 6, Quang tới nhà chị Diễm, lấy sổ hộ khẩu làm tin, rồi chốt “kèo” cho vay 20 triệu đồng. Một tháng sau, chị Diễm trả hết cả nợ gốc lẫn lãi cho Quang tổng cộng được 24 triệu đồng.

Nhưng chẳng hiểu bằng “bùa phép” gì, Quang lại “thuốc” chị này vay thêm của gã 30 triệu đồng nữa, với mức lãi suất như mọi khi? Tới đây, người đàn bà đơn thân bắt đầu “ngộp thở” khi mỗi ngày phải trả nợ gốc lẫn lãi tới 1,2 triệu đồng.

Hết tiền, chỉ còn nước trốn, đó là quy luật! Bổn cũ soạn lại, Quang và đồng bọn liền giở thói côn đồ, gọi điện thoại chửi bới, đe dọa con nợ; kèm theo là thông điệp sặc mùi “đao búa” gửi đến gia đình nạn nhân.

Công cụ của lòng tham

Quay lại câu chuyện của chị Mai, khi đã chốt nợ xong, cả Quang và Khánh đều “hạ” chung một bài: Quy tất cả các mối nợ thành “tổng nợ” và yêu cầu đóng tiền “lãi đứng” mỗi ngày. Cố gắng cầm cự, chị Mai đóng lãi cho 2 chủ nợ được hơn một tuần thì kiệt sức.

“Lại phải trốn thêm lần nữa sao ông?” – chị Mai nước mắt lưng tròng hỏi đúng câu mà cách đây 2 tháng, trong một đêm mưa giông, chị đã đã từng đặt ra với người chồng của mình. “Phải trốn! Nhưng lần này chỉ mình bà đi thôi. Còn tui ở lại!” – anh Tân (chồng chị Mai) kiên quyết muốn ở lại để đối diện với chủ nợ.

Nhưng dường như, phương án anh Tân chọn ẩn chứa nhiều mối họa khó lường? Con nợ một khi rơi vào kiệt quệ, sẽ lập tức phải hứng lấy đòn thù của bọn cho vay: bị đe dọa, khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự… Cũng có khi chúng chẳng cần làm gì nhiều, đó có thể chỉ là một vài câu đe dọa theo kiểu lấp lửng, ngụ ý nhưng khi người vay tiền nghe thấy, sẽ ý thức được điều gì đang sắp xảy đến với họ.

Chị Mai bị Quang bắt ký giấy nợ tính luôn mức lãi suất “cắt cổ”

Tất cả những chiêu trò, hành vi nêu trên suy cho cùng, cũng chỉ là bề nổi mà các đối tượng chuyên sống bằng cho vay nặng lãi dùng để chuyển hóa cho lòng tham không có điểm dừng của chúng. Vì sao khi đã thừa biết chị Mai hay chị Diễm dù không có công ăn việc làm ổn định, nhưng những đối tượng cho vay vẫn bất chấp “nhồi” tiền để họ nợ càng thêm… nợ? Làm vậy, nếu con nợ quá sức chịu đựng mà bỏ trốn thì liệu có quá rủi ro cho phía chủ nợ hay không?

Rủi ro đương nhiên là có! Nhưng cái đích mà nhóm này hướng đến không đơn giản chỉ là số tiền lãi thu về từ những khoản vay vài chục triệu (!). Cả Quang và Khánh đều biết rõ các con nợ này có nhà cửa ổn định tại TPHCM, nên các đối tượng đặt ra nguyên tắc “liều ăn nhiều” lên trên hết.

Với nhóm này, mọi việc chỉ có chiếu theo “luật rừng” chứ không màng tới luật nào khác. “Tiền là xương là máu. Không có tiền thì phải lấy nhà ra để thế! Không thì một mạng tôi đổi cả mấy mạng gia đình bà!” – Khánh từng phán xanh rờn với chị Mai khi biết nạn nhân hết khả năng chi trả.

Câu nói ấy cũng đã bộc lộ được động cơ thật sự của nhóm này trong việc liên tục “nhồi” tiền cho con nợ vay lên đến hàng trăm triệu đồng. Tất cả cốt để nợ đè nợ, lãi đè lãi và đến khi nạn nhân bị truy bức đến bước đường cùng, thì bắt buộc phải đem tài sản có giá trị nhất là căn nhà ra thế chấp để được yên thân.

Khánh và Quang quy tất cả các mối nợ thành “tổng nợ” và yêu cầu chị Mai phải thanh toán với mức lãi suất "cắt cổ"

Một người hiền lành như anh Tân, chắc chắn không thể lường hết những thủ đoạn thâm sâu của bọn cho vay nặng lãi. Nhưng vì vợ, nên anh dám ở lại đương đầu. Chị Mai thêm lần nữa trốn chạy. Điểm lánh nạn lần này là nhà một người bà con tại Q.Bình Thạnh, TPHCM. “Trốn đến bao giờ đây? Làm sao mình thoát khỏi cảnh này?”.

Những bước chân nặng trĩu của chị Mai sao bỗng dưng không nhấc thêm được nữa? Hình như có ai đang níu lấy chị. “Trời! Ra là người quen! Con nhỏ này làm tao hết hồn! Mày đi đâu ra đây?” – chị Mai nói như trút được nỗi lo nơm nớp.

Trước mặt chị Mai bây giờ là chị Hồ Ngọc Minh Hồng, một người bạn đã mất liên lạc nhiều năm nay. Số phận như khéo sắp đặt khi chị Mai gặp lại người bạn cũ trong hoàn cảnh bi đát này, vì cách đây 2 năm, chị Hồng cũng là nạn nhân trót dính vào các băng cho vay nặng lãi gốc Bắc, bị chúng truy bức, đánh đập dã man.

Và chỉ đến khi Báo Công an TPHCM chung tay cùng Công an Q.Tân Phú, góp sức thực hiện chuyên án đấu tranh triệt phá, đưa ra ánh sáng một đường dây đen thì chị Hồng mới được giải thoát…

(Còn tiếp…)

Nhóm PVĐT

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/ky-2-hut-mau-den-tan-cung_100777.html